Xóm nhỏ Na Đon thuộc xã Phúc Lương (Đại Từ) nằm khiêm nhường dưới những vạt rừng xanh biếc, 60 hộ dân nơi đây sống chủ yếu nhờ vào cấy lúa, trồng chè; hiện nay, 80ha rừng đã bắt đầu cho thu hoạch. Đời sống chưa hẳn hết khó khăn, nhưng với tinh thần đoàn kết, người dân nơi đây đang “chung lưng, đấu cật” để đẩy lùi đói nghèo, xây dựng xóm văn hóa…
Chỉ vào khoảnh đất rộng chừng 1.000m2, ông Tô Viết Thiện, Bí thư Chi bộ xóm Na Đon phấn khởi: Xóm tôi vừa quy hoạch được khu đất này để chuẩn bị xây dựng Nhà văn hóa, dự tính khoảng 150 triệu đồng, hoàn toàn do nhân dân đóng góp xây dựng. Để có được khu đất bằng phẳng, vuông vắn này, một số hộ dân đã tự nguyện hiến đất, đổi đất. Tiêu biểu là gia đình bác Tô Hữu Biểu đã sẵn sàng đổi diện tích chè cành đang cho thu hái để chuyển sang canh tác ở diện tích khác. Sự hy sinh quyền lợi cá nhân vì cộng đồng của bác Đổng được nhân dân trong xóm nể phục và học theo. Không chỉ có riêng công trình này, mà các công trình phúc lợi khác của xóm cũng được xây dựng bằng sự đồng lòng, ủng hộ của tất cả người dân trong xóm.
Đúng như lời nhận định của ông Đào Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND xã Phúc Lương: Xóm Na Đon tuy có tới 98% số hộ là người dân tộc Tày, ở cách xa trung tâm xã, nhưng bà con đã biết vươn lên khắc phục khó khăn, trở thành một trong những xóm đứng đầu xã về phong trào làm làm đường bê tông nông thôn theo tiêu chuẩn nông thôn mới, kiên cố hóa kênh mương nội đồng…
Nhắc đến chuyện làm đường bê tông, ông Thiện nhớ lại: Chương trình làm đường bê tông được triển khai tới xóm vào năm 2012. Ban đầu người dân không mặn mà, nhiều người còn “bàn lui”, do đời sống kinh tế còn nhiều khó khăn, số hộ nghèo còn tới hơn 50%. Trước tình hình đó, tôi đã cùng các đồng chí cán bộ xóm phải đi đến từng nhà tuyên truyền, vận động để người dân thấy được lợi ích lâu dài; sau đó, chia nhỏ khoản đóng góp của mỗi hộ để bà con có thể đóng vào nhiều đợt; cùng với đó, tôi chủ động ứng vốn ra trước, hiến đất để làm gương. Nhờ đó, xóm đã làm được hơn 600m đường bê tông, đứng đầu trong toàn xã, kế hoạch năm nay, chúng tôi đăng ký với xã làm thêm 300m đường bê tông nữa. Với cách làm tương tự, các công trình như Nhà văn hóa, hơn 600m kênh mương nội đồng cũng đã được xây dựng kiên cố…
Bộ mặt xóm người Tày Na Đon đang thay đổi từng ngày, để có được thành công ấy, không có cách nào khác là phải thúc đẩy kinh tế hộ phát triển, khơi gợi được tinh thần đoàn kết trong nhân dân. Với lợi thế là đồng đất màu mỡ, thuận lợi về nguồn nước, xóm đã tích cực vận động nhân dân áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Với gần 18ha đất lúa, người dân ở Na Đon đã mạnh dạn đưa giống lúa mới Thịnh Dụ Thiên Hương vào trồng thí điểm trên diện tích 1 ha, kết qủa, năng suất đạt tới 75tạ/sào, chất lượng gạo thơm ngon, dẻo, ngọt đậm, trong các vụ tới sẽ được nhân rộng khoảng 60% diện tích. Ngoài ra, cây nếp Vải cũng phù hợp với đồng đất nơi đây, nhiều gia đình đã có thu nhập cao nhờ làm cốm; xóm đang có kế hoạch xây dựng thương hiệu cho nếp Vải Na Đon, để nâng cao thu nhập hơn nữa cho người dân. 15ha chè cũng được đầu tư chăm sóc, đưa giống chè cành vào trồng thay thế…
Chị Hoàng Thị Thu, Trưởng xóm Na Đon cho rằng: Người dân có xuất phát điểm từ nông nghiệp thì phải dựa vào nông nghiệp để xóa đói, giảm nghèo. Muốn vậy, không có cách nào khác là phải tích cực áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao năng suất, sản lượng cây trồng. Người dân phải biết nêu cao tinh thần tự giác, đoàn kết, giúp đỡ, hỗ trợ lẫn nhau trong cuộc sống. Những tấm gương như bác Tô Hữu Đổng, anh Tô Viết Thiện… sẽ được nhân rộng trong cộng đồng. Anh Thiện không chỉ là một Bí thư Chi bộ năng động, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm mà còn tích cực hiến đất, tạm ứng tiền để giúp xóm xây dựng các công trình đảm bảo tiến bộ, chất lượng đề ra. Với những gì người dân xóm Na Đon đã và đang làm đã chứng minh được hiệu quả tích cực, năm nay, xóm phấn đấu giảm số hộ nghèo từ 50% xuống còn 33%.
Tuy số hộ nghèo vẫn còn cao so với mặt bằng chung các xóm trên địa bàn huyện Đại Từ, nhưng với những việc mà xóm Na Đon đã làm được là rất đáng ghi nhận. Chúng tôi tin với cách nghĩ, cách làm của những cán bộ, đảng viên cũng như người dân xóm Na Đon, thì việc đẩy lùi đói nghèo, xây dựng xóm tiếp tục đạt danh hiệu văn hóa không còn là bài toán khó.