Cách đây hơn 50 năm - vào sáng ngày 20-12-1964, mẻ cốc đầu tiên rực rỡ ra lò trong tiếng hò reo vang dậy của hàng nghìn cán bộ, công nhân viên (CBCNV) trên công trường Khu Gang thép Thái Nguyên - cánh chim đầu đàn của ngành Thép Việt Nam. Mẻ cốc đầu tiên ra lò là sản phẩm kết tinh của lòng nhiệt tình, sự đoàn kết, ý chí và tài năng của đội ngũ CBCNV Nhà máy Cốc hóa (Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên), và ngày 20-12 mãi đi vào lịch sử xây dựng, phát triển của đơn vị, đây cũng là ngày truyền thống của đội ngũ những người thợ Luyện cốc.
Nhà máy Cốc hóa tiền thân là Xưởng Luyện cốc, được thành lập ngày 6-9-1963, với nhiệm vụ chính là sản xuất cốc luyện kim làm nguyên liệu cho lò cao sản xuất gang của Công ty. Ngay từ những ngày đầu mới thành lập, 33 CBCNV Luyện cốc với lửa nhiệt tình cháy bỏng đã chung sức, chung lòng vượt qua mọi khó khăn, thử thách, đặt những viên gạch đầu tiên để dựng lên những tháp than, lò cốc, cơ sở vật chất đầu tiên của Nhà máy.
Niềm vui chưa trọn khi chứng kiến mẻ cốc đầu tiên ra lò (ngày 20-12-1964), những người thợ Luyện cốc lại bước vào một cuộc chiến mới với hai nhiệm vụ: Vừa sản xuất, đảm bảo cung cấp sản phẩm cốc cho sản xuất gang; vừa sẵn sàng chiến đấu chống cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân của đế quốc Mỹ. Với khẩu hiệu: “Một lòng vì miền Nam chiến đấu, một lòng vì quê hương Thống nhất”, tập thể CBCNV Nhà máy đã tập trung bám máy, bám lò, thi đua sản xuất bất chấp bom rơi, đạn nổ, đồng thời tham gia chiến đấu ngoan cường và trực tiếp bắt sống 2 tên phi công Mỹ (năm 1966). Cũng trong giai đoạn này, một số cán bộ, CNV đã anh dũng hy sinh ngay tại nơi làm việc khi tuổi đời còn trẻ, đó là các anh, chị: Trần Thị Tý, Ngô Văn Ngàn và Lê Văn Miên. Máu đào của các anh, các chị đã tô thắm thêm truyền thống xây dựng, phát triển của đơn vị. Tên tuổi của các anh, các chị mãi mãi gắn liền với lịch sử của Nhà máy.
Sau ngày 30-4-1975, miền Nam hoàn toàn giải phóng, non sông Việt Nam đã liền một dải, những người thợ luyện cốc lại bước vào những thử thách mới. Trước những khó khăn do không có chuyên gia, thiếu vật tư nguyên liệu đầu vào, nhưng với trí tuệ và đôi tay của mình, CBCNV Nhà máy đã tự nghiên cứu, đưa than Phấn Mễ vào sản xuất thay cho than nhập khẩu từ Trung Quốc, đồng thời sáng tạo ra hàng loạt sản phẩm ngoài cốc cho thị trường như: Hồ điện cực; Sunfat Amom; kem đánh răng; Clorua Bari; thép cán nhỏ; vôi luyện kim...
Giai đoạn sau thời kỳ đổi mới, để phù hợp với nhiệm vụ trong cơ chế quản lý mới, Tổng Công ty Thép Việt Nam, Công ty CP Gang thép Thái Nguyên đã quyết định đổi tên Xưởng Luyện cốc thành Nhà máy Cốc hoá (1989); quyết định sáp nhập Nhà máy Vật liệu thép vào Nhà máy Cốc hoá (1995). Đặc biệt, trong giai đoạn từ năm 1996 đến nay, thực hiện chủ trương mở rộng sản xuất của Công ty, cán bộ, CNV Nhà máy đã vượt qua nhiều khó khăn thử thách, đảm nhận và hoàn thành đúng tiến độ Dự án tổng đại tu lò cốc. Việc hoàn thành Dự án này đã góp phần khai thông thành công nửa hệ lò phía Tây, hợp long với nửa hệ lò phía Đông và hoàn chỉnh hệ lò 45 buồng than hoá, nâng cao công xuất sản xuất cốc luyện kim từ 55 nghìn tấn (năm 1999) lên 150 nghìn tấn (năm 2008-2011). Công trình đại tu lò cốc ngoài việc giảm tiêu hao than/cốc từ 1,405 tấn/tấn sản phẩm xuống còn 1,387 tấn/tấn sản phẩm, nó còn đạt kỷ lục do vượt công xuất thiết kế trên 13% (Trung Quốc thiết kế với công suất 125 nghìn tấn/năm, sau 50 năm, những người thợ luyện cốc đã sửa chữa, đại tu nâng công suất thiết kế như hiện nay).
Trong những năm gần đây, trước những khó khăn do nền kinh tế chậm phục hồi, giá nguyên liệu đầu vào không ổn định theo chiều hướng tăng, nhưng nhờ phát huy được sự đồng thuận và nỗ lực của cả đội ngũ nên nhiều chỉ tiêu sản xuất kinh doanh chủ yếu của Nhà máy luôn đạt và vượt so với kế hoạch được giao. Chỉ tính riêng trong năm 2014, Nhà máy đã về trước kế hoạch 20 ngày; tổng doanh thu ước đạt gần 800 tỷ đồng; bảo đảm việc làm ổn định cho người lao động với mức thu nhập bình quân trên 5 triệu đồng/người/tháng.
Với những thành tích sau 50 năm xây dựng và phát triển, tập thể và CBCNV Nhà máy đã được Đảng, Nhà nước và các bộ, ngành Trung ương, UBND tỉnh, Tổng Công ty Thép Việt Nam tặng thưởng 7 Huân chương cùng nhiều Bằng khen, Cờ thi đua các loại; Đảng bộ Nhà máy được Đảng uỷ Công ty công nhận nhiều năm liền là Đảng bộ trong sạch vững mạnh; Nhà máy nhiều lần được công nhận là Đơn vị xuất sắc trong Công ty CP Gang thép Thái Nguyên.
Phát huy truyền thống đoàn kết, lao động cần cù, dũng cảm, sáng tạo của đội ngũ qua 50 năm xây dựng và phát triển, với quyết tâm thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ trọng tâm, phấn đấu hoàn thành kế hoạch năm 2014, chuẩn bị thật tốt về mọi mặt, sẵn sàng bước vào thực hiện kế hoạch năm 2015… Nhà máy Cốc hóa đã đề ra một số giải pháp, trong đó trọng tâm tăng cường công tác quản lý; chủ động bồi dưỡng, đào tạo, nâng cao trình độ đội ngũ; tiếp tục thực hiện các giải pháp tiết kiệm và phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật; bảo đảm an toàn vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ, góp phần tích cực vào sự phát triển bền vững của Công ty, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế - xã hội trên địa bàn và thực hiện thành công sự nghiệp công nghiệp hoá - hiện đại hoá của Đất nước.