Theo chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh, năm nay, các cơ quan chức năng ngoài việc nỗ lực hoàn thành chỉ tiêu thu ngân sách theo dự toán đầu năm là 4.252 tỷ đồng, sẽ phấn đấu tăng thu thêm 16% so với tổng thu, tương ứng với số tiền hơn 700 tỷ đồng. Đây được xem là nhiệm vụ khá nặng nề, cần sự nỗ lực, quyết tâm vào cuộc của nhiều sở, ngành và các địa phương…
Theo báo cáo của UBND, dự ước hết năm 2014, toàn tỉnh thu được 4.492 tỷ đồng, tăng 240 tỷ đồng so với dự toán đầu năm (bằng 105,6% kế hoạch). Trong đó, thu nội địa dự ước đạt 3.802 tỷ đồng, bằng 110% dự toán; thu xuất nhập khẩu được 690 tỷ đồng, bằng 86,3% dự toán. Có thể nói, trong bối cảnh nền kinh tế tuy đã và đang có dấu hiệu phục hồi nhưng vẫn còn nhiều khó khăn thì đây được xem là một kết quả rất đáng khích lệ. Tuy nhiên, đi sâu vào từng sắc thuế, đặc biệt là đối với nguồn thu từ doanh nghiệp Nhà nước cũng như từ khu vực dịch vụ ngoài quốc doanh - những nguồn thu được dự báo là không đạt kế hoạch đề ra cũng như số thuế mà các doanh nghiệp đang nợ thì mới thấy, công tác thu ngân sách của tỉnh trong năm gặp không ít khó khăn.
Trước hết, chúng tôi đề cập đến các nguồn thu có mức tăng trưởng cao. Đứng đầu trong danh sách này nguồn thu từ cho thuê đất, với số thu có tỷ lệ vượt lên tới 420%. Chỉ tiêu này dự toán giao là 36,9 tỷ đồng, nhưng dự ước cả năm đạt tới 192 tỷ đồng, bằng 520% kế hoạch (KH). Sở dĩ chỉ tiêu này đạt cao là do thực hiện ghi thu ghi chi tiền thuê đất trả một lần cho 50 năm của một số dự án thực hiện trong Khu công nghiệp Điềm Thụy (Phú Bình) đã lên tới 152 tỷ đồng. Tiếp đến là thu từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, dự toán giao 140 tỷ đồng, dự ước đạt 381 tỷ đồng, bằng 272% KH, tăng 56% so với thực hiện năm 2013. Nguyên nhân do có sự tham gia của các nhà thầu lớn nước ngoài, đặc biệt là Dự án Samsung, Nhiệt điện An Khánh. Song nguồn thu này được xác định là không ổn định bởi số thuế nhà thầu phải nộp chủ yếu là kê khai phát sinh một lần.
Đối với thu tiền sử dụng đất, dự toán giao 400 tỷ đồng, ước thực hiện cả năm được 650 tỷ đồng, bằng 162,5% dự toán năm tỉnh giao. Số thu này đạt cao là nhờ thực hiện ghi thu tiền sử dụng đất của các dự án trong Khu công nghiệp Yên Bình I (được gần 212 tỷ đồng) và ghi thu, ghi chi tiền sử dụng đất của T.P Thái Nguyên (được 126 tỷ đồng). Ở nguồn thuế thu nhập cá nhân, dự ước cả năm đạt 319 tỷ đồng trên dự toán giao là 260 tỷ đồng, bằng 122,7% KH. Nguồn thu chủ yếu từ các đơn vị, dự án có ký hợp đồng lao động với chuyên gia nước ngoài như Công ty TNHH Khai thác Chế biến khoáng sản Núi Pháo và 2 nhà thầu chính Công ty Samsung. Tuy nhiên, đây cũng là nguồn thu không ổn định và sẽ còn không nhiều trong thời gian tới do các dự án này đã đi vào hoạt động nên phần lớn các chuyên gia nước ngoài sẽ về nước.
Trong khi các nguồn thu đạt cao nhưng lại không có tính bền vững, thì ở những nguồn thu mang tính thường xuyên lại không đạt kế hoạch đề ra, thậm chí là đạt thấp, do chịu sự tác động của nền kinh tế trong nước và thế giới. Cụ thể là đối với khoản thu từ doanh nghiệp Nhà nước. Dự toán giao là 955 tỷ đồng thì dự ước chỉ đạt 772 tỷ đồng, bằng 83,4% KH. Một số đơn vị sản xuất kinh doanh lớn chỉ đạt 70-80% kế hoạch sản xuất và tiêu thụ, cá biệt có đơn vị được kỳ vọng nộp ngân sách tới 50 tỷ đồng nhưng lại chưa có số nộp vào ngân sách Nhà nước. Hay như thu từ dịch vụ ngoài quốc doanh, dự toán giao là 1.081 tỷ đồng nhưng ước chỉ đạt 902 tỷ đồng, cũng chỉ đạt 83,4% KH - nghĩa là thụt giảm tới 179 tỷ đồng. Ngoài ra là nguồn phí và lệ phí, dự toán giao là 151 tỷ đồng, nhưng ước cả năm chỉ đạt 119,5 tỷ đồng, bằng 79% KH.
Cũng chính từ sự khó khăn của nền kinh tế mà tình trạng nợ thuế của các doanh nghiệp trên địa bàn đang ở mức mức vượt ngưỡng cho phép (5%), với tỷ lệ nợ thuế bình quân trên tổng thu ngân sách là 8,4%, tương ứng với số tiền là 288 tỷ đồng (tính đến hết tháng 10-2014). Đáng lưu ý, trong số này, có 5 doanh nghiệp có số nợ lớn, chiếm tới hơn 60% tổng số nợ thuế. Thực tế này đã và đang khiến việc thu ngân sách của tỉnh thêm khó khăn.
Trước tình trạng này, để hoàn thành chỉ tiêu được giao thêm nói chung, ở từng nguồn thu nói riêng, ngày 21-10-2014, UBND tỉnh đã ra Quyết định thành lập Ban Chỉ đạo đôn đốc thu nộp ngân sách Nhà nước, do đồng chí Nhữ Văn Tâm, Phó Chủ tịch UNND tỉnh làm Trưởng ban. Theo đó, Ban Chỉ đạo có trách nhiệm đôn đốc việc thực hiện nghĩa vụ thuế đối với ngân sách Nhà nước của người nộp thuế; kiểm tra, thu thuế giá trị gia tăng đối với nhà thầu xây dựng các công trình xây dựng cơ bản sử dụng nguồn vốn ngân sách Nhà nước, các khoản thu liên quan đến tài nguyên, khoáng sản, đất đai và một số khoản phí; áp dụng các biện pháp quyết liệt đối với những trường hợp nợ thuế dây dưa, chây ỳ… Sau 1 tháng đi vào hoạt động, tính đến cuối tháng 11, số nợ thuế trên đã giảm được gần 21 tỷ đồng.
Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Vũ Mạnh Phú, Giám đốc Sở Tài chính cho biết, để hoàn thành kế hoạch được giao cần sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt hơn nữa của các cơ quan trực tiếp làm nhiệm vụ thu cũng như các sở, ngành liên quan và các địa phương, qua đó cũng sẽ tạo động lực và tiền đề cho việc thực hiện nhiệm vụ thu năm 2015 cũng như các năm tiếp theo.