Đang có sự hoán đổi ngành hàng

09:36, 07/01/2015

Nếu các năm trước, ngành thép chiếm chủ đạo về giá trị nhập khẩu của tỉnh thì năm 2014, ngành này đã tụt nhiều bậc để nhường chỗ cho các mặt hàng linh kiện điện tử và máy móc thiết bị. Theo phân tích chuyên môn, đây là sự hoán đổi hợp lý, bởi khi chúng ta tập trung phát triển ngành công nghiệp công nghệ cao thì tất yếu giá trị nhập khẩu linh kiện điện tử sẽ tăng.  

Theo quy luật thị trường thì những ngành hàng nào chủ yếu phải nhập khẩu nguyên liệu để sản xuất thì khi giá trị nhập khẩu tăng ắt giá trị sản xuất nội địa của ngành đó cũng tăng. Đối với Thái Nguyên, ngành Công nghiệp công nghệ cao dù mới xuất hiện nhưng đã cho thấy rất rõ điều đó. Năm 2014 là năm chính thức Tập đoàn Samsung cho ra các sản phẩm điện tử khi đầu tư vào tỉnh. Tập đoàn này chuyên sản xuất các sản phẩm điện tử thông minh như điện thoại di động, máy tính bảng. Điều đáng quan tâm là gần như 100% nguyên liệu đầu vào cũng như các linh, phụ kiện khác phục vụ sản xuất của Samsung đều được nhập từ nước ngoài. Trong đó, hệ thống máy móc, thiết bị phục vụ đầu tư xây lắp cũng được Tập đoàn này nhập khẩu hoàn toàn. Và Samsung khi có giá trị nhập khẩu lớn chắc chắn sẽ cho giá trị sản xuất cao. Kết thúc năm 2014, Nhà máy điện tử Samsung tại Thái Nguyên đã đạt giá trị gần 8 tỷ USD.

 

Cùng với Samsung, các đơn vị, doanh nghiệp trong khu vực có vốn đầu tư nước ngoài cũng có lượng nhập khẩu lớn và chiếm tỷ trọng đáng kể trong tổng giá trị nhập khẩu của tỉnh. Năm 2014, toàn tỉnh đạt giá trị nhập khẩu 8,1 tỷ USD, tăng gấp 13,3 lần so với năm trước, trong đó khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài chiếm tới 7,5 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 93,5% tổng giá trị nhập khẩu trên địa bàn. Trong đó, hàng nhập khẩu lớn nhất chính là linh kiện điện tử, với 5,3 tỷ USD, máy móc thiết bị 2,3 tỷ USD.

 

Theo thống kê, trên địa bàn tỉnh hiện có hơn 60 đơn vị, doanh nghiệp tham gia hoạt động nhập khẩu, trong đó, ngoài ngành hàng mới là linh kiện điện tử, tỉnh vẫn chủ yếu nhập các loại nguyên liệu phục vụ sản xuất thép, may mặc, phụ tùng máy móc thiết bị, than, hồ điện cực, chế biến thức ăn gia súc, phân bón, vật liệu chịu lửa và giấy lề các loại. Trong các ngành hàng từng là thế mạnh của tỉnh nhiều năm qua chỉ duy nhất có ngành May mặc là vẫn duy trì được đà tăng trưởng so với năm trước. Do đặc thù là ngành hàng chủ yếu gia công, phụ thuộc hầu hết vào nguồn nguyên liệu từ nước ngoài nên giá trị nhập khẩu của ngành này vẫn rất cao. Năm 2014, giá trị nhập khẩu sản phẩm vải và phụ liệu may mặc toàn tỉnh lên tới 80 triệu USD, tăng gấp 3 lần so với năm trước. Do giá trị nhập khẩu tăng cao nên sản phẩm may mặc sản xuất trong tỉnh cũng đạt sản lượng rất lớn: 37,5 triệu sản phẩm, tăng 27% so với năm trước. Theo ông Nguyễn Văn Thời, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư và Thương mại TNG - doanh nghiệp có quy mô và uy tín nhất về sản xuất hàng may mặc trên địa bàn tỉnh hiện nay - thì năm nay tuy sản xuất và tiêu thụ hàng may mặc chưa hết khó khăn nhưng cũng đã đạt được giá trị sản xuất và nhập khẩu phụ liệu tương đối cao. Năm 2015, chắc chắn sẽ còn khởi sắc nhiều hơn năm nay.

 

Trong khi các ngành hàng công nghệ cao, may mặc có giá trị nhập khẩu lớn chưa từng có thì sản phẩm thép lại tụt dốc. Mặc dù thép là ngành hàng truyền thống và là thế mạnh của tỉnh nhiều năm nay với nguồn nguyên liệu khá dồi dào do sở hữu nhiều mỏ quặng sắt trữ lượng lớn, song việc nhập khẩu phôi thép cũng như thép phế hàng năm của chúng ta vẫn chiếm khá lớn (khoảng 50% tổng giá trị nhập khẩu). Ngay như Công ty CP Gang thép Thái Nguyên, đơn vị sản xuất thép từ “gốc” đến “ngọn” cũng vẫn phải nhập tới 40% nguồn phôi từ nước ngoài. Tuy nhiên, do thị trường gặp nhiều khó khăn, nên tình hình sản xuất thép trên địa bàn năm 2014 không mấy sáng sủa. Khi sản xuất đình trệ chắc chắn giá trị nhập khẩu sẽ giảm, và sự sụt giảm đó đang ở mức lớn nhất từ trước đến nay. Tính hết năm 2014, nhóm hàng sắt thép nhập khẩu của tỉnh đạt khoảng 155 triệu USD, giảm tới 43,1% so với năm trước, trong đó 59% là phôi thép.

 

Việc các ngành hàng nhập khẩu đang có sự hoán đổi theo hướng nghiêng về khu vực công nghiệp công nghệ cao là một tín hiệu mừng, bởi chính ngành hàng này sẽ là thế mạnh để tạo ra sự đột phá trong tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Hơn nữa, điều đó lại hoàn toàn phù hợp với chiến lược phát triển công nghiệp dài lâu của tỉnh. Tuy nhiên, cũng phải thấy rằng, khi ngành hàng nào luôn có giá trị nhập khẩu lớn, nhất là tỷ lệ nhập và xuất cân bằng hoặc nhập nhiều hơn xuất thì giá trị thực được hưởng của ngành đó hẳn sẽ không nhiều. Cái quan trọng nữa là khi nguyên, vật liệu, linh kiện phục vụ sản xuất đều nhập khẩu thì chắc chắn tỷ lệ nội địa hóa sẽ thấp, ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích thực tế của địa phương sở tại. Đặc biệt, khi phải nhập hoàn toàn từ bên ngoài, các đơn vị, doanh nghiệp chỉ tham gia gia công, chắc chắn lợi nhuận của nhà sản xuất sẽ không nhiều.

 

Bởi vậy, nhiều người cho rằng, ngành thép của chúng ta năm nay có giá trị nhập khẩu giảm chưa hẳn đã là không tốt. Một tỉnh có nhiều mỏ quặng sắt như Thái Nguyên thì việc nhập khẩu nguyên liệu sản xuất thép là không đáng có. Và lúc này chính là thời điểm có thể tạo điều kiện giúp ngành Thép của tỉnh giảm nhập khẩu, tự lực vươn lên trong sản xuất để đạt được giá trị nội tại cao hơn.