Khó khăn trong việc nâng sản lượng và diện tích trồng ngô

06:34, 28/02/2015

Ở nước ta, ngô là cây trồng thứ hai sau lúa. Tuy nhiên, mỗi năm Việt Nam xuất khẩu hơn bảy triệu tấn gạo thì với ngô lại phải nhập khẩu. Mục tiêu mở rộng diện tích ngô để đạt sản lượng 8,5 triệu tấn hiện còn nhiều khó khăn.

Nhu cầu nhiều nhưng diện tích giảm

 

Tại huyện Phúc Thọ, TP Hà Nội, người dân có truyền thống canh tác ngô, nhất là các xã vùng bãi ven sông như: Vân Phúc, Vân Hà, Vân Nam, Hát Môn; ở đây mỗi gia đình có ít nhất từ một đến ba sào trồng ngô. Thời điểm này, bà con đã thu hoạch xong vụ ngô đông trên đất bãi và đất hai vụ lúa. Chủ nhiệm HTX nông nghiệp Hát Môn Hồ Xuân Thắng cho biết, do đặc điểm địa hình vùng bãi, hệ thống tưới tiêu hạn chế nên toàn bộ diện tích đất bãi 60 ha của xã được trồng ngô, một năm hai vụ: xuân và thu - đông, riêng vụ hè được trồng xen canh đậu tương. Ðối với khu vực đất trong đồng (rộng 160 ha vốn được trồng hai vụ lúa), vụ đông cũng được người dân tận dụng trồng ngô. Tuy nhiên, họ vẫn chưa yên tâm khi mở rộng diện tích, nhất là trong vụ đông trên đất hai vụ lúa. Hiện bộ giống ngô chưa phong phú, các giống ngô thường dùng là NK 430, NK 6654 đều có thời gian sinh trưởng dài ngày (125 ngày), nhưng vụ đông lại không có nhiều thời gian. Trong khi đó, những hỗ trợ về giống, khoa học kỹ thuật để mở rộng diện tích trồng ngô gần như chưa có. Chưa kể khi mở rộng diện tích, cung lại vượt cầu khiến người dân không biết tiêu thụ ngô ở đâu. Vì vậy, theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội Ðào Duy Tâm, diện tích trồng ngô của Hà Nội trong ba năm (từ 2010 đến 2013) đã giảm 4.500 ha.

 

Ở nhiều tỉnh, thành phố khác, người dân cũng không còn mặn mà với cây ngô. Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Vĩnh Phúc Lê Văn Dũng cho biết, diện tích ngô trên địa bàn tỉnh có chiều hướng giảm dần mặc dù tỉnh liên tục có chính sách hỗ trợ. Năm nào tỉnh cũng hỗ trợ 900 nghìn đến một triệu đồng/ha nhưng nông dân vẫn không quan tâm. Hiện mỗi năm, diện tích trồng ngô tại Vĩnh Phúc giảm 1.000-2.000 ha. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cây ngô không còn được nhiều nông dân mặn mà đưa vào cơ cấu cây trồng vụ đông. Năm 2013, diện tích trồng ngô Việt Nam đạt gần 1,2 triệu ha, chiếm 0,65% diện tích ngô toàn thế giới. Tuy nhiên, tính từ vụ đông năm 2009 đến nay, các tỉnh phía bắc đã giảm 22 nghìn ha ngô.

 

Trong khi đó, nhu cầu về sản lượng ngô ngày một tăng. Nguyên nhân do sản xuất ngô chưa có bộ giống ngắn ngày thích hợp và cho năng suất cao, chi phí sản xuất cao và cơ giới hóa trong sản xuất còn nhiều hạn chế. Ở nước ta không chủ động được nguồn nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi nên các doanh nghiệp phải tìm kiếm thị trường nhập khẩu ở khắp nơi. Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nước ta đang phụ thuộc tới 70% nguyên liệu dùng để sản xuất thức ăn chăn nuôi từ nước ngoài. Trong đó, ngô hạt phải nhập khẩu mỗi năm 1,5 triệu tấn. Năm 2014, chỉ tính riêng 11 tháng đầu năm, Việt Nam đã phải chi 3,03 tỷ USD để nhập khẩu thức ăn chăn nuôi, trong đó riêng nhập khẩu ngô chiếm 1,05 tỷ USD với khối lượng lên tới 4,07 triệu tấn.

 

Khoa học kỹ thuật là mấu chốt

 

Hiện nay, khâu giống vẫn là điều đáng ngại nhất khi Việt Nam chưa chủ động được nguồn giống, nhất là các giống năng suất, chất lượng cao. Trong khi đó, tại Hà Nội, việc hình thành các vùng sản xuất tập trung mang tính hàng hóa vẫn còn nhiều hạn chế; liên kết "ba nhà", "bốn nhà" chưa có, hoặc có nhưng còn lỏng lẻo. Chủ nhiệm HTX nông nghiệp Hát Môn Hồ Xuân Thắng cho biết, nhờ sự kết nối của Phòng Kinh tế huyện Phúc Thọ, từ năm 2014, lần đầu tiên người dân trong xã đã ký kết được hợp đồng bao tiêu sản phẩm với một doanh nghiệp (Công ty Hoàng Gia Ðông Dương) thu mua ngô của bà con phục vụ chế biến thức ăn chăn nuôi cho bò sữa. Vụ ngô xuân 2014, nông dân trong xã đã bán cho công ty 140 tấn ngô, người trồng ngô rất phấn khởi. Vụ đông 2015, HTX vận động người dân mở rộng diện tích trồng ngô trên đất hai vụ lúa, sản lượng ngô thu về ước gấp đôi so với vụ xuân. Thế nhưng, từ khi thu hoạch đến nay, doanh nghiệp và người dân vẫn chưa thống nhất được giá. Ngô vẫn chất đầy trong các gia đình ở Hát Môn, chưa biết tiêu thụ ở đâu.

 

Là đơn vị chế biến thức ăn lớn, Công ty cổ phần Chăn nuôi CP Việt Nam cho biết, trong sản xuất thức ăn chăn nuôi, ngô chiếm 30 đến 35% cơ cấu nguyên liệu. Tuy vậy, chất lượng ngô trong nước cũng không cao, ngô trong nước loại 1, loại 2 gần như không có, do công nghệ chế biến sau thu hoạch còn lạc hậu, ngô tách hạt trong 24 giờ không được sấy khô kịp thời rất dễ nấm mốc ảnh hưởng đến chất lượng. Chủ tịch Hiệp hội Sản xuất giống cây trồng Thái Bình Trần Mạnh Báo cho rằng, Nhà nước vẫn thiếu chính sách cho phát triển cây ngô. Trong khi cây lúa được quan tâm, có quy hoạch đất lúa, được đầu tư lớn cho khâu giống, cơ giới hóa... thì việc sản xuất ngô vẫn hoàn toàn tự phát. Ông Báo đề nghị, cây ngô cũng cần được quan tâm như cây lúa, được ưu tiên sản xuất và chỉ đạo nhất quán.

 

Thừa nhận thực trạng thiếu quy hoạch, nguyên Cục trưởng Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) Nguyễn Trí Ngọc cho rằng: "Thực tế, cây ngô vẫn bị xem là cây trồng thay thế cho các cây trồng khác ở mùa vụ và vùng đất khô hạn khó tưới. Những vùng trọng điểm tập trung thì hệ thống thủy lợi gần như không được chú trọng". Ông Ngọc đề xuất, Nhà nước cần sớm có quy hoạch vùng sản xuất ngô; tăng nhanh diện tích trồng ngô tại các vùng sản xuất lúa năng suất thấp; các vùng bãi bồi ven sông...; đồng thời, phải tăng năng suất để bảo đảm lợi nhuận cho nông dân. Khi phát biểu tại hội nghị về phát triển sản xuất ngô gắn với chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở các tỉnh phía bắc năm 2014, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Ðức Phát nhận định: "Ðể tạo việc làm, tăng thu nhập cho nông dân, đồng thời đáp ứng nhu cầu của ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi thay thế nguyên liệu nhập khẩu, việc phát triển cây ngô là hoàn toàn đúng đắn. Tuy nhiên, không thể bắt nông dân chuyển sang trồng ngô khi thu nhập từ ngô kém hơn so với thu nhập từ các cây trồng khác. Do đó, quan trọng nhất hiện nay là phải chuyển giao khoa học kỹ thuật để nâng cao năng suất chất lượng ngô". Các cơ quan chức năng, nhất là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần sớm xây dựng chính sách tiếp sức cho cây ngô thông qua việc xây dựng các "gói" kỹ thuật đưa về cho nông dân, cùng hỗ trợ phát triển cây ngô một cách đúng hướng.