Đó là gia đình ông Lý Văn Câu, người dân tộc Mông ở xóm Đồng Tâm, xã Động Đạt (Phú Lương). Trong những năm qua, gia đình ông không chỉ khắc phục khó khăn, vươn lên làm giàu mà còn góp sức cùng bà con nơi đây xóa đói, giảm nghèo.
Chúng tôi đến nhà khi ông đang phơi những mẻ ngô vàng óng vừa mới thu hoạch. Với cách nói chuyện gần gũi, ông kể: Những ngày mới đến đây, tài sản của gia đình chỉ là căn nhà lá tạm bợ và 3ha đất trống, đồi trọc. Vợ chồng tôi cùng 6 người con cùng nhau khai khẩn, biến những mảnh đất cằn cỗi thành đồi sắn, bãi ngô, đồng thời động viên các hộ gia đình trong xóm cùng thực hiện trên phần đất được nhận của mình. Những bãi đất hoang sơ dưới bàn tay lao động của gia đình dần trở thành đất sản xuất, nhưng nhiều năm làm lụng vất vả mà cái nghèo vẫn cứ đeo đẳng, tôi luôn trăn trở tìm hướng, thoát nghèo. Năm 1996, khi huyện phát động phong trào chuyển dịch cơ cấu cây trồng đến các xã, gia đình tôi đã tiên phong trồng thử nghiệm các giống ngô lai, lúa lai, sắn cao sản… Những năm sau đó, có chương trình, dự án nào của huyện, xã triển khai về xóm tôi đều xin làm trước rồi vận động bà con làm theo với mong muốn thay đổi cuộc sống nơi đây.
Đất không phụ công người, gia đình ông đã trồng thành công hơn 1ha diện tích sắn cao sản, 6 nghìn m2 diện tích đất trồng các giống ngô lai thay thế hoàn toàn các giống cũ, cho năng suất cao gấp 2,3 lần so với trước đây. Thành công từ mô hình trồng trọt, ông tích lũy vốn và kết hợp thêm chăn nuôi trâu, bò, lợn... giúp gia đình thoát nghèo và xây được ngôi nhà mới. Những năm gần đây, trừ mọi chi phí gia đình ông thu được từ 120 đến 130 triệu đồng/năm, thuộc diện có thu nhập khá của xóm.
Thời điểm ấy, để thực hiện các dự án chuyển đổi giống cây trồng giúp đồng bào thiểu số xóa đói giảm nghèo, cán bộ khuyến nông của địa phương đã đến xóm vận động, hướng dẫn bà con trồng các giống mới. Nhưng với người Mông muốn thay đổi tập quán canh tác và những hủ tục lạc hậu đã ăn sâu vào đời sống thì không thể một sớm, một chiều. Hơn nữa, việc nghe và hiểu được hết nội dung bằng tiếng phổ thông đối với bà con là điều hết sức khó khăn. Thấu hiểu tâm tư đó, ông cậu đã đến từng hộ gia đình động viên, tận tình truyền đạt lại cho bà con bằng tiếng Mông, phân tích cho họ hiểu lợi ích từ việc thay thế các giống cây trồng mới. Đồng thời, gia đình ông tiên phong trồng thử nghiệm, tự tìm tòi học hỏi, tích cực tham gia các lớp tập huấn về nông nghiệp để có thêm kiến thức rồi hướng dẫn cho mọi người cùng làm.
Thấy được hiệu quả từ việc ông đưa các giống mới vào phát triển sản xuất tại gia đình. Các hộ trong xóm đã cùng làm theo dưới sự hướng dẫn tận tình của ông. Đến nay, toàn xóm đã phát triển được trên 30ha diện tích trồng sắn cao sản, 6ha diện tích trồng các giống ngô lai thay thế hoàn toàn các giống ngô và sắn địa phương già cỗi. Nhờ đó, đời sống bà con đã được cải thiện rõ rệt. Bà Lý Thị Minh, người được ông Câu giúp đỡ trồng giống sắn cao sản và ngô lai đã vươn lên thoát nghèo cho biết: “Nhiều năm trước trồng ngô và sắn giống địa phương năng suất thấp, gia đình tôi túng thiếu quanh năm. Được ông Câu đến hướng dẫn trồng sắn cao sản và ngô lai, lại mang cả máy cày sang đánh luống trồng giúp, tận tình chỉ bảo cách chăm sóc, gia đình tôi đã trồng thay thế thành công hoàn toàn giống cũ, cho thu nhập cao gấp mấy lần so với trước. Năm 2005, gia đình tôi đã thoát nghèo.
Không những giúp người dân thay đổi nếp nghĩ, cách làm về phát triển kinh tế, ông còn tuyên truyền bà con thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Gia đình ông luôn đi đầu trong mọi phong trào của địa phương, nhất là phong trào xây dựng đời sống văn hoá. Năm 2014 này, gia đình ông là 1 trong 2 gia đình văn hóa tiêu biểu của xóm.