Xung quanh việc giảm giá cước vận tải

16:47, 16/12/2014

Tính đến đầu tháng 12-2014, giá bán lẻ xăng dầu đã giảm 11 lần liên tiếp với tổng mức giảm khoảng 5,7 nghìn đồng/lít. Với mức giảm này, theo tính toán của cơ quan Tài chính, cước vận tải phải giảm từ 5-10%. Tuy nhiên trên thực tế, chỉ có chưa đến một nửa số đơn vị kinh doanh vận tải đến đăng ký, kê khai lại giá và hiện mới có 2 doanh nghiệp (DN) triển khai bán vé theo giá đã đăng ký mới với cơ quan chức năng.

Đăng ký là một chuyện…

 

Theo ông Vũ Tiến Thát, Trưởng phòng Quản lý Giá, Sở Tài chính: Giá xăng dầu hiện chiếm khoảng 25-35% trong giá thành vận tải (tùy từng loại xe), còn lại là các chi phí khác như khấu hao, sửa chữa xe, tiền lương, bảo hiểm, các loại phí, lệ phí… Do đó, khi giá xăng dầu liên tiếp giảm như thời gian qua thì tính toán theo quy chế tính giá, giá cước vận tải phải giảm từ 5-10% (theo từng loại xe và loại hình vận tải).

 

Được biết, trước nhiều đợt giảm giá xăng dầu liên tiếp trong năm nay, Bộ Tài chính, UBND tỉnh, Sở Tài chính và Sở Giao thông - Vận tải đã có nhiều công văn chỉ đạo các cơ quan chức năng, các cấp chính quyền và 52 DN kinh doanh vận tải trên địa bàn tỉnh thực hiện việc đăng ký và kê khai lại giá cước vận tải cho phù hợp với giá xăng dầu giảm. Theo đó, tính đến ngày 15-12 đã có hơn 20 DN đến đăng ký, kê khai lại giá cước, chiếm khoảng 40% trong tổng số các DN kinh doanh vận tải trên địa bàn tỉnh (một số DN kinh doanh cả 3 loại hình vận tải, gồm: taxi, xe buýt và xe khách tuyến cố định). Trong đó, loại hình vận tải taxi có mức giảm lớn nhất, trung bình giảm từ 500-1.500 đồng/km (tùy theo hãng và theo độ dài quãng đường mà khách hàng đi). Đơn cử như đối với Công ty CP Thương mại và Du lịch Hà Lan, giá cước taxi áp dụng cho xe Kiamorning trước đây là 8 nghìn đồng cho 0-0,5km (giá mở cửa), thì nay còn 6 nghìn đồng. Các bước tính tiếp theo gồm: Từ 0,6-3km, từ 4-20km và từ 21km trở đi, trước có mức giá tương ứng là 12-11-10 nghìn đồng/km, thì nay giảm đều còn 9,5 nghìn đồng/km. Như vậy là, càng những km về sau, mức giảm so với trước càng ít hơn. Cách tính này hiện đang khá phổ biến với các DN kinh doanh vận tải taxi khác.

 

Một câu hỏi được đặt ra là tại sao việc giảm giá lại chỉ xảy ra ở một số DN mà không phải là tất cả? Qua thực tế tìm hiểu, chúng tôi được chủ các cơ sở không đăng ký, kê khai giảm giá cước trong năm nay cho biết: Nguyên nhân chủ yếu do mức giá mà DN đang áp dụng đã duy trì từ nhiều năm nay, khi giá xăng dầu lên, họ không điều chỉnh tăng, vì thế, khi giá xăng dầu giảm, họ cũng vẫn giữ nguyên. Bởi thế, về cơ bản, mức giá của nhiều DN tuy không điều chỉnh giảm nhưng cũng chỉ tương đương với giá của các hãng khác đăng ký, kê khai giảm lần này. Tuy nhiên, theo ông Vũ Tiến Thát, cũng có những DN hiện giá cước đang ở mức cao hơn từ 5-10% so với mặt bằng chung nhưng vẫn chưa đưa ra quyết định giảm giá, do còn nghe ngóng giá xăng dầu và các chi phí khác liên quan xem có biến động không.

 

Thực hiện hay không lại là chuyện khác

 

Việc đăng ký, kê khai giảm giá cước có thể tạm cho rằng đang có những chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, trên thực tế, sau khi đăng ký xong, các DN có nghiêm túc thực hiện hay không lại là chuyện khác. Theo ông Lê Hồng Dương, Phó Giám đốc Bến xe khách Thái Nguyên thì tính đến ngày 16-12, trong số 8 DN đăng ký giảm giá bán vé xe tại Bến, chỉ có 2 DN trong tỉnh (còn lại là của tỉnh ngoài), gồm: Công ty CP Thương mại và Du lịch Việt Vịnh (ở huyện Phú Lương) và Công ty CP Vận tải Long Phượng (ở huyện Đồng Hỷ); mỗi DN này cũng chỉ giảm giá vé cho 1 tuyến trong số nhiều tuyến của họ đang khai thác, với mức giảm gần 20%. Còn đối với loại hình vận tải taxi, nhiều DN cũng đã bắt đầu giảm giá cước nhưng có DN cũng chỉ thực hiện một phần trong bảng đăng ký, kê khai lại. Trong khi đó, theo quy định, sau 5 ngày DN đăng ký, kê khai lại với cơ quan chức năng, mà cụ thể ở đây là Sở Tài chính, Sở Giao thông - Vận tải và Cục Thuế tỉnh, giá cước phải được áp dụng trên thực tế. Theo cách mà nhiều chủ DN biện minh khi được hỏi thì sở dĩ họ chưa áp dụng giá cước mới là vì chưa in được vé, trong khi số lượng vé đã in lại còn nhiều; có DN thì cho rằng, việc này đã được giao cho kế toán, nhưng do cuối năm bận rộn nên kế toán chưa có thời gian đi làm; có DN thì bảo sẽ bắt đầu thực hiện từ năm 2015… Ngoài những DN đã đăng ký, kê khai lại nhưng chưa thực hiện thì lại có những chủ xe niêm yết giá vé một đằng, nhưng thu một nẻo (thu cao hơn mức niêm yết)…

 

Thực tế cho thấy, việc nhiều DN kinh doanh vận tải cho dù đã kê khai, đăng ký lại giá cước thì người được hưởng lợi trực tiếp lại chưa phải là khách hàng mà lại là chính các DN hoặc lái xe, phụ xe (những người làm thuê cho chủ xe). Thực tế này, đòi hỏi các cơ quan chức năng, mà cụ thể ở đây là Sở Tài chính, Sở Giao thông - Vận tải và ngành Thuế cần phối hợp, sớm vào cuộc  kiểm tra, làm rõ, yêu cầu các DN nghiêm túc thực hiện việc giảm giá cước như đã đăng ký. Với những trường hợp cố tình vi phạm, cần có biện pháp xử lý nghiêm túc, để đảm bảo lợi ích của Nhà nước cũng như của chính người dân.