Xã Phúc Xuân (T.P Thái Nguyên) hiện có gần 330ha chè, trong đó, chè vụ đông chiếm 70% diện tích. Khoảng 15 năm trở lại đây, chè vụ đông đã trở thành nguồn thu nhập chính của người làm chè nơi đây.
Trên con đường bê tông phẳng phiu, uốn lượn qua những nương chè xanh ngát, chúng tôi đến nhà ông Trần Duy Hưng ở xóm Cây Thị, một trong những hộ làm chè Đông lâu năm của xã. Ông cho biết : Vì chủ động được nguồn nước tưới nên năm nào nhà tôi cũng làm 10 sào chè vụ đông. Hiện, gia đình có 2 giếng khoan, 2 bể chứa để trữ nước và 10 vòi phun nước tự động tưới cho chè 2 lần/tuần. Nhờ chăm sóc tốt nên một năm gia đình tôi thu hái được thêm 2 lứa chè vụ đông, mỗi lứa được 75kg, cho thu nhập 45 triệu đồng/lứa.
Tương tự như ông Hưng, ông Nguyễn Đức Lực, một hộ làm chè ở xóm Dộc Lầy chia sẻ: Gia đình tôi làm chè từ năm 1978. Hiện nay, tôi có 20 sào chè. Để sản xuất chè vụ đông, hàng năm, cứ đến tháng 9 là tôi bắt đầu đốn chè, khoảng 2 tháng sau tôi được hái lứa chè đầu tiên. Làm chè vụ đông có ưu điểm hơn làm chè chính vụ là ít sâu bệnh, không cần phun thuốc nhiều nhưng đòi hỏi công chăm bón, hệ thống nước tưới đầu tư nhiều hơn. Tết Nguyên đán năm ngoái, tôi bán được 500 nghìn đồng/kg chè, trong khi chè chính vụ chỉ bán được 160-180 nghìn đồng/kg.
Có thể nói, làm chè vụ đông cho thu nhập cao nhưng không dễ và không phải địa phương nào cũng làm được. Ngoài việc tận dụng nguồn nước tự nhiên, bà con xã Phúc Xuân còn tích cực chủ động nguồn nước tưới cho cây chè từ giếng khoan. Theo ông Trần Văn Ngũ, Trưởng xóm Cây Thị thì hiện tại, gia đình nào trong xã cũng đầu tư từ 1-2 giếng khoan để phục vụ tưới chè.
Ngoài việc cung cấp nước tưới đầy đủ, bón phân cũng là một khâu quan trọng giúp cây chè vụ đông phát triển và cho năng suất cao. Chị Tống Thị Kim Thoa, xã viên HTX chè Tân Hương chia sẻ: Đối với chè vụ đông, bà con thường bón phân hữu cơ nhưng ủ mục và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong danh mục, thuốc thảo mộc... Khi bón thì bón theo kỹ thuật rạch, lấp, tuyệt đối không được bón vãi, có thế mới giữ được phân trong đất lâu hơn, chè mới bền cây, đạt sản lượng cao, chất lượng chè thơm ngon an toàn, bán được giá cao. Vào dịp Tết Nguyên đán hàng năm, chè do xã viên HTX Tân Hương làm ra nhiều khi không đáp ứng đủ nhu cầu nên rất nhiều khách hàng đặt mua chè từ trước đó khoảng 1 tháng.
Được biết, Phúc Xuân hiện có gần 1.500 hộ dân thì có đến 90% số hộ sống phụ thuộc chủ yếu vào cây chè. Trước kia, bà con chỉ quen với việc sản xuất chè chính vụ (từ tháng 4 đến tháng 9). Mấy năm trở lại đây, nhờ áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong việc chăm sóc, chế biến, đầu tư hệ thống phun tưới sản xuấtchè vụ đông nên năng suất chè của xã đã tăng lên đáng kể. Năm 2013, tổng sản lượng chè búp tươi của xã chỉ đạt 3.200 tấn/năm, năm 2014 tăng lên 3.700 tấn/năm. Các xóm có truyền thống làm chè vụ đông: Cây Thị, Khuôn 5, Đèo Đá, Dộc Lầy... Hiện, xã có 7 làng nghề chè truyền thống, trong đó sản phẩm của HTX chè Tân Hương, xóm Cây Thị đã được công nhận đạt tiêu chuẩn toàn cầu UTZ Certified vào năm 2011 (là HTX đầu tiên của Việt Nam được cấp giấy chứng nhận này).
Anh Trần Văn Cường, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: Để hỗ trợ bà con trong sản xuất, chúng tôi thường xuyên phối hợp với Trạm Khuyến nông thành phố tổ chức các lớp tập huấn về kỹ thuật sản xuất chè an toàn cho bà con; tạo điều kiện cho các hộ được tiếp cận các nguồn vốn vay để đầu tư các thiết bị làm chè vụ đông... Ngoài ra, chúng tôi cũng đề nghị với cơ quan có thẩm quyền hỗ trợ kinh phí để xây mới hệ thống kênh mương từ hồ Núi Cốc về xã, đảm bảo nguồn nước tưới thường xuyên cho cây chè...