Góp phần xây dựng thương hiệu chè Đại Từ

17:33, 01/12/2014

Một dự án lớn liên quan đến nhiều vấn đề nhạy cảm, khó khăn như đền bù, tái định cư, giải quyết việc làm… sẽ không thể tránh khỏi những thiếu sót. Nhưng nhìn một cách khách quan và tổng thể thì những gì mà Công ty TNHH Khai thác Chế biến khoáng sản Núi Pháo đã, đang gây dựng và làm được như ngày hôm nay thật đáng ghi nhận. Trong đó không thể không nhắc đến chương trình Phục hồi kinh tế đang được triển khai ở những địa phương ảnh hưởng bởi Dự án, tiêu biểu là chương trình hỗ trợ người dân sản xuất chè an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP.

Không chỉ hỗ trợ “cần câu” mà cả

 

Sẽ không có gì là dễ dàng thành công nếu không có sự cố gắng, nỗ lực của chính bản thân mỗi người dân, nhất là khi đứng trước một “bài toán” về kinh tế, dù có sự giúp đỡ, hỗ trợ từ Nhà nước, cấp, ngành chức năng. Thực tế đã chứng minh, rất nhiều chương trình phát triển kinh tế được các cấp, ngành chức năng triển khai, đầu tư ở các địa phương trong tỉnh đã thất bại như một thời người dân đổ xô trồng cây mơ, cây vải, nuôi chồn nhung đen, nhím… Thậm chí có những mô hình được nhà nước đầu tư từ “A đến Z” rồi cũng teo tóp theo thời gian do không phù hợp với thực tế, người dân trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước, khi hết tiền cũng là lúc bỏ mô hình. Chúng tôi dẫn chứng như vậy để khẳng định rằng, để giúp người dân xóa đói, giảm nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng trên mảnh đất quê hương không phải là điều đơn giản đối với chính các cấp, ngành chức năng chứ không nói riêng một dự án như Dự án Núi Pháo. Tôi vẫn nhớ trong một hội nghị, có đồng chí lãnh đạo tỉnh đã từng nói: Hãy giúp người dân có được cái “cần câu” (khoa học kỹ thuật, cách thức làm ăn, phương pháp tổ chức sản xuất, kinh doanh…), chứ đừng cho họ con “cá” đơn thuần (đồng tiền), khi hết tiền họ sẽ không biết phải làm gì, đói nghèo sẽ quay trở lại.

 

Với cánh làm này, hiệu quả đã trở nên khác biệt rõ rệt, số hộ đói nghèo của tỉnh  giảm nhanh theo thời gian. Và có một điều đặc biệt, khi chúng tôi tìm hiểu vấn đề này ở NuiPhao Mining, cho thấy: Dự án không chỉ giúp người dân vùng ảnh hưởng có chiếc “cần câu” bền chắc mà còn hỗ trợ họ cả những con “cá”.  Đó là việc làm mà không phải dự án nào cũng làm được, những cán bộ của NuiPhao Mining đã thể hiện được sự nhiệt huyết, nhiệt tâm thông qua các chương trình phục hồi kinh tế; Công ty đã thể hiện được trách nhiệm và những điều cam kết với cộng đồng dân cư, giúp đỡ họ có được nơi ở mới, sinh hoạt, lao động, sản xuất ít nhất là bằng hoặc hơn nơi ở cũ.

 

Sản xuất chè an toàn đạt tiêu chuẩn VietGAP

 

Đại Từ là địa phương có diện tích chè lớn nhất tỉnh (hơn 6.200ha), nhiều thập niên qua, cây chè luôn được xác định là cây mũi nhọn trong phát triển kinh tế, góp phần xóa đói, giảm nghèo, nhưng hương chè Đại Từ vẫn chưa thực sự bay xa, chưa có chỗ đứng vững chắc trên thị trường. Để góp phần xây dựng thương hiệu “chè Đại Từ”, giúp người dân có thể làm giàu được nhờ cây chè, từ năm 2007, Công ty TNHH Khai thác Chế biến khoáng sản Núi Pháo (NuiPhao Mining) đã mời các tư vấn kỹ thuật nổi tiếng chuyên về cây Chè “Canh tác chè theo hướng bền vững” thu hút hơn 400 hộ dân tham gia, tại các xã Hà Thượng, Hùng Sơn, Tân Linh và xã Cát Nê, trong đó có 174 hộ thuộc xã Hà Thượng. Ngày 29-7-2013, 18 hộ dân ở xóm 7 (Hà Thượng) đã được Trung tâm Kiểm định chất lượng giống và Vật tư hàng hóa nông nghiệp tỉnh Thái Nguyên cấp giấy chứng nhận sản phẩm Chè an toàn đạt tiêu chuẩn VietGAP. Đời sống người làm chè ở xóm 7 cũng như các xóm khác ở Hà Thượng  đã được cải thiện nhờ năng suất, chất lượng tăng 1,5 lần so với trước.   

 

Thành công từ mô hình sản xuất chè theo tiêu chuẩn VietGAP ở xóm 7, đầu năm 2014, NuiPhao Mining tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng mở các lớp tập huấn Trồng, chăm sóc & chế biến chè an toàn cho các xã Tân Linh, Hà Thượng, và thị trấn Hùng Sơn. Ngày 20-11-2014, gần 70 hộ thuộc 2 tổ sản xuất chè của xã Tân Linh và thị trấn Hùng Sơn đã được cấp Chứng nhận Chè an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP. Chị Lương Thị Thưởng, ở xóm 12, xã Tân Linh phấn khởi cho biết: Nhờ tham gia các lớp tập huấn chăm sóc, chế biến chè theo tiêu Viet GAP do NuiPhao Mining phối hợp tổ chức, gia đình tôi đã biết cách thu hái đúng kỹ thuật, chè hái về được phơi héo trên giá lưới, khi sao sấy xong, chè được đựng trên nong, nia, chứ không để ra nền nhà như trước. Nay, giá bán chè đã cao hơn từ 20-30 nghìn đồng/kg (tùy từng loại chè). Tham gia mô hình làm chè an toàn do NuiPhao Mining tổ chức, người dân chúng tôi không phải đóng góp gì, còn được Công ty hỗ trợ; đi thăm quan học tập kinh nghiệm, hỗ trợ tư vấn kỹ thuật về sản xuất Chè an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, được hỗ trợ làm biển lô thửa, cảnh báo phun thuốc, sổ sách viết nhật ký nông hộ theo đúng yêu cầu của thực hành sản xuất Nông nghiệp tốt, hỗ trợ kinh phí lấy mẫu phân tích đánh giá cấp chứng nhận Chè an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP.

 

Đời sống người làm chè được nâng cao

 

Chăm sóc chế biến Chè an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP chất lượng Chè ngon, an toàn hơn so với những sản phẩm Chè trước đây. Nhờ vậy, dù diện tích chè bị thu hẹp do ảnh hưởng bởi Dự án Núi Pháo, nhưng thu nhập của người nông dân không có sự thay đổi nhiều, thậm chí còn tốt hơn trước. Nhưng điều đáng mừng hơn cả là nhờ sản xuất chè an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, sản phẩm chè đã không còn tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, không gây độc hại cho người uống trà và cả người sản xuất, hạn chế được nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, đạt tiêu chuẩn của Bộ Nông nghiệp và PTNT quy định. Anh Nguyễn Đình Năng, Tổ trưởng Tổ sản xuất chè an toàn xóm 7 phấn khởi giới thiệu: Tổ sản xuất có 18 hội viên với 6,5ha chè được trồng bằng các giống mới cho năng suất, chất lượng cao và sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Nếu trước kia, giá bán chè của chúng tôi chỉ được 40-60 nghìn đồng/kg (chè Trung du) thì nay đã bán được với giá 100-200 nghìn/kg (chè Kim Tuyên, Phúc Vân Tiên…). Điều đáng mừng là các hộ làm Chè an toàn đều không có đủ sản phẩm để bán, sản xuất ra đến đâu tiêu thụ hết ngay đến đó, đời sống kinh tế đã được nâng lên một bước.

 

Ông Vũ Hồng, Phó Tổng Giám đốc NuiPhao Mining cho biết: Để đạt được các yêu cầu đề ra, Công ty đã tổ chức nhiều lớp tập huấn nâng cao kỹ thuật, trình độ hiểu biết về sản xuất chè an toàn cho người dân; tổ chức đưa các hộ nông dân đi tham quan các mô hình sản xuất tại những vùng chè nổi tiếng trong và ngoài tỉnh. Hỗ trợ kinh phí đầu tư trang thiết bị phục vụ cho quá trình sản xuất, như: Hỗ trợ 50% số kinh phí mua tôn inox sao chè cho tổ Chè Hà Thượng, 70% kinh phí mua máy hút chân không người dân đối ứng 30%; hỗ trợ tem nhãn, bao bì, và quảng bá sản phẩm trên báo chí, truyền hình. Trong thời gian tới, Công ty sẽ tiếp tục có kế hoạch hỗ trợ những hộ làm chè ở các xóm làm chè khác, chuẩn bị các điều kiện tốt nhất để sắp tới các hộ sẽ tham gia Hội chè ở huyện và tỉnh.

 

Việc triển khai mô hình sản xuất chè an toàn theo tiêu chuẩn VietGap có ý nghĩa quan trọng trong việc thay đổi nhận thức của người nông dân, thay đổi tập quán canh tác chè theo hướng truyền thống sang thâm canh cây chè theo hướng sản xuất hàng hóa, nhằm mang lại năng suất, chất lượng cao, góp phần tích cực trong việc xây dựng thương hiệu “Chè Đại Từ”.