Hỗ trợ hội viên phát triển kinh tế

11:03, 20/12/2014

Nhìn vạt đồi bưởi diễn vàng ruộm, trái sai trĩu cành của gia đình bác Hoàng Văn Hãn, xóm Nà Lưu, xã Tràng Xá (Võ Nhai) chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng và càng khâm phục khối óc, bàn tay của con người đã biến vùng đất cằn cỗi toàn cỏ dại thành vườn cây trái xum xuê, hứa hẹn mùa bội thu.

Dẫn chúng tôi ra vườn bưởi, vừa đi bác Hãn vừa kể: Tôi có trên 2ha vườn đồi, cũng trồng đủ loại cây ăn quả từ cây mơ đến hồng không hạt, rồi đến cây vải… nhưng đều không mang lại hiệu quả kinh tế cao. Năm 2011, khi Hội làm vườn tỉnh triển khai mô hình trồng thâm canh bưởi Diễn theo hướng VIETGAP, tôi đã đăng ký tham gia. Sau khi được tập huấn, gia đình tôi được cấp 300 cây giống và được hỗ trợ phân bón cây trồng trong thời gian 3 năm. Trồng cây bưởi kỹ thuật không khó, mặt khác loại cây này ít bị sâu bệnh, đặc biệt khi ra trái không bị các loại côn trùng hoặc dơi ăn như trồng vải, nhãn, hồng, na. Đặc biệt, giống bưởi Diễn này sau khi thu hoạch có thể để từ 2-3 tháng giá mà không lo bị hỏng. Cây trồng đến năm thứ 2 đã bói quả, năm thứ 3 hiệu quả kinh tế đã trông thấy. Trung bình mỗi cây bưởi trồng đến năm thứ 2 cho từ 10-12 trái, năm thứ 3 có cây tăng lên 25-30 trái. Như gia đình tôi, năm ngoái thu được gần 1.000 quả, năm nay nâng lên trên 1.500 quả. Tôi không phải mang bưởi ra chợ bán, mà các tư thương vào thu mua tận vườn với giá bán tại vườn thời điểm hiện nay là 20.000 đồng/quả, dịp Tết 25.000 đồng/quả. Được biết, từ số giống bưởi do Hội làm vườn tỉnh hỗ trợ, hiện nay gia đình bác Hãn đã chiết và trồng thêm 100 gốc bưởi Diễn. Riêng xóm Nà Lưu có 22 hộ được chọn tham gia dự án của Hội làm vườn tỉnh, thì cũng có hộ dân đã nhân lên từ 400 đến 1.000 gốc như gia đình bác Tạ Văn Tuân, Lê Xuân Điệp…

 

Trao đổi cùng chúng tôi Đào Thị Dung, Chủ tịch Hội làm vườn tỉnh cho biết: Dự án thâm canh cây bưởi Diễn theo tiêu chuẩn VIETGAP được Hội làm vườn tỉnh phối hợp cùng Hội làm vườn huyện Võ Nhai triển khai ở 2 xã Tràng Xá và Dân Tiến từ năm 2011. Thông qua dự án nhằm thay đổi nếp nghĩ trong canh tác của bà con, hạn chế phá rừng, tạo cảnh quan môi trường mang tính bền vững. Đồng thời dự án góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người nông dân. Về phương pháp triển khai, chúng tôi đã tiến hành họp các hội viên Hội làm vườn của 2 xã, dựa trên các tiêu chí và bình xét những hộ tham gia phải là người yêu thích nghề làm vườn và có diện tích trồng bưởi từ 200m2  trở lên. Tổng quy mô triển khai của dự án là 8 ha với 47 hộ tham gia, trong đó xã Tràng Xá 22 hộ xã Dân Tiến 25 hộ. Các hộ tham gia được tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc bưởi Diễn và biện pháp phòng trừ sâu bệnh, được cấp phát cây giống và phân bón cây trồng trong vòng 3 năm. Hội làm vườn tỉnh cử cán bộ kỹ thuật cùng với Hội làm vườn huyện và Hội làm vườn 2 xã thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở các hộ làm đúng biện pháp kỹ thuật trồng, chăm sóc và đốn tỉa nhằm điều chỉnh sinh trưởng của cây, tạo cây thông thoáng đủ ánh sáng, cây sinh trưởng tốt, hạn chế sâu bệnh hại, ra hoa đậu quả đều cho năng suất và chất lượng cao.

 

Có thể khẳng định, Dự án trồng thâm canh bưởi Diễn theo hướng VIETGAP tại 2 xã Tràng Xá và Dân Tiến huyện Võ Nhai do Hội làm vườn tỉnh thực hiện bước đầu đã đem lại hiệu quả kinh tế cao. Dự án không những chỉ đem lại hiệu quả kinh tế và môi trường cho các hộ hưởng lợi từ dự án mà nó còn là mô hình để các hộ khác trong và ngoài vùng làm theo bởi khả năng thực thi cao và có hiệu quả. Hiện nay, riêng số hộ trồng bưởi Diễn trên địa bàn xã Tràng Xá đã tăng lên 50 ha, trong đó có trên 20 ha bắt đầu cho thu hoạch. Theo đánh giá của các hộ nông dân, cây bưởi Diễn phù hợp với điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng của địa phương. Kỹ thuật trồng và chăm sóc loại cây trồng này không khó, hiệu quả kinh tế mang lại khá cao.

 

Sau gần 3 năm thực hiện mô hình trồng thâm canh bưởi Diễn theo hướng VIETGAP bước đầu đã mở ra hướng đi mới cho bà con nông dân ở 2 xã Tràng Xá và Dân Tiến. Mô hình một hướng làm ăn mới giúp cho bà con nông dân tăng thêm thu nhập, cải thiện đời sống, xóa đói giảm nghèo góp một phần không nhỏ vào sự tăng trưởng kinh tế của địa phương.