Cơ hội "vàng" của ngành dệt may

12:25, 18/02/2015

Năm 2015 được đánh giá là năm thuận lợi cho hoạt động xuất khẩu của ngành dệt may Việt Nam với hàng loạt các hiệp định thương mại tự do (FTA) sẽ được ký kết.

Đây chính là động lực không nhỏ thúc đẩy ngành dệt may tiếp tục phát triển cả về chiều rộng lẫn chiều sâu.

 

Khẳng định vị thế

 

Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) Lê Tiến Trường cho biết, triển vọng tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu tại các thị trường truyền thống của ngành còn rất lớn. Chẳng hạn thị trường EU là thị trường liên tục được mở rộng về quy mô, khi FTA Việt Nam - EU được ký kết, thuế suất từ 12% về 0% sẽ tạo ra sức cạnh tranh lớn cho hàng dệt may xuất khẩu vào thị trường này, do đó, EU tiếp tục là thị trường trọng điểm của dệt may Việt Nam (DMVN) trong thời gian tới. Dự báo kim ngạch xuất khẩu vào EU sẽ đạt hơn 4 tỷ USD trong năm 2015. Tương tự, ưu đãi về thuế do Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) mang lại cũng là yếu tố thuận lợi cho các doanh nghiệp (DN) mở rộng thị phần tại thị trường Mỹ. Hàng dệt may Việt Nam xuất khẩu vào Mỹ hiện chịu thuế suất khoảng 17%-18%, khi TPP được ký kết, thuế suất sẽ giảm dần xuống 0%. Những năm gần đây, kim ngạch xuất khẩu hàng DMVN vào Mỹ luôn tăng 12-13%/năm, trong khi Mỹ nhập khẩu hàng dệt may của thế giới chỉ tăng 3%, tức là thị phần của DMVN tại thị trường này đang được cải thiện rất tốt. Hơn nữa, DMVN mới chỉ chiếm khoảng 9% tỷ trọng nhập khẩu hàng may mặc của Mỹ. "Kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may vào thị trường Mỹ tăng ngoài lợi thế cạnh tranh còn có sự chờ đợi, đón đầu hiệp định TPP của các nhà nhập khẩu.

 

Khả năng kim ngạch xuất khẩu dệt may năm 2015 của Việt Nam sang Mỹ tiếp tục tăng trưởng tốt, đạt hơn 11 tỷ USD, tăng 13% so với năm 2014", ông Lê Tiến Trường nhấn mạnh. Với thị trường Nhật Bản, Việt Nam có thế mạnh là một trong những nước tham gia đàm phán TPP cùng với Nhật Bản. Việc các nhà đầu tư Nhật Bản tăng đầu tư vào vùng sản xuất nguyên phụ liệu cho ngành dệt may tại Việt Nam đã tạo cơ hội cho DMVN tận dụng lợi thế về quy tắc xuất xứ và từng bước đáp ứng được tiêu chuẩn về kỹ thuật và môi trường khi xuất khẩu sang Nhật Bản. Do vậy, năm 2015, dự báo kim ngạch xuất khẩu DMVN sang Nhật Bản tiếp tục khả quan, có thể đạt 2,9 tỷ USD, tăng 9% so với năm 2014. Tại thị trường Nga, thuế quan áp dụng cho hàng dệt may chính ngạch của Việt Nam rất cao và được tính theo trọng lượng của sản phẩm. Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam và Liên minh Hải quan (Nga, Bê-la-rút, Ca-dắc-xtan) được ký kết vào đầu năm 2015 sẽ cải thiện đáng kể chính sách thuế, hải quan và tạo sức hấp dẫn lớn với DN.

 

Như vậy, triển vọng tăng trưởng xuất khẩu của DMVN năm 2015 khá sáng sủa. Kiên trì với định hướng lựa chọn đơn hàng có kích cỡ trung bình, yêu cầu khó, mang tính thời trang cao nhằm phát huy thế mạnh cạnh tranh về kỹ thuật và tay nghề của người lao động, ngành DMVN đang dần khẳng định vị thế trong chuỗi cung ứng của dệt may thế giới.

 

Phát triển theo chiều sâu Bên cạnh hiệu ứng từ việc đàm phán các FTA, TPP... thì không thể không nhắc tới sự nỗ lực vượt khó của các DN trong việc đẩy mạnh mở rộng đầu tư sản xuất, nâng cao công tác quản trị DN cũng như tích cực tìm kiếm thị trường mới cho cả "đầu vào" và "đầu ra", mở ra cơ hội tăng kim ngạch và thị phần xuất khẩu của DMVN. Sản phẩm của ngành đã có chỗ đứng không chỉ trên những thị trường truyền thống mà còn được mở rộng sang các thị trường mới như Thổ Nhĩ Kỳ, khu vực châu Phi, Trung Đông... Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty May 10 Thân Đức Việt cho biết, bên cạnh việc đầu tư máy móc, thiết bị hiện đại để vừa tiết kiệm nhân công vừa tăng năng suất lao động thì bộ phận nghiên cứu mở rộng sản xuất, tìm kiếm thị trường luôn tập trung nghiên cứu, tạo ra những sản phẩm có chất lượng cao để gia tăng giá trị sản phẩm. Đến nay tỷ lệ FOB (mua nguyên liệu, tự sản xuất và bán trực tiếp không qua trung gian) của công ty đã tăng hơn 70%; ODM (tự thiết kế, sản xuất, bán sản phẩm) tăng khoảng 3% trên tổng doanh thu xuất khẩu.

 

Cùng chung quan điểm, Tổng Giám đốc Tổng công ty Đức Giang (Dugarco) Phạm Tiến Lâm cho biết, năm 2015, Dugarco phấn đấu tổng doanh thu đạt 2.400 đến 2.500 tỷ đồng (tăng hơn 25% so với năm 2014). Muốn đạt được mục tiêu, Tổng công ty luôn chú trọng hai vấn đề trọng tâm là quản trị và thị trường.

 

Ngoài những khách hàng truyền thống, DN cũng đang đàm phán tích cực với một số đối tác lớn nhằm mở rộng thị trường. Đến nay đã có hai đến ba đối tác ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm đến hết quý I-2015.

 

Liên quan tới việc nắm bắt cơ hội khi các FTA có hiệu lực cũng như đẩy mạnh chiến lược nâng cao giá trị gia tăng của DMVN trong thời gian tới, ông Lê Tiến Trường khẳng định, một số DN dệt may đã xây dựng lộ trình cũng như phương án sản xuất theo hướng FOB, ODM và chuẩn bị cho việc tham gia TPP thông qua việc từng bước đổi mới công nghệ hiện đại và nâng cao hiệu quả quản trị, nhất là trong các lĩnh vực như dệt, nhuộm, hoàn tất và thiết kế. Với đặc điểm các FTA sắp có hiệu lực đều quan tâm đến nguồn gốc xuất xứ từ sợi và từ vải, các DN đang tích cực đầu tư sản xuất nguyên phụ liệu để tăng tỷ lệ nội địa hóa trong các sản phẩm xuất khẩu. Trong năm 2015 và 2016, Vinatex và các công ty con sẽ đầu tư các khu sản xuất nguyên liệu tập trung gồm: Khu công nghiệp Phố Nối B với nòng cốt là Công ty Dệt 8-3 đầu tư sản xuất vải dệt thoi công suất 25 triệu mét/năm, mở rộng nhà máy dệt kim với công suất từ 3.000 tấn đến 5.000 tấn/năm, đầu tư thêm nhà máy sợi công suất 5.800 tấn/năm; Khu công nghiệp Khoái Châu, chuyên làm hàng dệt kim nhẹ đầu tư nhà máy có công suất 3.000 tấn/năm, nhà máy sợi 3.000 tấn/năm... Ngoài ra, Vinatex cũng đầu tư thêm hơn 200 dây chuyền may. Đến năm 2016, nâng tổng năng lực sản xuất vải dệt thoi từ nguồn sợi tại chỗ tăng thêm 100 triệu mét (tăng 40%); vải dệt kim tăng thêm 20.000 tấn năm (tăng gấp hai lần); sợi các loại thêm 29.000 tấn/ năm (tăng thêm 25% năng lực hiện tại). Với các chương trình đầu tư trên, từ năm 2017, Vinatex có thể chủ động được hơn 55% vải các loại trong chuỗi DN của mình.

 

Muốn đẩy mạnh DMVN phát triển cần phải tăng cường kêu gọi đầu tư nguyên phụ liệu, trong đó có cả DN trong nước và DN nước ngoài. Đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền các thông tin về FTA, TPP để các nhà đầu tư quan tâm nắm rõ. Đặc biệt, về nguyên phụ liệu phải có các số liệu cụ thể để cung cấp cho các DN biết ở Việt Nam có những công ty đã sản xuất và cung cấp được nguồn nguyên liệu phục vụ sản xuất hàng trong nước và hàng xuất khẩu. Nếu trước đây các DN chuyên làm gia công thì nay kêu gọi làm FOB, ODM... nhằm tránh ảnh hưởng và phụ thuộc vào nước ngoài. Mặt khác, Chính phủ cần đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, nhất là về đất đai, thuế... cũng như tạo quỹ đất, cơ sở hạ tầng nhằm thu hút các nhà đầu tư.