Đáp ứng nhu cầu sản xuất, tiêu dùng của người dân

09:33, 16/01/2015

T.P Thái Nguyên là trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh, có tuyến Quốc lộ 3, Quốc lộ 37 chạy qua, là nơi tập trung đông các Trường Đại học, Cao đẳng, các nhà máy, xí nghiệp, có hệ thống cơ sở hạ tầng khá đồng bộ, nguồn lao động trẻ và dồi dào…

 Đây chính là những lợi thế để thành phố tập trung phát triển lĩnh vực thương mại, dịch vụ. Là đơn vị chuyên cung cấp lắp đặt các loại máy vi tính, máy chủ, máy chiếu, máy in, máy hủy tài liệu, máy chấm công tự động, thiết kế, cung cấp thiết bị, lắp đặt các hệ thống thông tin, viễn thông..., nhiều năm qua, các sản phẩm của Công ty TNHH Công nghệ thông tin H3T (phường Hoàng Văn Thụ) đã tạo dựng được uy tín với khách hàng. Anh Nguyễn Đình Hoàng, Giám đốc Công ty cho biết: Được thành lập năm 2007, ban đầu, chúng tôi cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn như: Thiếu vốn, chưa có kinh nghiệm trong kinh doanh, phải cạnh tranh với các doanh nghiệp lớn… Để vượt qua khó khăn, Công ty đã xác định phương châm uy tín và chất lượng sản phẩm phải được đặt lên hàng đầu. Ngoài ra, chúng tôi cũng quan tâm đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nhân viên kỹ thuật có trình độ, đáp ứng nhu cầu cao nhất và đem lại cho khách hàng những sản phẩm mới với chất lượng tốt nhất. Trong quá trình sản xuất, kinh doanh, chúng tôi cũng đã được thành phố, phường quan tâm tạo điều kiện về mặt bằng, cấp phép thủ tục đăng ký kinh doanh và tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi để mở rộng quy mô kinh doanh. Hiện nay, Công ty chúng tôi đang tạo việc làm ổn định cho 28 lao động với mức thu nhập trung bình 5 triệu đồng/người/tháng, cao hơn năm ngoái 800 nghìn đồng/tháng. 100% lao động được đóng Bảo hiểm xã hội.

 

Đối với Công ty cổ phần Thương mại và Dịch vụ Minh Cầu (phường Phan Đình Phùng), mặc dù mới thành lập năm 2013 nhưng Công ty cũng đã có bước phát triển khá mạnh mẽ trong lĩnh vực kinh doanh bán lẻ. Ban đầu, Công ty chỉ có 1 siêu thị với diện tích khoảng 700m2 thì nay Công ty đã mở rộng 3 siêu thị với diện tích 3 nghìn m2. Năm 2014, Công ty đạt doanh thu trên 100 tỷ đồng, đạt 110% kế hoạch, tạo việc làm ổn định cho 140 lao động với mức thu nhập trung bình 4,1 triệu đồng/người/tháng. Trao đổi với anh Ngô Tất Khánh, Giám đốc Công ty, chúng tôi được biết: Để cạnh tranh trên thị trường, Công ty đã tập trung cải tạo, nâng cấp cơ sở vật chất, đồng thời nhập hàng hóa có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng để đảm bảo uy tín, chất lượng.

 

Ngoài 2 đơn vị nêu trên, hiện nay, trên địa bàn thành phố còn có trên 2.500 doanh nghiệp đăng ký hoạt động sản xuất, kinh doanh và hơn 30 nghìn hộ kinh doanh trong lĩnh vực thương mại - dịch vụ, tập trung ở các nhóm ngành như: Kinh doanh nhà hàng ăn uống, khách sạn, siêu thị, nhà nghỉ, dịch vụ vận tải, tài chính - ngân hàng, thông tin - truyền thông, sửa chữa xe ô tô, xe máy, điện tử… Hiện, thành phố có 27 chợ; trong đó có 3 chợ hạng 1, 4 chợ hạng 2 và 19 chợ hạng 3. Thực hiện Đề án chuyển đổi mô hình quản lý và phát triển hệ thống chợ trên địa bàn T.P Thái Nguyên, đến nay đã có 7 chợ chuyển đổi mô hình bàn giao cho doanh nghiệp quản lý. Ngoài ra, thành phố còn có một số trung tâm thương mại, siêu thị mới được đầu tư xây dựng và đưa vào sử dụng như: Trung tâm thương mại Đông Á Plaza, siêu thị Điện máy HC, siêu thị Điện máy Media Mart… đã góp phần đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng, giải trí của người dân và tạo nên diện mạo mới cho thành phố.

 

Theo anh Vũ Văn Giang, Phó Trưởng Phòng Kinh tế thành phố: Để khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế phát triển thương mại, dịch vụ, thời gian qua, thành phố đã tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ kinh doanh tiếp cận nguồn vốn vay, hỗ trợ về thủ tục hành chính, mặt bằng, giữ vững an ninh trật tự để các hộ dân yên tâm kinh doanh. Cùng với đó, khuyến khích các hộ dân, doanh nghiệp đầu tư mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh, đa dạng hóa các ngành nghề, tạo thêm việc làm cho lao động. Ngoài ra, thành phố cũng thường xuyên điều chỉnh bộ thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi và cạnh tranh công bằng cho các đơn vị sản xuất, kinh doanh. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân tham gia sản xuất, kinh doanh thực hiện tốt các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước; chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, đặc biệt là công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, bảo đảm quyền lợi của nhà sản xuất cũng như người tiêu dùng.

 

Với những giải pháp cụ thể, thiết thực đã góp phần thúc đẩy lĩnh vực thương mại, dịch vụ trên địa bàn thành phố phát triển theo hướng hiện đại, đa dạng, nâng cao chất lượng các dịch vụ phân phối, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân. Hằng năm, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng của thành phố đều đạt và vượt kế hoạch. Năm 2010, đạt 7.038 tỷ đồng, đến năm 2014 tăng lên 14.500 tỷ đồng, tăng 15% so với cùng kỳ. Năm 2014, giá trị sản xuất ngành thương mại - dịch vụ đạt 6.869 tỷ đồng, tăng 14% so với năm 2013.