Làm giàu từ nghề trồng hoa

10:14, 21/01/2015

Từ 8 sào hoa, trong đó chủ yếu là hoa cúc và hoa ly, hiện mỗi năm trừ chi phí, gia đình anh Dương Đức Hiển, xóm Trường Thịnh, xã Nam Tiến (Phổ Yên) thu lãi gần 300 triệu đồng.

Anh là người đầu tiên đầu tư mô hình trồng hoa ở Trường Thịnh. Anh đến với nghề trồng hoa như một sự tình cờ, anh kể: Gia đình tôi trước đây cũng chỉ cấy lúa, trồng rau màu như bao gia đình khác ở xóm. Cuộc sống gia đình nghèo túng nên tôi sớm phải nghỉ học để phụ giúp gia đình công việc đồng áng. Năm 2006, trong một chuyến đi Vĩnh Phúc, qua đất Mê Linh, mê đắm trước vẻ đẹp rực rỡ của vườn hoa cúc, tôi tìm vào gặp chủ vườn hoa. Sau khi tìm hiểu nghề trồng hoa, tôi vay ngân hàng 10 triệu đồng sau đó quay lại Mê Linh mua 1 vạn cây giống hoa cúc đại đóa cùng với một số vật tư cần thiết mang về trồng trên 0,5 sào ruộng của gia đình.

 

Lứa hoa đầu tiên được mùa, được giá, bán được 10 triệu đồng đã tiếp thêm cho anh Hiển niềm hy vọng vào một nghề mới. Từ niềm hy vọng đó, anh đã mạnh dạn vay mượn thêm vốn để mở rộng diện tích trồng hoa lên 2 sào. Để nâng cao hiệu quả kinh tế, sau mỗi lứa hoa, anh lại trồng bí xanh. Anh chọn giống bí trạch để trồng bởi đặc điểm giống bí này là ít ruột, quả dài nên năng suất cao. Mỗi sào bí xanh, anh thu 5 tấn, bán được 25 triệu đồng. Nhờ đó mà kinh tế gia đình anh đã được nâng lên rất nhiều.

 

Có vốn, anh Hiển tiếp tục đầu tư mở rộng diện tích trồng hoa, đồng thời trồng thêm một số giống hoa chất lượng cao như: Ly, lay-ơn, loa kèn… Hiện nay, anh đã có 8 sào đất chuyên trồng hoa. Mỗi năm anh trồng 3 lứa để bán vào 3 dịp trong năm là tháng 11, Tết Nguyên Đán và hè. Riêng với hoa Ly, mỗi năm anh trồng 12.000 chậu. Sở dĩ anh Hiển chọn cách trồng chậu là bởi chậu hoa dễ vận chuyển lại dễ xử lý đất và cây phát triển được cân bằng.

 

Trải qua 7 năm trồng hoa, mỗi lứa hoa là một trải nghiệm, là sự đúc rút kinh nghiệm để hiểu hoa hơn. Đến nay, anh đã thuộc đặc tính của từng loài hoa, anh Hiển chia sẻ: Đối với hoa cúc, ngoài việc lựa chọn được giống hoa tốt thì khâu thắp điện để điều chỉnh sự phát triển của hoa là quan trọng nhất. Thông thường, cứ trồng hoa được 3 ngày là tôi bắt đầu thắp điện, đến tận lúc hoa trưởng thành sau đó tính toán thời gian sao cho sau 2 tháng cắt điện thì hoa sẽ nở. Riêng với hoa ly thì luôn nhạy cảm với đất. Ly ưa thích loại đất tơi xốp, thích hợp nhất là chọn loại đất ruộng cấy lúa, nhưng phải vãi vôi 15 ngày trước khi trồng. Để hoa ly phát triển tốt, cho bông to khỏe, tôi lấy phân trâu, bò để hoai mục, sau đó trộn với sơ dừa xỉ than, đất theo một tỷ lệ nhất định rồi cho vào chậu và trồng.

 

Từ những kinh nghiệm đúc rút được, cộng với học hỏi kinh nghiệm của người dân ở vùng chuyên trồng hoa, anh Hiển đã liên tục giành được thắng lợi từ các vụ hoa. Hiện nay, mỗi năm trừ chi phí gia đình anh thu lãi gần 300 triệu đồng. Nhờ đó, anh đã xây được nhà khang trang và mua sắm nhiều tiện nghi đắt tiền.

 

 Không chỉ làm giàu cho gia đình, anh Hiển còn chia sẻ kinh nghiệm, kỹ thuật trồng hoa với bà con trong xóm. Từ mô hình trồng hoa cho thu nhập cao của gia đình anh Hiển, đến nay xóm Trường Thịnh đã có 20 hộ chuyển đổi từ cấy lúa sang trồng hoa với tổng diện tích khoảng 85 mẫu, chủ yếu là các loài: Cúc đại đóa, loa kèn và ly. Tuy nhiên, hiện nay các hộ trồng hoa ở đây vẫn phải nhập toàn bộ giống từ Mê Linh và Từ Liêm (Hà Nội) về trồng. Điều này vừa tốn kém chi phí, công sức và chất lượng hoa cũng có nhiều hạn chế. Vì thế anh Hiển đã có kế hoạch sản xuất giống hoa tại chỗ để phục vụ nhu cầu của người dân địa phương. Giờ đây, anh đã lĩnh hội đầy đủ kiến thức kỹ thuật để sản xuất giống hoa, dự kiến trong năm 2015, anh sẽ tiến hành sản xuất.