Ước mơ thành hiện thực

14:42, 01/01/2015

Vượt qua đoạn đường gồ ghề, chiếc xe máy khi nghiêng bên này, lúc ngả bên kia, thậm chí nhiều lần phải xuống dắt xe vượt qua những chỗ lầy thụt, chúng tôi thấy đường vào bản người Mông Khe Cạn, xã Văn Lăng (Đồng Hỷ) xa vời vợi. Đúng như chia sẻ của anh Hoàng Xuân Trường, Chủ tịch UBND xã Văn Lăng, đường vào Khe Cạn vẫn còn rất khó đi.


Chú thích:

Đường lên bản Lũng Cà, Thượng Nung (Võ Nhai)
 

 

 

Từ nay đến hết năm 2015, tỉnh ta sẽ khởi công 15 tuyến đường, trong đó Võ Nhai có 8 tuyến, dài 27,8km; Đồng Hỷ có 4 tuyến, dài 13km; Phú Lương có 2 tuyến, dài 3,5km; Định Hóa có 1 tuyến, dài 2,4km.

Tính đến nay, bà con người Mông từ Cao Bằng về đây lập bản đã được gần 35 năm. Còn nhớ, ngày mới về, đường vào bản khó đi hơn bây giờ rất nhiều. Lúc đó, muốn vào được Khe Cạn phải đi bộ trên con đường mòn chỉ rộng chưa đầy nửa mét. Sau nhiều năm cải tạo, đến nay, đường vào bản đã rộng khoảng 3m, ô tô tải trọng nhỏ đã có thể đi đến trung tâm bản. Tuy nhiên, do là đường đất nên bà con ở đây vẫn phải chịu cảnh “nắng bụi, mưa lầy”. Nhất là với các em học sinh, mỗi khi mùa mưa đến, đường trơn trượt, các em phải mất hơn 1 giờ đồng hồ để vượt qua đoạn đường gần 3km mới có thể đến được trường. Chị Lý Thị Nhị, một  người dân ở xóm Khe Cạn cho biết: Những hôm trời mưa, rét, trẻ con đi học về, đứa nào cũng dính đầy bùn đất, người run lên vì lạnh, thương lắm!

 

Ông Trương Văn Phụng, Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải: Đơn vị được giao đóng góp kinh phí thực hiện 2km trong tổng số 6km đường ở khu Lân Thùng, xóm Đồng Dong, xã Phương Giao (Võ Nhai). Mới đây chúng tôi đã phân công cán bộ đi thị sát để thống nhất với huyện phương án triển khai. Đối với việc huy động đóng góp, chúng tôi sẽ vận động cán bộ, công nhân viên, mỗi người đóng góp ít nhất một ngày lương. Đặc biệt, nhiều cán bộ trong ngành đã đăng ký đóng góp cả một tháng lương.

Ông Dương Hữu Kiều, Chủ tịch UBND xã Phương Giao (Võ Nhai): Khi biết đường vào Lân Thùng sẽ được đổ bê tông, bà con vui lắm. Đến thời điểm này, chúng tôi đã chuẩn bị xong mặt bằng và đơn vị thi công có thể khởi công công trình bất cứ lúc nào. Địa phương cũng cam kết sẽ tạo mọi điều kiện về nơi ăn, chốn nghỉ cho công nhân trong những ngày thi công tuyến đường.

Ông Lý Văn Sinh, Trưởng xóm Lũng Hoài, xã Thượng Nung (Võ Nhai): Lũng Hoài có một tuyến đường dài 1,5km sẽ được đổ bê tông, đời sống bà con còn nhiều khó khăn nên người Mông mình không có điều kiện đóng góp kinh phí. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ đóng góp ngày công lao động khi tuyến đường được thi công.

Tương tự như Khe Cạn, 4km đường của xóm Vân Lăng, xã Văn Lăng - nơi có trên 100 hộ dân, trong đó có 32 hộ người dân tộc Mông sinh sống - nhiều năm nay vẫn chưa được đầu tư xây dựng. Phía đầu bản, đường rộng 2m, càng đi sâu vào trong bản, đường càng nhỏ dần, có nơi chỉ rộng có 1m, chỉ đủ để cho 1 chiếc xe máy đi. Đường hẹp như vậy nên xe ô tô khó có thể đi vào sâu trong bản. Ông Nông Văn Trân, Phó Trưởng ban Dân tộc tỉnh cho hay: Không chỉ riêng Khe Cạn, Văn Lăng mà ở hầu hết những bản có đồng bào dân tộc Mông sinh sống trong tỉnh, các tuyến đường giao thông đều trong tình trạng nhỏ, hẹp, nhầy nhụa, trợt trượt vào trời mưa, bụi bặm lúc trời nắng. Giao thông khó khăn là “rào cản” khiến các bản làng nơi vùng cao chưa thể bứt phá.

 

Mong đường vào bản được mở rộng, đổ bê tông là mơ ước của hơn 1.500 hộ đồng bào dân tộc Mông trong tỉnh. Do nguồn lực còn hạn hẹp nên ở các bản người Mông, hệ thống đường giao thông phần lớn vẫn chưa được đầu tư cứng hóa, trải nhựa mà chỉ là đường đất. Và vì thế, bao năm nay, ở nhiều bản người Mông ở trên đỉnh núi cao như Khuổi Mèo, xã Sảng Mộc; Mỏ Chì, xã Cúc Đường (Võ Nhai); Mỏ Ba, xã Tân Long (Đồng Hỷ)… ước mơ có con đường bê tông uốn lượn vắt giữa lưng chừng núi vẫn chỉ là mơ ước.

 

Tuy nhiên, giờ đây, niềm mong mỏi ấy đang sắp trở thành hiện thực khi thực hiện Đề án Phát triển kinh tế - xã hội, ổn định sản xuất và đời sống các xóm khó khăn có đồng bào dân tộc Mông sinh sống từ nay đến năm 2020, tỉnh đã có kế hoạch huy động mọi nguồn lực để đầu tư bê tông hóa các tuyến đường vào xóm, bản đặc biệt khó khăn, có nhiều đồng bào dân tộc Mông sinh sống trên địa bàn tỉnh. Theo đó, sẽ có 46,7km đường được đầu tư xây dựng và thực hiện trong 2 đợt. Đợt 1, sẽ khởi công trong tháng 12-2014; đợt 2, khởi công từ tháng 1- 2015.

 

Có thể thấy, chưa bao giờ tỉnh ta có cách làm sáng tạo và khả thi trong việc huy động nguồn lực để làm đường vào các xóm, bản đặc biệt khó khăn như lần này. Đó là với kinh phí khái toán để làm các tuyến đường trên là 56 tỷ đồng, vốn ngân sách Nhà nước chỉ hỗ trợ kinh phí mua xi măng, cát sỏi, làm đường, cống thoát nước, chi phí vận chuyển đến chân công trình; phần còn lại các cơ quan, sở, ban, ngành, các huyện tự huy động cán bộ, công nhân viên chức, người lao động đóng góp tổng số tiền trên 12,6 tỷ đồng (mức bình quân khoảng 270 triệu đồng/1km) thanh toán chi phí nhân công, xử lý nền đất yếu và vận động các doanh nghiệp đóng hơn 4,3 tỷ đồng để chi phí hỗ trợ thực tế những đoạn đường sung yếu, cầu cống lớn…

 

Mới đây, UBND tỉnh đã triệu tập cuộc họp để thống nhất cách thực hiện và nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của các cơ quan, đơn vị. Ông Ngô Thượng Chính, Phó Giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo cho biết: Chúng tôi hoàn toàn nhất trí với cách làm của tỉnh. Với lực lượng cán bộ, giáo viên khá đông, chúng tôi sẽ nhanh chóng huy động được số tiền đóng góp theo định mức được giao.

 

Những ngày này, sắc xuân bắt đầu hiện hữu với hoa mai, hoa mận e ấp. Niềm vui của bà con người Mông Thái Nguyên đang được nhân đôi khi xuân này, nhiều tuyến đường sẽ được cứng hóa, bà con sẽ được đi trên những con đường mới đến phiên chợ đầu Xuân...