Cây cà-phê ở Hòa Thuận, T.P Buôn Ma Thuột đã có thương hiệu nhờ áp dụng thành công mô hình cánh đồng cà-phê mẫu. Tuy nhiên, làm thế nào để nhân rộng mô hình này thì vẫn là một bài toán khó?
Người nông dân ở đây không thể quên được những khó lkhăn của những năm cà-phê tụt dốc thảm hại. Nhà nhà thi nhau chở ra đường vừa bán vừa biếu với giá bèo bọt từ 4.000, rồi 3.000 đồng/kg quả tươi. Thảm cảnh này đã khiến rất nhiều gia đình điêu đứng vì các khoản nợ vay để đầu tư, chăm sóc. Bao nhiêu tài sản được mang ra bán đổ, bán tháo. Kết cục là không ít diện tích cà-phê trên địa bàn Tây Nguyên lúc bấy giờ bị xóa sổ một cách oan uổng. Người nông dân sẵn sàng chặt bỏ tất cả để thay vào loại cây khác, dẫu chưa biết đó là cây gì, hiệu quả kinh tế ra sao.
Cũng có người còn thủy chung cầm cự chăm sóc chờ thời vàng son trở lại. Nhưng với cách làm nào, rồi cũng luôn bộc lộ một thực tế, đó là sản phẩm của bà con luôn lệ thuộc giá cả thị trường, giá cao thi nhau trồng, mất giá thi nhau nhổ bỏ, hoặc chăm sóc theo kiểu cầm chừng hay phó mặc cho đất trời. Cũng không có gì là khó hiểu, bởi một khi chưa tìm được hướng đi đúng thì không thể giúp cây chủ lực này phát triển một cách bền vững.
Xã Hòa Thuận quyết tâm không thể để một phương thức canh tác kém hiệu quả cứ tồn tại mãi trong bà con nông dân, không thể để cho việc trồng cây cà-phê cứ song hành với việc nhổ bỏ, lại càng không thể để cho sản phẩm người nông dân làm ra cứ mãi trôi nổi theo sự rủi may của giá cả thị trường. Tập thể lãnh đạo UBND xã Hòa Thuận, T.P Buôn Ma Thuột luôn nhức nhối câu hỏi: Làm sao để tăng mức thu nhập cho bà con nông dân? Và để có được câu trả lời xác đáng nhất, không còn giải pháp nào tốt hơn ngoài việc gõ cửa từng hộ gia đình, gặp gỡ trao đổi, xin ý kiến người dân về mô hình cánh đồng mẫu cà-phê, cho bà con thấy được những bảo đảm thông qua sự liên kết "bốn nhà" mà cụ thể là: Thành phố, Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên, Công ty TNHH Ðăk Man Việt Nam, và Công ty cổ phần bảo vệ thực vật An Giang. Từ cơ sở này đã tạo được niềm tin với bà con nông dân, nhất là nhiều chương trình tập huấn các quy trình kỹ thuật thâm canh, từ khâu chọn giống tốt, bón phân cân đối, tưới nước hợp lý, tiết kiệm, phòng trừ sâu bệnh theo từng thời điểm, đáp ứng được nhu cầu dinh dưỡng cho cây cà-phê trong từng thời kỳ sinh trưởng; doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm theo giá thị trường, hỗ trợ mỗi ký cà-phê đạt chuẩn chất lượng cao 300 đồng. Cách làm này đã thu hút được bà con nông dân tham gia vào cánh đồng mẫu, từ một đến hai hộ rồi vượt lên con số 61 hộ gia đình với 38,6 ha, một diện tích khá lớn nằm liền kề, khá bằng phẳng...
Hiệu quả thiết thực sớm mang lại từ cánh đồng cà-phê mẫu đã củng cố niềm tin đối với tất cả người dân Hòa Thuận, nhờ tuân thủ nghiêm ngặt quy trình đã được tập huấn, bà con biết vận dụng kiến thức khoa học vào thực tế để đầu tư chăm sóc có hiệu quả nên tất cả các vườn cà-phê phát triển đồng đều với nhiều khả năng nông dân sẽ thu được từ 3,5 đến 4 tấn nhân/ha, tăng xấp xỉ một tấn/ha, tăng thu nhập 10 đến 15 triệu đồng/năm/ha.