Việc công nhận các làng nghề, làng nghề truyền thống đã tạo ra những hiệu ứng tích cực trong cộng đồng làng nghề, giúp họ có thêm động lực phát triển ngành nghề nông thôn; giải quyết việc làm tại chỗ cũng như phát huy những giá trị truyền thống.
Sau quá trình được xét duyệt và cấp Bằng công nhận, các làng nghề (LN) được tỉnh hỗ trợ kinh phí (35 triệu đồng/LN và 40 triệu đồng/LN truyền thống) để xây dựng cổng làng và tổ chức Lễ đón nhận danh hiệu. Ngoài ra, trong dịp này, các địa phương cũng thường hỗ trợ thêm cho các LN, ví dụ như: T.P Thái Nguyên hỗ trợ 20 triệu đồng/LN; huyện Định Hóa 10 triệu đồng/LN; huyện Phổ Yên 5 triệu đồng/LN… Ông Trần Mạnh Cường, nguyên Trưởng Ban quản lý LN miến Việt Cường, xã Hóa Thượng (Đồng Hỷ) chia sẻ: Ngày khánh thành cổng làng và tổ chức Lễ đón nhận danh hiệu LN, bà con làm miến chúng tôi cảm thấy rất vinh dự, qua đó có thêm động lực để gắn bó, phát triển nghề truyền thống của cha ông. Hiện nay, nghề làm miến dong đang là nguồn thu nhập chính của gần 50 hộ dân trong xóm và tạo việc làm cho hàng trăm lao động địa phương. Thương hiệu miến Việt Cường đã nổi tiếng ở cả trong và ngoài tỉnh, sản phẩm tiêu thụ dễ dàng với giá trị ngày càng cao. Có thể nói, sự khuyến khích, hỗ trợ của các cấp, ngành đã thực sự có tác động tích cực về nhiều mặt đối với chúng tôi…
Các LN sau khi được công nhận còn được thụ hưởng nhiều hình thức hỗ trợ thiết thực như: Tập huấn kỹ thuật, tư vấn, quảng bá thương hiệu (được hỗ trợ xây dựng trang Web riêng, tham gia các hội chợ), hỗ trợ thiết bị sản xuất… Theo anh Nguyễn Văn Duân, chủ một hộ dân sản xuất chè tại LN chè Thác Dài, xã Tức Tranh (Phúc Lương) thì từ năm 2008, khi được công nhận là LN truyền thống, các hộ làm chè trong xóm đã được hỗ trợ hàng chục bộ tôn quay và máy vò chè; hỗ trợ sản xuất chè VietGAP. “Đã gắn bó với cây chè nhiều năm, nhưng chỉ đến khi được tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật, tôi mới hiểu đầy đủ quy trình, cách thức sản xuất chè sạch, chè chất lượng cao. Vì chú trọng áp dụng các tiến bộ kỹ thuật nên chất lượng và giá bán sản phẩm chè của gia đình tôi cũng như nhiều hộ trong xóm đã cao hơn trước rất nhiều” – anh Duân phấn khởi nói.
Năm qua, toàn tỉnh có thêm 29 LN được công nhận (năm 2013 là 23 làng), nâng tổng số LN lên 134, vượt xa kế hoạch của tỉnh là đến năm 2015 có 100 LN được nhận; hiện có khoảng 10.000 hộ dân và trên 20.000 lao động tham gia làm nghề. Ông Bùi Quang Huân, Chủ tịch Hiệp hôi Làng nghề tỉnh cho rằng, điều quan trọng nhất là đằng sau những con số đó, đời sống của đại đa số người dân làm nghề đã và đang được cải thiện đáng kể. Bên cạnh đó, kết quả của công tác phát triển LN cũng mang ý nghĩa không nhỏ về mặt xã hội, như giải quyết việc làm tại chỗ cho người lao động, phát huy những giá trị truyền thống như tinh thần đoàn kết trong cộng đồng làm nghề… Một số LN tiêu biểu, như những mô hình cần được nhân rộng như: LN bánh chưng Bờ Đậu, xã Cổ Lũng (Phú Lương) LN chè truyền thống xóm 5, thị trấn Sông Cầu (Đồng Hỷ); LN miến Việt Cường.
Tuy nhiên, không phải tất cả các LN sau khi được công nhận đều hoạt động tốt, một số làng bị mai một, không phát huy được danh hiệu LN. Theo ông Bùi Quang Huân thì ngoài những nguyên nhân khách quan liên quan đến nhu cầu thị trường, vấn đề lao động… thì có thể chỉ ra một số nguyên nhân căn bản, những yếu kém cần sớm khắc phục trong thời gian tới. Đó là một số ban quản lý LN hoạt động thiếu quy củ, kém hiệu quả, không tập hợp, đoàn kết được các thành viên. Các thành viên ban quản lý phải là những người có uy tín, được các thành viên LN trực tiếp bầu ra. Họ có trách nhiệm giữ mối liên hệ thường xuyên với các cấp, ngành liên quan để kịp thời nắm bắt những thông tin cần thiết cho hoạt động và sự phát triển của LN. Quan trọng hơn, ban quản lý cần thực hiện hiệu quả những giải pháp nhằm duy trì điều lệ của LN, giám sát và yêu cầu các thành viên tuân thủ những cam kết như về chất lượng, giá bán sản phẩm, nâng cao ý thức giữ gìn và xây dựng thương hiệu chung. Ở những LN yếu kém thì ban quản lý đều không phát huy được vai trò quan trọng đó, không ít trưởng ban là trưởng xóm kiêm nhiệm và gia đình họ không tham gia làm nghề.
Nguyên nhân thứ 2 là một số cơ quan, chính quyền địa phương chưa quan tâm thỏa đáng đến công tác phát triển LN, triển khai chưa hiệu quả hoạt động tư vấn, định hướng, tháo gỡ khó khăn. Ở nhiều nơi, công tác tuyên truyền chưa tốt khiến người dân làm nghề không được tiếp cận đầy đủ thông tin liên quan đến chính sách phát triển ngành nghề nông thôn, dẫn đến tâm lý thờ ơ, trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước…
Có thể nói, đằng sau những chiếc cổng LN, những danh hiệu được công nhân là nhiều kết quả tích cực đã được thực tế chứng minh nhưng vẫn còn đó những yếu kém, bất cập. Cùng với nội lực của các LN, sự nỗ lực của từng người dân bao năm gắn bó với nghề thì các cấp, ngành liên quan cần tích cực, sâu sát hơn nữa với công tác phát triển LN, sớm nhìn nhận đúng mức và khắc phục những tồn tại hiện nay.