Mặc dù chỉ dẫn địa lý (CDĐL) “Tân Cương” cho sản phẩm chè của tỉnh Thái Nguyên đã được bảo hộ từ năm 2007, nhưng qua tìm hiểu thực tế chúng tôi được biết, hiện có rất nhiều cơ sở trong và ngoài tỉnh có những hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đối với CDĐL này.
Cùng đoàn công tác của Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) kiểm tra việc sử dụng CDĐL “Tân Cương” tại tại 5 cơ sở (2 hộ gia đình và 3 hợp tác xã) có hoạt động sản xuất, kinh doanh sản phẩm chè tại xã Tân Cương và xã Phúc Trìu (T.P Thái Nguyên), chúng tôi nhận thấy, tất cả các cơ sở này đều chưa được cấp Giấy chứng nhận nhưng đang sử dụng các dấu hiệu liên quan đến CDĐL “Tân Cương” trên bao bì sản phẩm, biển hiệu, giấy tờ giao dịch, phương tiện quảng cáo… Điều đáng nói là chủ các cơ sở này đều không biết mình đang vi phạm quyền sở hữu trí tuệ đối với CDĐL “Tân Cương”, bởi việc sử dụng nhãn hiệu “Tân Cương” cho sản phẩm chè của họ đã có từ nhiều năm nay.
Ông Phạm Tiến Đạt, chủ cơ sở sản xuất và kinh doanh chè Hảo Đạt, ở xóm Nam Tân, xã Tân Cương nói: Gần 20 năm làm chè, gia đình tôi luôn sử dụng nhãn hiệu “Tân Cương” trên bao bì sản phẩm và biển hiệu kinh doanh. Tôi nghĩ, mình là người xã Tân Cương, lại sản xuất, chế biến và kinh doanh chè cũng tại Tân Cương thì chẳng có lý do gì lại không được sử dụng nhãn hiệu “Tân Cương” cho các sản phẩm chè của mình. Tuy nhiên, sau khi nghe giải thích tôi mới hiểu: Muốn sử dụng CDĐL này, phải được Sở KH&CN chấp thuận, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng CDĐL “Tân Cương”.
Ông Nguyễn Tiến Dũng, phụ trách Phòng Quản lý chuyên ngành, Sở KH&CN cho biết: Tính đến nay, Sở KH&CN đã cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng chỉ CDĐL “Tân Cương” cho 86 cơ sở trong và ngoài tỉnh, trong đó có 2 công ty, 1 hợp tác xã, còn lại là hộ gia đình. Trong khi đó, số lượng cơ sở sản xuất và kinh doanh chè có sử dụng nhãn hiệu “Tân Cương” trong cả nước là rất nhiều. Vì thế, trong thời gian tới, Sở KH&CN sẽ tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra để tuyên truyền, hướng dẫn và yêu cầu các cơ sở sản xuất, kinh doanh chè nghiêm túc thực hiện góp phần gìn giữ và nâng cao chất lượng, danh tiếng của chè Tân Cương.
Điều kiện để được trao quyền sử dụng CDĐL “Tân Cương” được quy định khá nghiêm ngặt nhưng lại không quá khó đối với những cơ sở sản xuất và kinh doanh chè nghiêm túc. Về cơ bản, các điều kiện này bao gồm: Sản phẩm phải có nguồn gốc từ giống chè trung du lá nhỏ; được trồng, chế biến và đóng gói trong khu vực 3 xã: Tân Cương, Phúc Xuân, Phúc Trìu (T.P Thái Nguyên); đáp ứng các tiêu chí đặc thù của sản phẩm chè mang CDĐL “Tân Cương”.
Bà Nguyễn Thị Hồng Phúc, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) chè Tân Cương Phúc Linh, ở xóm Hồng Thái 1, xã Tân Cương cho biết: Mặc dù HTX mới thành lập và đi vào hoạt động từ tháng 5-2014, nhưng chúng tôi đã nộp đơn đăng ký quyền sử dụng CDĐL “Tân Cương”. Đến nay, hồ sơ của HTX cơ bản đã hoàn thiện. Cá nhân tôi nhận thấy, các thủ tục đăng ký cấp quyền sử dụng CDĐL “Tân Cương” không rườm rà, phức tạp nhưng hội tụ đủ các yêu cầu cần thiết để người được sử dụng CDĐL “Tân Cương” có trách nhiệm gìn giữ và nâng cao giá trị, hình ảnh của thương hiệu chè đã rất nổi tiếng ở trong và ngoài nước.
Còn bà Hoàng Thị Thục, Giám đốc HTX Thiên Phú An, ở xóm Nhà Thờ, xã Phúc Trìu mong muốn: Việc cấp quyền sử dụng CDĐL “Tân Cương” cho các cơ sở cần phải được thực hiện nghiêm ngặt. Sau khi cấp quyền, các cơ quan quản lý phải tăng cường công tác kiểm tra, giám sát chặt chẽ để tránh tình trạng các cơ sở lợi dụng thương hiệu “Tân Cương” trà trộn bán những sản phẩm không đảm bảo, làm ảnh hưởng đến uy tín của CDĐL “Tân Cương”.
Trước thực tế việc ghi nhãn hàng hóa đối với sản phẩm mang CDĐL “Tân Cương” còn lộn xộn, không tuân theo các quy định, gây ra nhiều khó khăn cho quá trình kiểm soát và truy xuất nguồn gốc sản phẩm, đồng thời tạo ra sự lúng túng, dễ gây nhầm lẫn cho khách hàng, ông Nguyễn Tiến Dũng cho biết: Trong thời gian tới, Sở KH&CN sẽ tiếp tục nâng cao năng lực quản lý và thực thi quyền sở hữu trí tuệ đối với CDĐL “Tân Cương”; thường xuyên tổ chức các hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức về giá trị của CDĐL “Tân Cương”; tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát và xử lý triệt để đối với các hành vi xâm phạm…