Ứng dụng khoa học công nghệ trong phát triển cây chè

16:13, 02/12/2014

Với khoảng 20 nghìn ha hiện có, chè đang trở thành cây kinh tế chủ lực của tỉnh. Năm 2013, sản lượng chè búp tươi của Thái Nguyên đạt trên 190 nghìn tấn, giá trị sản xuất đạt 91 triệu đồng/ha. Tuy vậy, giá trị thu được từ cây chè vẫn chưa tương xứng với tiềm năng của tỉnh. Nhiều địa phương do chưa ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất, chế biến chè nên hiệu quả kinh tế thu được từ cây chè chưa cao.

Bà Phạm Thị Đại, xóm Thậm Thình, xã Cát Nê (Đại Từ) là một trong những hộ dân có diện tích chè khá lớn (trên 1 mẫu chè). Từ năm 2000 đến nay, nguồn thu nhập từ cây chè (khoảng 60-70 triệu đồng/năm) đã giúp gia đình bà xây được nhà, sắm sửa các tiện nghi trong gia đình và nuôi con đi học đại học ở tận Hà Nội… Tuy nhiên, nhiều năm nay, gia đình vẫn chỉ trồng giống chè trung du và chưa áp dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật trong sản xuất, thâm canh cây chè. Đặc biệt là khâu chế biến còn nặng tính thủ công, chưa sản xuất được các loại chè chất lượng cao nên sản phẩm làm ra chưa bán được với giá cao (trung bình chỉ bán được từ 100-200 nghìn đồng/kg, trong khi nếu sản xuất được các loại chè chất lượng cao, giá bán có thể lên tới 400.000, 500.000, thậm chí là 1 triệu đồng/kg). Do đó, để những hộ làm chè như gia đình bà Đại nắm được quy trình sản xuất, chế biến chè an toàn, từ đó có thu nhập cao hơn thì việc ứng dụng khoa học, công nghệ trong sản xuất, chế biến chè là điều rất cần thiết. Đây cũng là nền tảng để cây chè của tỉnh phát triển bền vững.

 

Năm 2011, UBND tỉnh đã phê duyệt Đề án nâng cao năng lực sản xuất, chế biến, tiêu thụ chè giai đoạn đến năm 2015. Trong đó, ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất, chế biến chè là một biện pháp quan trọng được tỉnh chỉ đạo thực hiện. Theo báo cáo của Sở Khoa học và Công nghệ, từ năm 2011 đến nay, tỉnh ta đã triển khai nhiều chương trình, đề tài, dự án nhằm nâng cao năng lực sản xuất, chế biến chè. Đơn cử như Dự án xây dựng mô hình sản xuất chè an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP nhằm phát triển thương hiệu chè đặc sản La Bằng (Đại Từ) do HTX chè La Bằng triển khai từ năm 2013 và sẽ kết thúc vào năm 2015. Chị Nguyễn Thị Hải, Chủ nhiệm HTX chè La Bằng chia sẻ: Chè La Bằng đã có tiếng từ lâu. Hiện nay, xã có trên 320ha chè với các giống chủ yếu là chè cành nhập nội như Long Vân, Keo Am Tích, Phúc Vân Tiên, Bát Tiên… Tuy nhiên do quy mô sản xuất còn mang tính đơn lẻ, chưa được đầu tư đúng mức về kỹ thuật canh tác, chế biến và bảo quản nên chất lượng sản phẩm chưa ổn định; việc thông tin quảng quá thương hiệu chưa được chú trọng đầu tư nên vị thế cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường chưa đáp ứng yêu cầu. Từ khi thực hiện Dự án này, người dân đã nắm được quy trình sản xuất chè theo tiêu chuẩn VietGAP; triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại nhằm phát triển nhãn hiệu tập thể “chè La Bằng” đã được bảo hộ…

 

Mặc dù đến nay, Dự án chưa kết thúc, nhưng 100 lượt hộ dân ở La Bằng đã được tập huấn quy trình sản xuất chè an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP; được hỗ trợ mua sắm thiết bị chế biến chè; được tham gia một số hội chợ thương mại do tỉnh ta hoặc các tỉnh bạn tổ chức để giới thiệu sản phẩm… Theo đó, 10ha chè được xây dựng khi thực hiện Dự án được bà con sản xuất theo quy trình VietGAP đang phát triển rất tốt… Thành công bước đầu của Dự án đã mở ra hướng đi mới cho người làm chè ở La Bằng. Dự kiến, khi Dự án kết thúc, xã La Bằng sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình này trên địa bàn.

 

Hay như Dự án xây dựng mô hình chế biến chè an toàn nhằm nâng cao giá trị cho sản phẩm đã được chứng nhận UTZ Certified do HTX chè Tân Hương, xã Phúc Xuân (T.P Thái Nguyên) đang triển khai. Được biết, năm 2011, trước thềm Liên hoàn Trà quốc tế Thái Nguyên - Việt Nam 2011, HTX chè Tân Hương đã vinh dự là đơn vị sản xuất chè đầu tiên tại Việt Nam được cấp chứng nhận đạt chuẩn quốc tế UTZ Certified với diện tích hơn 10ha. Đây cũng là lần đầu tiên sản phẩm chè chứng nhận có mặt trên thị trường nội địa được phép sử dụng lô gô UTZ trên bao bì, xác nhận 100% chè trong bao gói là chè được chứng nhận. Tuy nhiên, từ khi được cấp chứng nhận UTZ Certified đến nay, HTX mới đạt được tiêu chuẩn của 2/3 bộ nguyên tắc là nguyên tắc cho các hoạt động sản xuất trên đồng ruộng và nguyên tắc về truy nguyên nguồn gốc. Còn nguyên tắc về thiết bị, công nghệ trong chế biến, đóng gói sản phẩm vẫn chưa bảo đảm tiêu chuẩn do điều kiện kinh tế của HTX còn nhiều khó khăn.

 

Bà Đỗ Thị Hiệp, Chủ nhiệm HTX và cũng là chủ nhiệm Dự án này cho biết: Thực hiện Dự án này (từ giữa năm 2014), chúng tôi xây dựng mô được mô hình sản xuất chè có kiểm soát, bền vững, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế UTZ Certified và xây dựng được hệ thống nhận diện thương hiệu, bao bì nhãn mác cho sản phẩm chè được chứng nhận, góp phần nâng cao giá trị và khả năng cạnh tranh của sản phẩm chè Thái Nguyên trên thị trường. Đặc biệt, T.P Thái Nguyên là địa phương tiềm năng trong phát triển cây chè. Thành phố phấn đấu đến năm 2015 sẽ có 1.400ha chè, sản lượng đạt khoảng 3.500 tấn chè búp khô. Nếu kết thúc thành công vào tháng 1-2016, Dự án này sẽ được nhân rộng, từ đó sẽ giúp giá bán chè búp khô của các hộ làm chè trong Thành phố tăng cao hơn hiện nay.

 

Từ thực tế có thể thấy, việc xây dựng và triển khai thành công các chương trình, đề tài, dự án ứng dụng khoa học, công nghệ trong sản xuất, chế biến chè đã góp phần nâng cao nhận thức của người sản xuất, tiêu thụ chè và làm tăng diện tích chè sản xuất theo hướng an toàn của tỉnh. Hiện, trên 80% diện tích chè tại các vùng sản xuất chè tập trung của tỉnh sản xuất theo hướng an toàn, áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP). Đến nay đã có hơn 30 mô hình sản xuất chè VietGAP được chứng nhận với tổng diện tích hơn 330ha...