Chợ truyền thống

11:11, 01/04/2015

Chợ truyền thống luôn chứa đựng những giá trị văn hóa, lịch sử, du lịch khó có thể tách rời, gắn với các thói quen, tập quán và đáp ứng nhu cầu mua sắm của dân cư; là kênh chủ lực tiêu thụ hàng hóa và tạo công ăn việc làm cho hàng ngàn lao động với nghề truyền thống địa phương.

Những năm gần đây, cùng với hội nhập và phát triển kinh tế, việc mua bán hàng hóa của người dân được thực hiện qua nhiều kênh khác nhau. Các kênh mua bán hàng hóa hết sức đa dạng, từ chợ truyền thống đến các siêu thị, trung tâm thương mại, các chợ điện tử (mua qua mạng internet, truyền hình, điện thoại…). Và như vậy, ngoài chợ truyền thống, người dân có nhiều lựa chọn hơn cho nhu cầu mua sắm của mình. Đây là xu hướng phát triển khách quan và tích cực trong bối cảnh phát triển kinh tế - xã hội chung. Tuy nhiên, chợ truyền thống vẫn đã và đang đóng vai trò hết sức quan trọng trong hệ thống phân phối, tiêu thụ hàng hóa.

 

Việc mua sắm qua nhiều kênh như vậy sẽ tạo hiệu ứng tích cực, làm tăng tính cạnh tranh giữa các nhà phân phối. Người tiêu dùng sẽ lựa chọn mua sắm ở những kênh bán hàng có nhiều ưu điểm hơn, đáp ứng tốt hơn yêu cầu của họ. Từ đó tạo ra yêu cầu buộc các nhà phân phối, bán hàng không ngừng đổi mới phương thức kinh doanh, nâng cao tiện ích và phục vụ tốt hơn nhu cầu của người tiêu dùng.

 

Theo Bộ Công thương, năm 2014, cả nước có 8.546 chợ truyền thống, trong đó: Chợ hạng I chiếm 2,89%, chợ hạng II chiếm 10,83% và chợ hạng III chiếm 86,28%; với khoảng 97% số chợ hoạt động có hiệu quả, đảm nhận trung bình hơn 40% lượng hàng hóa được mua bán, lưu thông toàn quốc; riêng đối với khu vực nông thôn ước tính hơn 90%. Đối với Thái Nguyên, đã Quy hoạch phát triển mạng lưới chợ đến năm 2020 với 169 chợ, trong đó có 01 chợ vùng Việt Bắc, 5 chợ loại I; 20 chợ loại II và 143 chợ loại III; đảm bảo cho 60-70% số thương nhân cá thể và các thành phần kinh tế kinh doanh trong chợ.

Theo ước tính, hiện nay lượng hàng hóa được mua bán, lưu thông qua hệ thống chợ truyền thống trên địa bàn cả nước ta vào khoảng trên 40%, tỷ lệ này đối với khu vực nông thôn còn cao hơn nhiều, ước tính khoảng trên 90%. Trên địa bàn tỉnh, cùng với quy hoạch xây dựng nông thôn mới, mạng lưới chợ truyền thống cũng đã được quy hoạch và triển khai thực hiện. Các chợ truyền thống chủ yếu là chợ hạng III, nằm trong khu vực nông thôn.

 

Thông qua chợ truyền thống, thói quen, tập quán mua bán hàng hóa của người dân được duy trì; tính ổn định và thuận tiện trong phục vụ nhu cầu mua sắm của dân cư trong khu vực cơ bản được khẳng định; khả năng thâm nhập, tiếp cận sâu tới người tiêu dùng là rất cao. Với một hệ thống chợ truyền thống mà qua đó hơn 90% lưu lượng hàng hóa được thực hiện mua bán ổn định thường xuyên sẽ là thuận lợi hết sức căn bản trong việc tổ chức triển khai các chương trình đưa hàng Việt về nông thôn.

 

Song, hệ thống chợ truyền thống nói chung, đặc biệt là ở khu vực nông thôn còn nhiều hạn chế về cơ sở vật chất kỹ thuật. Khả năng bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, phòng chống cháy nổ... ở nhiều chợ chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu đặt ra. Từ đó đặt ra yêu cầu cần thiết phải đầu tư cải tạo, nâng cấp hoặc xây mới các chợ, bảo đảm điều kiện tốt hơn cho hoạt động kinh doanh. Nhưng không có nghĩa là sẽ chuyển đổi tất cả các chợ truyền thống thành các siêu thị, trung tâm thương mại mà phải xem xét, đánh giá rất cụ thể đối với từng trường hợp cụ thể. Có những chợ truyền thống nếu được chuyển đổi sẽ hoạt động, phục vụ tốt hơn nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng, nhưng cũng sẽ có những chợ chỉ nên cải tạo, nâng cấp và giữ nguyên chức năng là chợ truyền thống vốn có thì sẽ hiệu quả hơn.

 

Hiện, tỉnh ta cũng đã xây dựng và ban hành nhiều cơ chế chính sách để khuyến khích, thu hút, tạo điều kiện thuận lợi cho các thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng và kinh doanh khai thác chợ. Thời gian gần đây, một số chợ truyền thống được chuyển đổi, nâng cấp nhưng khai thác chưa hiệu quả, tạo nên những phản ứng và dư luận xã hội chưa đồng tình, đặc biệt là từ phía các hộ kinh doanh. Thiết nghĩ xu hướng cải tạo, nâng cấp, xây dựng mới hoặc chuyển đổi mô hình hoạt động của các chợ là một xu hướng khách quan và cần thiết trong quá trình phát triển thương mại nói riêng và phát triển kinh tế - xã hội nói chung. Tuy nhiên, việc chuyển đổi cần phải có sự tham mưu của các cấp quản lý về thương mại cùng với chính quyền sở tại, đánh giá kỹ các khâu trước khi tiến hành thay đổi, xây dựng phương án phù hợp; đồng thời, cần có sự tham vấn của bà con một cách công khai, dân chủ ngay từ đầu thì quá trình chuyển đổi hoặc thay đổi sẽ tạo được sự đồng thuận cao trong xã hội.

 

Và vấn đề ở đây không phải là chủ trương chuyển đổi mô hình hoạt động của một số chợ truyền thống mà là sẽ chuyển đổi đối với chợ nào, cách thức xây dựng phương án và tiến hành thực hiện việc chuyển đổi ra sao mới là điều cần được lưu ý để có những đổi mới, cải tiến hợp với ý Đảng, lòng dân.