Góp phần vào sự phát triển thị trường lành mạnh

09:57, 17/01/2015

Theo đánh giá chung của Ban Chỉ đạo (BCĐ) 389 của tỉnh, năm 2014 tình hình buôn lậu, hàng giả, gian lận thương mại (BL, HG, GLTM) trên địa bàn tỉnh mặc dù có xu hướng giảm so với năm 2013, song diễn biến vẫn phức tạp, nhất là vào những dịp cuối năm và dịp Tết Nguyên đán.

 Tuy nhiên, do có sự chỉ đạo tích cực của Ban Chỉ đạo 389 tỉnh, các lực lượng chức năng có nhiều cố gắng trong công tác điều tra, phát hiện, xử lý theo quy định của pháp luật. Từ đó góp phần lành mạnh hóa thị trường, thực hiện tốt các mục tiêu ổn định, phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.

 

Xác định công tác chống BL, HG, GLTM là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, liên tục, Chi cục Quản lý thị trường (QLTT)- cơ quan thường trực của BCĐ 389 của tỉnh được kiện toàn trên cơ sở phát huy những kết quả và nhiệm vụ của BCĐ 127. Từ đó, tham mưu đắc lực cho Giám đốc Sở Công thương trình UBND tỉnh các văn bản chỉ đạo công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường; chỉ đạo các ngành thành viên thực hiện tốt nhiệm vụ ở lĩnh vực được phân công phụ trách; các đội QLTT tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương trong công tác phối hợp công tác đấu tranh chống BL,HG, GLTM. Chi cục QLTT đã bám sát chỉ đạo của Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương, UBND tỉnh, Cục QLTT, Sở Công Thương ban hành nhiều văn bản chỉ đạo điều hành sát với tình hình thị trường của tỉnh và địa phương để chỉ đạo kiểm tra, kiểm soát thị trường. Đi đôi là coi trọng công tác tuyên truyền nhằm thông tin, cảnh báo người tiêu dùng, các cơ sở sản xuất, kinh doanh cùng chung tay “nói không” với hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng buôn lậu. Các lực lượng chức năng đã tăng cường phối hợp; đề ra các giải pháp phù hợp, xây dựng kế hoạch; xác định những địa bàn trọng điểm, mặt hàng trọng điểm để tăng cường công tác kiểm tra, phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm.

 

Do vậy, công tác chống BL, HG, GLTM đã đạt được kết quả đáng kể: Qua số liệu tổng hợp của BCĐ 389 các huyện, thành, thị, các sở ngành, đơn vị, trong năm, các lực lượng chức năng đã kiểm tra và xử lý 4.813 vụ vi phạm với trị giá tiền thu phạt, truy thu, truy thu hoàn thuế và hàng tịch thu đạt trên 84 tỷ đồng (trong khi đó, năm 2013 kiểm tra, xử lý 4.268 vụ vi phạm, với số tiền tịch thu trên 15 tỷ đồng). Đặc biệt, trong năm, có một số vụ vi phạm với quy mô lớn đã bị phát hiện, xử lý kịp thời. Trong đó phải kể đến một số vụ do Phòng Cảnh sát Điều tra tội phạm về Trật tự quản lý kinh tế và Chức vụ- Công an tỉnh phát hiện và xử lý vụ vận chuyển trái phép 100 bánh heroin với trọng lượng trên 33.498 gam, 179 viên ma túy tổng hợp; vụ vận chuyển 19.140 kg nguyên liệu thuốc lá sấy khô của Doanh nghiệp tư nhân Thương mại Hoàng Yến, đã bị xử phạt hành chính với số tiền 62 triệu đồng và tịch thu hàng hóa với giá trị 187 triệu 680 nghìn đồng nộp ngân sách Nhà nước. Đội QLTT thành phố Thái Nguyên đã phát hiện, xử lý một số vụ như: vụ vận chuyển 455 bao thuốc lá nhập lậu, đã xử phạt 20 triệu đồng và tịch thu toàn bộ hàng hóa với giá trị hàng hóa tịch thu 15 triệu 650 nghìn đồng; vụ vận chuyển số lượng lớn hàng giả gồm: dầu gội đầu Sunsink; dầu xả DOVE, bột giặt OMO với tổng số tiền phạt và trị giá hàng tịch thu 16 triệu 278 nghìn đồng…

 

Dự báo, năm 2015, tình hình kinh tế- xã hội của cả nước nói chung và tỉnh nói riêng sẽ có những chuyển biến tích cực nhưng vẫn tiềm ẩn diễn biến phưc tạp; chỉ số giá tiêu dùng có khả năng tiếp tục tăng; các hoạt động buôn bán hàng cấm, hàng nhập lậu, HG, hàng kém chất lượng và GLTM ngày một tinh vi khó kiểm soát; tình hình thời tiết, dịch bệnh luôn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát. Thực hiện sự chỉ đạo của BCĐ 389 Quốc gia, BCĐ 389 tỉnh đã chỉ đạo các ngành thành viên, BCĐ 389 các địa phương tăng cường nắm bắt thông tin, làm tốt công tác dự báo tình hình thị trường và quản lý địa bàn; tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo triển khai có hiệu quả các biện pháp, giải pháp quản lý giá, kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy sản xuất, đảm bảo an sinh xã hội. Các ngành thành viên, BCĐ 389 các huyện, thị, thành phối hợp chặt chẽ trong công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường đối với các hoạt động sản xuất, chế biến, kinh doanh hàng hóa nhập khẩu và  hàng hóa lưu thông trên thị trường. Ngăn chặn có hiệu quả các hoạt động buôn lậu, sản xuất kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP); các hoạt động khoáng sản và lâm sản trái phép; ngăn chặn dịch bệnh ở người và gia súc, gia cầm, các hành vi GLTM. Xác định những địa bàn trọng điểm, mặt hàng trọng điểm để kiểm tra, trong đó tăng cường kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về điều kiện kinh doanh, về giá, chất lượng, nguồn gốc hàng hóa đối với các mặt hàng liên quan đến VSATTP; các mặt hàng thiết yếu như: Thuốc chữa bệnh, điện, điện tử, điện lạnh, điện thoại di động, mũ bảo hiểm xe máy, xăng dầu, khí dầu mỏ hóa lỏng, hóa mỹ phẩm. Các mặt hàng phục vụ nông nghiệp như: Thuốc thú y, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi. Các mặt hàng cấm như: vũ khí, ma túy, tiền VNĐ giả, động vật quý hiếm, đồ chơi trẻ em kích động bạo lực. Đặc biệt, ngăn chặn các hành vi vi phạm về sản xuất, vận chuyển, tàng trữ, buôn bán và sử dụng trái phép các loại thuốc nổ, pháo nổ vào dịp cuối năm và Tết Nguyên đán. Ngoài ra, lưu ý xử lý nghiêm những doanh nghiệp sử dụng nhãn mác của nước ngoài dán và lấy tên hàng Việt Nam.

 

Tuy nhiên, đi đôi với sự vào cuộc tích cực của các ngành chức năng trong công tác chống BL,HG,GLT thì người tiêu dùng hãy cẩn trọng khi mua bán, trao đổi hàng hóa để bảo vệ mình và bảo vệ nhà sản xuất, góp phần vào sự phát triển thị trường lành mạnh và định hướng phát triển của đất nước.