Làm gì để bảo đảm an toàn các hồ chứa nước?

15:46, 13/03/2015

Những ngày này, hồ Núi Cốc đang xả nước để phục vụ nông dân dưỡng, chăm bóm lúa vụ xuân. Bà Lăng Thị Sinh, một người dân ở xóm Rộc Lầy, xã Phúc Xuân (T.P Thái Nguyên) cho biết: Có hồ Núi Cốc, nhiều hộ dân ở các huyện phía dưới như Phú Bình, Phổ Yên... đã chủ động được nguông nước và luôn cấy lúa đúng khung thời vụ. Còn chúng tôi, những người sống ngay cạnh hồ, mỗi khi cần là có thể bơm nước từ hồ về để tưới chè, tưới lúa...

Không chỉ riêng hồ Núi Cốc mà các hồ lớn nhỏ trong tỉnh cũng đang xả nước để phục vụ nông dân sản xuất vụ xuân. Được biết, hiện nay trên địa bàn tỉnh có tổng số 276 hồ chứa, trong đó có 10 hồ có dung tích từ 1 triệu đến trên 100 triệu m3, 7 hồ có dung tính từ 0,5 triệu đến 1 triệu m3, 14 hồ có dung tính từ 0,2 triệu m3 đến 0,5 triệu m3, còn lại có các hồ dung tích dưới 0,2 triệu m3. Những năm qua, các hồ chứa này đã phục vụ rất tốt cho sản xuất nông nghiệp của tỉnh. Ông Bùi Tiến Chính, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT cho hay: Hầu hết các hồ chứa nước của tỉnh đều được xây dựng từ những năm 70 của thế kỷ trước và chỉ rất ít hồ được xây dựng mới  những năm gần đây. Trong đó có một số hồ chứa nước lớn đã được xây dựng từ khá lâu Núi Cốc; Gò Miếu; Bảo Linh; Quán Chẽ; Nước Hai... Trải qua hơn 40 năm vận hành khai thác, nhiều công trình đã bị xuống cấp nghiêm trọng, các hạng mục của công trình hầu như đã bị xuống cấp, hư hỏng, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn vào mùa mưa lũ.

 

Cụ thể, ở nhiều hồ như Hố Chuối (Đồng Hỷ), Nà Tấc (Định Hóa), Cây Si (T.P Thái Nguyên), Suối Lạnh (Phổ Yên)... hạng mục đập đất hầu hết bị xói mòn mặt và thân đập, mái thượng lưu chủ yếu là mái đất hoặc lát đá khan đều đã bị lún sụt không còn ổn định, bộ phận thoát nước hạ lưu tắc, hiện tượng rò rỉ thấm nước qua thân đập đất ngày càng tăng. Có nhiều hồ, nước thấm qua thân đập tạo thành dòng chảy tập trung ở mái hạ lưu gây sạt lở mái và có nguy cơ làm mất an toàn cho đập. Hạng mục tràn xả lũ của các hồ được xây dựng từ trước năm 2000, năng lực xả lũ không còn phù hợp, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, do rừng đầu nguồn bị tàn phá, mưa lũ trên lưu vực tập trung về hồ nhanh hơn, nhiều hơn, nguy cơ mất an toàn của hồ, đập trong mùa mưa là rất lớn. Hạng mục cống lấy nước được xây dựng theo công nghệ đơn giản trước đây bằng kết cấu bê tông cốt thép đổ tại chỗ hoặc lắp ghép bằng ống cống (cống lấy nước kiểu bậc thang, kiểu van phẳng, van chóp...) vận hành khó khăn thường hay bị kẹt hoặc đóng không kín nước. Đặc biệt là các công trình hồ chứa nhỏ đang bị xuống cấp khi cống lấy nước bị hư hỏng, tràn đất xả lũ không đảm bảo an toàn do khẩu độ thoát lũ nhỏ, cửa tràn đất chưa được kiên cố, công trình không có đường cứu hộ, cứu nạn phục vụ ứng cứu...

 

Để bảo vệ các hồ lớn nhỏ của tỉnh, những năm gần đây, được sự quan tâm của Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương, tỉnh ta đã duy tu, bảo dưỡng, tu bổ nâng cấp nhiều công trình thủy lợi như các hồ Núi Cốc, Gò Miếu, Suối Lạnh, Quán Chẽ, Trại Gạo, Phú Xuyên, Phượng Hoàng.... Tuy nhiên do nguồn kinh phí có hạn nên tỉnh không thể đầu tư đồng bộ cho các hệ thống công trình thủy lợi, một số hồ chứa, đập dâng, kênh mương chưa được đầu tư kinh phí để duy tu sửa chữa. Giai đoạn 2015-2016, các hồ Núi Cốc (T.P Thái Nguyên); Gò Miếu, Khuôn Nanh, Đầm Chiếu (Đại Từ); Nà Kháo (Võ Nhai) với các hạng mục đập đất, cống lấy nước, tràn xả lũ đang cần được sửa chữa. Giai đoạn tiếp theo 2017-2018, 2019-2020 có 6 công trình hồ lớn khác trên địa bàn cần phải sửa chữa...

 

Do đó, để bảo vệ các hồ lớn, nhỏ trong tỉnh, Thái Nguyên đang có nhiều việc phải làm. Trong đó, việc đầu tiên là tỉnh phải có những cán bộ, công nhân quản lý, vận hành tốt các hồ chứa, nhằm nâng cao tuổi thọ cho công trình. Để làm được việc này, thời gian tới, tỉnh sẽ đào tạo nâng cao năng lực cán bộ quản lý, công nhân vận hành hồ chứa và kế hoạch thực hiện hàng năm ở địa phương. Theo đó, nhu cầu đào tạo cán bộ quản lý, công nhân vận hành đến năm 2020 là 960 người. Trong năm 2015, Sở Nông nghiệp và PTNT dự kiến phối hợp với Trường Cao đẳng Thủy lợi Bắc Bộ mở lớp tập huấn cho 195 cán bộ, công nhân vận hành. Ngoài ra, tỉnh sẽ đầu tư, trang thiết bị hệ thống quan trắc các yếu tố khí tượng thủy văn trong lưu vực, hệ thống giám sát, quản lý tự động, hệ thống cảnh báo xả lũ hạ du các hồ chứa lớn; nâng cấp, duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa các công trình hồ một cách đồng bộ...

 

Tuy nhiên, để thực hiện được các nhiệm vụ nêu trên, bên cạnh sự nỗ lực của các cấp, ngành trong tỉnh, Thái Nguyên rất cần sự hỗ trợ kinh phí từ các bộ, ngành Trung ương, nhất là sự quan tâm của Bộ Nông nghiệp và PTNT, Tổng cục Thủy lợi...