Năm 2014 vừa qua được xem là năm khó khăn nhất đối với Công ty CP Gang thép Thái Nguyên. Sự tác động xấu từ thị trường cộng với những bất lợi trong triển khai đầu tư giai đoạn 2 đã khiến hoạt động sản xuất, kinh doanh của Công ty gặp không ít trở ngại.
Ở hoàn cảnh khó khăn đó, nhiều phương án, giải pháp kịp thời, hợp lý đã được Ban lãnh đạo Công ty mạnh dạn áp dụng, bước đầu đạt kết quả khả quan.
Khoán toàn diện, triệt để
Trong khi thị trường thép xây dựng cung đang vượt cầu, các doanh nghiệp sản xuất liên tục giảm giá bán để chiếm lĩnh thị phần thì cũng là lúc thép giá rẻ của Trung Quốc ồ ạt xâm nhập làm cho hoạt động sản xuất của Công ty khó càng thêm khó. Trong khi đó, nội tại đơn vị lại đang có những trở ngại nhất định: Tổ chức bộ máy cồng kềnh, lực lượng lao động lớn, máy móc thiết bị lạc hậu, đầu tư đổi mới công nghệ còn dở dang... Trước thực trạng đó, Công ty xác định, vừa phải đảm bảo duy trì sản xuất ổn định vừa tập trung tháo gỡ khó khăn cho đầu tư giai đoạn 2. Đối với hoạt động sản xuất, tập trung giảm chỉ tiêu tiêu hao và giảm giá thành sản phẩm. Để làm được điều đó, phương án tối ưu nhất chính là áp dụng hình thức khoán đối với từng đơn vị trong Công ty.
Không giống trước đây chỉ khoán một phần nay Công ty áp dụng khoán toàn diện và khoáng triệt để. Tức là các đơn vị trực thuộc phải chủ động từ khi nhập vật tư, nguyên liệu, phụ tùng cho đến sản xuất các sản phẩm đầu ra và giá thành sản phẩm đó. Trong đó, mục tiêu cuối cùng là phải đảm bảo được giá thành mà Công ty giao. Giá Công ty giao được tính ngược trên cơ sở giá sản phẩm bán ra được thị trường chấp nhận. Sau chỉ đạo của Công ty, 100% các đơn vị sản xuất trực thuộc đều đẩy mạnh tiết kiệm để giảm giá thành sản phẩm.
Theo ông Trần Văn Khâm, Tổng Giám đốc Công ty thì bắt đầu từ tháng 6-2014 đến nay việc giao khoán triệt để đã tạo chuyển biến tích cực về giá thành các sản phẩm trong toàn đơn vị. Qua đó, giúp giá bán các sản phẩm thép của Công ty ra thị trường giảm được tới 1 triệu đồng/tấn so với thời điểm trước. Cụ thể, giá thép bình quân lúc trước bán tại Công ty là 12,4 triệu đồng/tấn (chưa có thuế VAT) nay chỉ còn 11,4 triệu đồng/tấn. Công ty có cơ chế khuyến khích cụ thể, những đơn vị nào giảm giá thành thấp hơn giá giao sẽ được hưởng 20% tổng giá trị tiết kiệm được, ngược lại nếu để tăng sẽ chịu phạt bù 20% khoản tăng vượt. Công ty lập Hội đồng giám sát để xem xét, đánh giá hoạt động này theo từng quý.
Cải tiến kỹ thuật
Trong sản xuất, Công ty chủ trương áp dụng các giải pháp kỹ thuật nhằm tăng năng suất lao động, giảm giá thành sản phẩm. Cụ thể, đối với sản xuất thép, Công ty chỉ đạo đơn vị trực thuộc là Nhà máy luyện thép Lưu Xá sử dụng vật tư, nguyên liệu thay thế trên cơ sở vẫn đáp ứng yêu cầu đề ra. Không giống trước, hiện tại trong dây chuyền đúc phôi thép của Nhà máy đã có thêm hạng mục thùng trung gian nhằm giữ nhiệt lượng, tăng quá trình đúc từ 12 giờ lên 24 giờ. Quy trình đúc hoàn chỉnh hiện tại là: Thép từ lò nấu đưa sang tinh luyện rồi đến thùng trung gian và ra khuôn đúc phôi thép. Ngoài ra, Công ty cũng thực hiện phương án lựa chọn đầu tư các dự án nhỏ nhưng có hiệu quả tức thì. Đó là sử dụng hệ thống máy cắt thép phế nhằm tăng tỷ lệ xếp đống, giúp các mẻ thép được đưa vào lò nhanh hơn, nhiều hơn. Hay sử dụng cẩu dốc công để thay thế việc bốc thép phế thủ công trước đây, giúp kiểm soát lượng thép phế và đưa thép phế vào luyện nhanh hơn.
Mặt khác, một giải pháp kỹ thuật rất hiệu quả mà từ nhiều năm qua Công ty chưa làm được là vận chuyển phôi nóng từ luyện sang cán thì nay đã áp dụng thành công. Trước đây, sau khi phôi ra lò phải để nguội xong mới chuyển qua dây chuyền cán khiến tiêu hao nhiều nhiên liệu đốt do thép phải mất hai lần tăng nhiệt. Hiện tại, Công ty đã sử dụng đường ray, toa tàu chuyển phôi từ Nhà máy luyện thép sang Nhà máy cán (nhiệt lượng phôi thép vẫn giữ mức 700 độ C) để cho ra thép thương phẩm. Theo tính toán, trước đây để sản xuất 1 tấn thép phải mất 31kg dầu FO thì nay áp dụng biện pháp này chỉ mất 24 kg dầu FO/tấn thép.
Để giải quyết việc làm, tăng doanh thu và đáp ứng nhu cầu thị trường, ngoài các sản phẩm thép xây dựng truyền thống, Công ty còn nghiên cứu và sản xuất thành công một số sản phẩm mới gồm thép chống lò SVP 17, SVP 22 và SVP 27 phục vụ ngành than. Sau khi đưa vào thử nghiệm đạt tiêu chuẩn chất lượng, Tập đoàn Than và Khoáng sản đã đặt hàng Công ty sản xuất với khối lượng lớn để thay thế cho nhập khẩu trước đây. Được biết, tới đây Công ty sẽ tiếp tục cho ra sản phẩm thép chống lò SVP 33.
Sắp xếp lại bộ máy
Do có bộ máy cồng kềnh, số cán bộ làm ở bộ phận gián tiếp lớn, các đơn vị, chi nhánh bố trí dàn trải, nên đã ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình sản xuất và tiêu thụ sản phẩm của toàn Công ty. Do vậy, Công ty quyết định xây dựng phương án sắp xếp lại toàn diện bộ máy. Trong năm 2014, bước đầu Công ty tiến hành tái cơ cấu khu vực văn phòng và hệ thống chi nhánh tiêu thụ. Do đã khoán toàn diện, triệt để nên gánh nặng quản lý ở các phòng ban chuyên môn khu vực văn phòng Công ty cũng giảm nhẹ. Bởi vậy, Công ty quyết định điều chuyển gần 100 cán bộ ở khu vực này xuống tham gia sản xuất ở các nhà máy, xí nghiệp, góp phần tăng lao động trực tiếp cho khối sản xuất.
Trước đây, Công ty có 5 chi nhánh đặt tại một số tỉnh, thành phía Bắc, miền Trung và khu vực phía Nam với nhiệm vụ chính là tiêu thụ sản phẩm. Nay, Công ty chuyển toàn bộ chi nhánh thành văn phòng đại diện với nhiệm vụ bao chùm hơn gồm cả giới thiệu, quảng bá sản phẩm, chăm sóc khách hàng, và quản lý theo dõi địa bàn. Đồng thời, Công ty lựa chọn nhà phân phối cấp 1 có năng lực, kinh nghiệm trong kinh doanh sắt thép để ký hợp đồng trực tiếp. Nhà phân phối cấp 1 được quyền ký hợp đồng với nhà phân phối cấp 2 nhằm giảm chi phí trung gian và không gây chồng chéo địa bàn, khách hàng. Năm 2015, dự kiến Công ty sẽ tiếp tục tái cơ cấu đối với hoạt động sản xuất tại các đơn vị, nhà máy, xí nghiệp trực thuộc.
Như vậy, có thể thấy thông qua các giải pháp hiệu quả nói trên đã giúp Công ty CP Gang thép Thái Nguyên không chỉ vượt qua khó khăn mà còn tạo dựng nền tảng vững chắc sau này. Kết quả hoạt động của Công ty năm 2014 đã phần nào nói lên điều đó. Trong năm, dù khó khăn nhưng Công ty vẫn sản xuất được 490 nghìn tấn thép các loại, bằng 100,7% so với cùng kỳ năm trước; tổng doanh thu của Công ty đạt 6.754 tỷ đồng, lợi nhuận 80 tỷ đồng, nộp ngân sách trên 379 tỷ đồng và đảm bảo mức lương bình quân người lao động đạt trên 5 triệu đồng/người/tháng.