Xăng dầu và cơ cấu thu ngân sách nhà nước

08:05, 09/12/2014

Những ngày cuối năm 2014 lại nóng lên khi đại diện Chính phủ tuyên bố giá dầu thô cứ giảm 1 USD sẽ làm ngân sách nhà nước (NSNN) hụt thu khoảng 1.000 tỷ đồng. Con số hụt thu có thể xảy ra nhất định ảnh hưởng mạnh đến khả năng thực hiện dự toán thu NSNN năm 2015, thậm chí gây ra thay đổi lớn trong cơ cấu thu NSNN một cách bị động.  

Tác động đến thu ngân sách năm 2015

 

Báo cáo mới nhất của Tổng cục Thống kê cho thấy, tổng thu NSNN tính đến ngày 15-11-2014 ước đạt 759,7 nghìn tỷ đồng, bằng 97,1% dự toán năm, trong đó thu nội địa 513,2 nghìn tỷ đồng, bằng 95,2%, còn thu từ dầu thô 91,5 nghìn tỷ đồng, bằng 107,3% và thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất, nhập khẩu 151,1 nghìn tỷ đồng, bằng 98,1%. Cũng theo Tổng cục Thống kê, 11 tháng năm 2014 đã xuất khẩu dầu thô được 6,86 tỷ USD, tăng 3,2% so với cùng kỳ năm 2013 đồng thời nhập khẩu gần 7,8 triệu tấn xăng dầu trị giá khoảng 7,2 tỷ USD, tăng 16,3% về lượng và 13,9% về giá trị so với cùng kỳ năm trước. Ngoài ra, chúng ta còn xuất khẩu 870 triệu USD xăng dầu và nhập khẩu 431 triệu USD dầu thô phục vụ lọc dầu trong nước. Như vậy, giá dầu thô sụt giảm mạnh có thể không ảnh hưởng tới thu NSNN năm 2014 mà sẽ tác động tới thu NSNN năm 2015 mà dự toán thu vừa mới được Quốc hội thông qua với giá dầu thô dự toán khoảng 100 USD/thùng.

 

Giả định xấu nhất là giá dầu thô bình quân năm 2015 chỉ còn 40 USD/thùng. Khi đó Việt Nam sẽ thiệt hại so với giá dự tính khoảng 120 nghìn tỷ đồng riêng từ khai thác và xuất khẩu dầu thô, NSNN hụt thu từ dầu thô khoảng 60.000 tỷ đồng chưa kể khoản hụt thu từ giảm giá nhập khẩu và tiêu thụ xăng dầu. Do thu từ dầu thô gồm thuế tài nguyên và thuế thu nhập doanh nghiệp vẫn chiếm tỷ lệ 11% trong dự toán thu NSNN năm 2014 với mức 85.200 tỷ đồng, tuy đã giảm so với tỷ lệ gần 15% tổng thu NSNN thực hiện năm 2013 song con số hụt thu có thể xảy ra nhất định ảnh hưởng mạnh đến khả năng thực hiện dự toán thu NSNN năm 2015, thậm chí gây ra thay đổi lớn trong cơ cấu thu NSNN một cách bị động. Ðó là chưa kể các khoản thu thuế giá trị gia tăng (GTGT) hàng nhập khẩu, thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt hàng nhập khẩu và thuế bảo vệ môi trường hàng nhập khẩu (vốn chịu tác động mạnh của giá xăng dầu nhập khẩu) cũng chiếm gần 20% tổng dự toán thu NSNN năm 2014 và 15,8% tổng số thu NSNN thực hiện năm 2013.

 

Tìm giải pháp đối phó

 

Biến động trực tiếp trong quy mô và cơ cấu thu NSNN năm 2015 do ảnh hưởng của khả năng giá dầu thô và xăng dầu giảm sâu sẽ gây hậu quả xấu hơn trong bối cảnh các nhiệm vụ chi theo dự toán đều không thể trì hoãn. Nhu cầu chi vẫn tăng lên, cả chi đầu tư phát triển, chi thường xuyên lẫn chi trả nợ. Muốn bảo đảm các nhiệm vụ chi NSNN theo dự toán năm 2015 đồng thời không làm tăng quy mô thâm hụt NSNN đã được Quốc hội phê duyệt, gánh nặng khai thác nguồn thu đủ bù đắp khoản hụt thu do giảm giá dầu thô và xăng dầu được đặt lên vai Chính phủ và Bộ Tài chính. Trong khi vẫn chưa có chiến lược và kế hoạch bài bản cơ cấu lại nguồn thu NSNN thì sự chuyển dịch cơ cấu thu NSNN bị động năm 2015 buộc các cơ quan chức năng phải tìm kiếm các giải pháp đối phó.

 

Trước hết, Bộ Tài chính cần lập các phương án quy mô hụt thu khác nhau tương ứng với từng giả định về giá dầu thô và giá xăng dầu năm 2015, cả giá bình quân cũng như giá cho từng giai đoạn theo tháng và theo quý.

 

Thứ hai, Bộ Tài chính phối hợp các cơ quan có liên quan phân tích đánh giá toàn diện tác động của từng phương án giá dầu thô (và cả giá xăng dầu thành phẩm) đến hoạt động sản xuất, kinh doanh trong nước, tới hoạt động xuất nhập khẩu, tới tiêu dùng trong nước để xây dựng các phương án thu NSNN cụ thể dựa trên dự báo tổng nguồn thu và chuyển dịch cơ cấu nguồn thu.

 

Thứ ba, trên cơ sở dự báo quy mô và tiến độ hụt thu càng chính xác càng tốt, Bộ Tài chính chủ động đề xuất phương án bù đắp thiếu hụt nguồn thu tạm thời và không tạm thời từ khai thác các nguồn thu khác, kể cả tăng cường chống thất thu NSNN đồng thời điều chỉnh tiến độ chi NSNN cho phù hợp.

 

Thứ tư, Bộ Tài chính phối hợp các cơ quan chức năng tính toán lấy lợi ích quốc gia làm trọng thông qua giảm sản lượng khai thác và xuất khẩu dầu thô, nhất là tại những địa điểm có chi phí khai thác cao hơn so với giá xuất khẩu để tránh bán rẻ nguồn tài nguyên quý giá không thể tái tạo của đất nước.

 

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Ðầu tư, Bộ Công thương cần trình Chính phủ các phương án tranh thủ lúc giá dầu thấp để tích trữ xăng dầu thành phẩm, cả từ nguồn nhập khẩu và lọc hóa dầu trong nước phục vụ lợi ích quốc gia. Dĩ nhiên, các phương án này phải dựa trên những phân tích và dự báo thị trường chuẩn xác, có độ tin cậy cao đồng thời không vì giá dầu giảm mà buông lỏng quản lý việc sử dụng xăng dầu tiết kiệm và hiệu quả.

 

Biến động giá dầu là yếu tố khách quan từ thị trường thế giới trong khi Việt Nam chịu tác động cả với vai trò nhà xuất khẩu dầu thô lẫn nhà nhập khẩu và sản xuất xăng dầu thành phẩm. Tác động tổng hợp của biến động giá dầu thế giới tới kinh tế nước ta nói chung, tới thu NSNN nói riêng cần được tính toán nghiêm túc, cụ thể, dựa trên cơ sở khoa học thật sự, tránh cảm tính, kể cả cảm tính tích cực, bốc đồng cũng như tiêu cực, hoảng hốt thái quá. Thêm một lần nữa chúng ta có cơ hội và căn cứ thúc đẩy cơ cấu lại thu NSNN để bảo đảm tính bền vững hơn.

 

Do tác động giảm giá mạnh của thị trường thế giới, giá dầu xuất khẩu của Việt Nam bình quân những ngày đầu tháng 11-2014 giảm còn khoảng 83 USD/thùng, dưới mức giá xây dựng dự toán (98 USD/thùng), đã ảnh hưởng lớn tới số thu ngân sách. Số thu từ dầu thô trong tháng 11-2014 ước đạt 7,3 nghìn tỷ đồng, giảm gần một nghìn tỷ đồng so với tháng 10-2014.

(Báo cáo của Bộ Tài chính về tình hình thực hiện NSNN tháng 11 và 11 tháng năm 2014).