Bằng vài câu ngắn gọn, ông Hoàng Văn Hùng, Chủ tịch UBND xã Minh Đức (Phổ Yên) đã “vẽ” cho chúng tôi thấy những nét khái quát nhất của địa phương: Minh Đức là xã miền núi khó khăn, kinh tế thuần nông, mức sống của người còn dân thấp. Nhưng những năm gần đây, cùng với sự hỗ trợ ngày càng lớn của Nhà nước, xã đã phát huy nội lực và đạt được những kết quả đáng kể trong xây dựng nông thôn mới cũng như cải thiện đời sống của người dân.
Trên đường dẫn chúng tôi đến thăm gia đình anh Hoàng Văn Quang, hộ dân vừa mới thoát nghèo, đi qua đoạn đường bê tông rộng rãi vừa hoàn thành, bà Nguyễn Thị Mỹ, Trưởng xóm Hồ 1 phấn khởi khi chia sẻ về những đổi thay tích cực của xóm thời gian gần đây. Bà Mỹ nói: Thời điểm hơn 10 năm trước, khi tôi bắt đầu làm Trưởng xóm, vẫn những con người ấy, cũng vẫn bằng ấy diện tích đất canh tác nhưng đời sống của người dân rất khó khăn. Nguyên do là bởi bà con chưa được tiếp cận nhiều với những kỹ thuật tiên tiến, với những giống cây, con mới, chưa mạnh dạn đầu tư theo hướng sản xuất hàng hóa. Trong khi điều kiện giao thông rất khó khăn, đường đi chủ yếu là những lối mòn ngoằn ngoèo, rất lầy lội mỗi khi trời mưa. Nay thì mọi thứ đã khác...
Cùng với truyền thống cần cù, chăm chỉ lao động, người dân xóm Hồ 1 nay còn rất chủ động, mạnh dạn tiếp cận và ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, thông qua các lớp tập huấn và học hỏi lẫn nhau. Bà con tích cực chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, điển hình như chuyển từ các loại cây có giá trị kinh tế thấp như sắn, khoai lang sang trồng chè cành, cây ăn quả; lựa chọn vật nuôi có giá trị kinh tế cao. Hiện nay khoảng 80% diện tích trồng chè của xóm đã được chuyển sang các giống chè cành, diện tích lúa lai tăng đều qua các vụ (vùa mùa vừa qua đạt trên 30%). Gần đây, bà con cũng rất chú trọng đến sản xuất vụ đông, đặc biệt là cây chè và ngô lai, chứ không còn để đất hoang như trước. Vì vậy, đời sống kinh tế của người dân chuyển biến ngày càng rõ nét, số hộ có mức sống khá tăng nhanh trong khi tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh. 2 năm qua, xóm Hồ 1 có 8 hộ thoát nghèo, trong đó có gia đình anh Hoàng Văn Quang (hiện cả xóm còn 16/132 hộ nghèo), và đặc biệt là không có trường hợp tái nghèo.
Cùng với phát triển kinh tế, xóm Hồ 1 còn được coi là một điển hình của xã Minh Đức trong huy động sức dân để phát triển hạ tầng nông thôn. Chỉ từ năm 2013 đến nay, người dân đã hiến hàng nghìn mét vuông đất và đóng góp đối ứng để làm gần 2km đường bê tông và 1km kênh mương thủy lợi. Bà Nguyễn Thị Mỹ chia sẻ: Đời sống của bà con chưa hẳn đã ở mức cao, nhưng đại đa số đều có tinh thần đoàn kết và ý thức cộng đồng tốt. Sau khi được phổ biến, công khai thông tin về các công trình sẽ được đầu tư tại xóm, bà con thường tự giác nộp tiền đối ứng, có gia đình còn đề nghị được ủng hộ thêm hàng triệu đồng. Xóm còn 1,6km đường cần cứng hóa, chúng tôi đã vận động người dân hiến đất, góp tiền san gạt nền đường sẵn sàng chờ được cấp xi măng để làm tiếp.
Không riêng xóm Hồ 1 mà cả xã Minh Đức cũng đang “chuyển mình” bởi chính những nội lực của địa phương vốn có xuất phát điểm rất thấp, cùng với sự đầu tư hỗ trợ đắc lực của Nhà nước. “Xuất phát điểm” là tính từ khi xã bắt tay vào xây dựng nông thôn mới (NTM), lúc đó Minh Đức chưa đạt được bất kỳ tiêu chí NTM nào để làm “vốn”. Quyết không để bị tụt lại phía sau trong phong trào xây dựng NTM và việc nâng cao mức sống của người dân, cả hệ thống chính trị của xã được huy động vào cuộc tuyên truyền, vận động nhân dân phát huy nội lực. Phong trào hiến đất, đối ứng và ủng hộ tiền của để phát triển hạ tầng nông thôn lan tỏa mạnh mẽ trên toàn bộ 21 xóm, điển hình như các xóm: Hồ 1, Đậu, Chằm 7A, 7B, 7C và các xóm khu Đầm Mương. Nhiều điển hình hiến đất hoặc ủng hộ tiền của để làm đường, làm nhà văn hóa được xã, xóm ghi nhận, được cộng đồng biểu dương, học tập (như các gia đình: ông Trần Văn Vinh, ông Nguyễn Văn Đoàn, anh Lê Văn Trình, anh Phạm Văn Lâm…).
Về kinh tế, đại đa số người dân trong xã không còn tâm lý trông chờ vào sự hỗ trợ từ cấp trên và tư duy làm ăn theo kiểu tự cung tự cấp, thay vào đó họ mạnh dạn đầu tư phát triển kinh tế hàng hóa, áp dụng kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất. Để hỗ trợ, khuyến khích người dân, xã tích cực phối hợp tổ chức các lớp tập huấn, triển khai có hiệu quả các chương trình, dự án cũng như tạo điều kiện để các hộ tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi. Ông Hoàng Văn Hùng cho biết: Vài năm gần đây, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phong trào chăn nuôi quy mô trang trại, gia trại tại xã phát triển khá mạnh. Hằng năm, xã đều đạt và vượt các chỉ tiêu phát triển kinh tế, mức sống của người dân được nâng lên rõ rệt: Thu nhập bình quân đầu người hiện đạt 28 triệu đồng/năm (năm 2013 là trên 19 triệu đồng); tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 24% năm 2011 xuống còn 12,1%...
Đến nay, xã Minh Đức đã đạt được 12 tiêu chí NTM, chúng tôi đang dồn sức để hoàn thành “chặng đường” còn lại, đặc biệt là các tiêu chí khó như giao thông, cơ sở vật chất văn hóa và môi trường. Để làm được điều đó, xã sẽ tăng cường phát huy nội lực trong nhân dân và rất cần nhận thêm sự hỗ trợ của Nhà nước - ông Hoàng Văn Hùng nói.