Sần 5 năm đi vào hoạt động (từ năm 2010 đến nay), Quỹ hỗ trợ phát triển Hợp tác xã (HTX) thuộc Liên minh HTX tỉnh đã mang lại những hiệu quả thiết thực.
Nguồn vốn ưu đãi này đã giúp các HTX từng bước tháo gỡ khó khăn, vươn lên phát triển sản xuất, kinh doanh, từ đó nâng cao thu nhập, góp phần ổn định đời sống cho các xã viên và người lao động.
Thành lập và đi vào hoạt động năm 2009, khi ấy, HTX Chế biến lâm sản và Dịch vụ thương mại Phấn Mễ, xã Phấn Mễ (Phú Lương) gặp nhiều khó khăn, trong đó khó khăn lớn nhất là thiếu vốn để mua nguyên liệu và đầu tư trang thiết bị phục vụ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh. Trước tình hình đó, Ban chủ nhiệm HTX đã phải lần lượt “gõ cửa” các ngân hàng thương mại. Tuy nhiên, do không có tài sản thế chấp nên HTX không được vay vốn, HTX có nguy cơ phải giải thể. Thời điểm đó, Quỹ hỗ trợ phát triển HTX Chế biến lâm sản và Dịch vụ thương mại Phấn Mễ ra đời. Tháng 6-2010, HTX được vay 300 triệu đồng để đầu tư xây dựng nhà xưởng rộng gần 1.000m2 và mua sắm một số máy móc hiện đại như: Máy cưa CD nằm, máy cưa đứng, máy bào cuốn… Nhờ đó, HTX dần đi vào sản xuất ổn định và tạo dựng được thương hiệu trên thị trường. Chỉ sau 24 tháng, HTX đã hoàn trả lại số vốn vay và tiếp tục làm đơn xin vay thêm vốn để mở rộng sản xuất.
Theo ông Nguyễn Văn Hà, Giám đốc HTX Chế biến lâm sản và Dịch vụ thương mại Phấn Mễ: Nguồn vốn vay ưu đãi của Quỹ hỗ trợ phát triển HTX đã giúp chúng tôi vượt qua giai đoạn khó khăn nhất. Hiện nay, HTX không những hoạt động ổn định trong lĩnh vực chế biến lâm sản mà còn mở rộng hoạt động sang lĩnh vực xây dựng. Doanh thu năm 2014 của HTX đạt gần 5 tỷ đồng/năm (tăng gần 50 lần so với khi mới thành lập). Nhờ sản xuất ổn định và kinh doanh có lãi nên HTX đã tạo việc làm thường xuyên cho hơn 10 xã viên với thu nhập bình quân trên 6,5 triệu đồng/người/tháng.
HTX Chè Minh Thu, xóm Hồng Thái II, xã Tân Cương (T.P Thái Nguyên) cũng là một trong những HTX được tiếp cận và sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay từ Quỹ hỗ trợ phát triển HTX. Mặc dù mới thành lập vào năm 2012 nhưng HTX đã tạo dựng được thương hiệu của mình với sản phẩm chè an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP. Tuy nhiên, gần đây, do nhu cầu mở rộng thị trường nên HTX gặp khó khăn về vốn. Trước tình hình đó, đầu năm 2013, HTX được vay 200 triệu đồng từ Quỹ hỗ trợ phát triển HTX tỉnh. Bà Nguyễn Thị Thu, Giám đốc HTX Chè Minh Thu cho biết: Với 200 triệu đồng được vay, HTX đã đầu tư mở rộng vùng nguyên liệu, đồng thời cải tạo, thay thế các vườn chè già cỗi bằng những giống chè mới như: LDP1, LDP2, Bát Tiên, Phúc Vân Tiên, Ngọc Thuý… Nhờ vậy, năng suất, sản lượng cũng như chất lượng chè của HTX không ngừng được nâng lên. Nếu như năm 2012, mỗi tháng HTX chỉ sản xuất được 7-8 tạ chè khô/tháng thì nay sản lượng chè khô của HTX đã tăng lên 2 tấn/tháng. Thị trường tiêu thụ không chỉ bó hẹp trong tỉnh mà còn mở rộng ra hơn 10 tỉnh, thành trong cả nước như: Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định, Thanh Hóa… Doanh thu năm 2014 của HTX đạt hơn 3 tỷ đồng (cao gấp 10 lần so với năm đầu mới thành lập), thu nhập của xã viên theo đó cũng tăng lên đáng kể.
Toàn tỉnh hiện có 359 HTX và 770 tổ hợp tác với trên 46.000 thành viên và người lao động hoạt động chủ yếu ở các lĩnh vực: Nông nghiệp; công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp; xây dựng; vận tải, thương mại và dịch vụ… Qua đánh giá cho thấy, hoạt động của các HTX và tổ hợp tác đã góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đặc biệt là trong khu vực nông thôn, đóng góp không nhỏ vào chương trình xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên, thời gian qua, trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế, hoạt động của các HTX cũng gặp không ít khó khăn. Trong đó, thiếu vốn để ổn định, mở rộng, phát triển sản xuất kinh doanh được xem là nguyên nhân cơ bản nhất. Trong điều kiện khó khăn đó, sự ra đời và hoạt động hiệu quả của Quỹ hỗ trợ và phát triển HTX được xem như “phao cứu sinh” của khu vực kinh tế tập thể. Đây không chỉ là nguồn hỗ trợ quan trọng để các HTX phát triển, tăng thêm nguồn lực tài chính, đầu tư mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ… mà còn là tiền đề quan trọng để các HTX có thêm điều kiện đầu tư vào những dự án mang tính đột phá hướng về nông nghiệp, nông thôn, áp dụng những tiến bộ và chuyển giao công nghệ phù hợp.
Từ khi đi vào hoạt động đến nay, Quỹ đã ký kết hợp đồng cho 164 lượt khách hàng là các HTX, tổ hợp tác và xã viên vay vốn, với tổng doanh số cho vay là 42,11 tỷ đồng. Riêng năm 2014, Quỹ đã thẩm định và giải ngân 12,08 tỷ đồng vốn vay ưu đãi cho 47 khách hàng. Nguồn vốn này được tập trung chủ yếu để phát triển các ngành nghề như: Trồng trọt; chế biến và kinh doanh chè, nấm; chăn nuôi gia súc, gia cầm; chế biến lâm sản; công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp; vận tải; xây dựng… Trong đó, tổng nguồn vốn cho vay đối với khu vực nông nghiệp, nông thôn chiếm 80,78%. Nhìn chung, các HTX đều sử dụng nguồn vốn vay ưu đãi đúng mục đích, góp phần cải thiện đáng kể hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh. Thống kê cho thấy, các HTX sau khi được vay vốn đã tăng doanh thu trung bình 45,7%, lợi nhuận tăng bình quân 20,5% qua các năm, giải quyết việc làm thêm khoảng 35% với mức thu nhập tăng cao hơn trên 10%, nộp ngân sách nhà nước tăng 15,6%... Một số HTX có doanh thu tăng cao điển hình như: HTX Vận tải ô tô Tân Phú (T.P Thái Nguyên); HTX Chè Tân Hương (T.P Thái Nguyên); HTX Vận tải Chuyên Đức (Định Hóa); HTX Dịch vụ Kinh doanh Cổ Lũng (Phú Lương); HTX Miến Việt Cường (Đồng Hỷ)…
Bà Vũ Thị Thu Hương, Giám đốc Quỹ hỗ trợ phát triển HTX tỉnh cho biết: Năm 2015, Quỹ được cấp bổ sung 5 tỷ đồng nâng tổng số vốn điều lệ lên 17,360 tỷ đồng. Thời gian tới, để tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động của Quỹ, Hội đồng quản lý Quỹ, Liên minh HTX tỉnh sẽ đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn các HTX làm thủ tục tiếp cận nguồn vốn vay. Bên cạnh đó, Liên minh HTX tỉnh tiếp tục phối hợp với các cấp ngành, tổ chức các lớp tập huấn về quy trình, thủ tục cũng như phương án quản lý và sử dụng nguồn vốn vay ưu đãi có hiệu quả.
Có thể thấy rằng, nguồn vốn vay ưu đãi của Quỹ hỗ trợ phát triển HTX đã mang lại hiệu quả rõ rệt cả về mặt kinh tế và xã hội, giúp cho nhiều HTX duy trì, mở rộng sản xuất kinh doanh, đổi mới công nghệ, tạo việc làm cho hàng chục nghìn lao động địa phương. Tuy nhiên, qua tìm hiểu, hầu hết các HTX đều mong muốn được gia hạn thêm thời gian cho vay và nâng hạn mức cho vay cao hơn để có thể phát huy được nội lực của mình, giúp phát triển thành phần kinh tế tập thể ngày càng bền vững.