Dấu ấn công nghiệp Đại Từ

18:36, 18/04/2015

Những năm qua, được sự quan tâm của các cấp chính quyền, ngành công nghiệp huyện Đại Từ đã có sự phát triển bứt phá, giá trị sản xuất công nghiệp - Tiểu thủ công nghiệp của huyện tăng bình quân 52,19%/năm, vượt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện khoá XXII (nhiệm kỳ 2010-2015) hơn 32%.

Có thể thấy khá rõ sự tăng trưởng của ngành công nghiệp Đại Từ qua một vài con số. Nếu như năm 2013, giá trị sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp (CN-TTCN) đạt 1.650 tỷ đồng (theo giá cố định 2010) thì năm 2014 đã đạt 3.514 tỷ đồng. Trong đó, giá trị tăng trưởng tập trung ở lĩnh vực công nghiệp địa phương với mức tăng từ 950 tỷ đồng năm 2013 lên 2.944 tỷ đồng năm 2014. Theo các nhà chuyên môn, giá trị công nghiệp địa phương của huyện Đại Từ tăng cao là do có sự đóng góp của Công ty TNHH Khai thác và Chế biến khoáng sản Núi Pháo sau khi đi vào hoạt động. Thời gian qua, Công ty đã nâng công suất khai thác, tập trung chế biến sâu quặng đa kim. Năm 2014, nhóm sản phẩm quặng đa kim trên địa bàn tỉnh có giá trị xuất khẩu ước tính là 90 triệu USD thì trong đó có tới trên 90% là do Công ty TNHH Khai thác Chế biến khoáng sản Núi Pháo đóng góp.

 

Bên cạnh đó, huyện Đại Từ cũng nỗ lực giải phóng mặt bằng, phát triển các cụm công nghiệp. Trong đó, Cụm công nghiệp An Khánh 1 gồm Nhà máy Xi măng Quán Triều đã hoạt động ổn định, Nhà máy Nhiệt điện An Khánh đã hoàn thành công tác xây dựng và chuẩn bị đi vào hoạt động; Cụm công nghiệp Phú Lạc được điều chỉnh về xã Tiên Hội đã có Nhà máy May TNG Đại Từ đi vào hoạt động từ tháng 2-2015. Theo đại diện chủ đầu tư Nhà máy - Công ty Cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG thì dự kiến công suất của Nhà máy là 1 triệu sản phẩm/năm với kim ngạch xuất khẩu 12 triệu USD/năm và doanh thu tiêu thụ 250 tỷ đồng/năm. Nhà máy cũng thu hút và tạo việc làm cho hơn 1.000 lao động. Hiện nay, Nhà máy đang hoạt động tốt, đảm bảo kế hoạch như dự kiến.

 

Ngoài ra, hoạt động sản xuất TTCN địa phương trên địa bàn huyện Đại Từ có sự chuyển biến tích cực, số lượng cơ sở tăng từ 2.028 cơ sở (năm 2011) lên 2.530 cơ sở (năm 2015) với ngành nghề sản xuất khá đa dạng và giải quyết việc làm cho khoảng 5.000 lao động địa phương với thu nhập bình quân 3 triệu đồng/tháng. Trong đó, một số nghề TTCN phát triển khá như: Chế biến lâm sản, đồ mộc, nội thất cũng như sơ chế sản phẩm lâm sản phục vụ xuất khẩu tăng trưởng bình quân 99%/năm, gia công cơ khí 22,7%/năm, chế biến chè khô 11%/năm. Hiện nay, ngành nghề mang lại giá trị sản xuất cao nhất đó là chế biến đồ mộc, nội thất cũng như sơ chế sản phẩm phục vụ xuất khẩu các sản phẩm từ gỗ rừng trồng. Tính đến năm 2014, toàn huyện có 190 cơ sở chế biến lâm sản, giải quyết việc làm cho trên 2.000 lao động. Ông Lưu Văn Toán, Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Đại Từ cho biết: Thời gian qua, các cơ sở chế biến lâm sản trên địa bàn huyện đã quan tâm đầu tư đổi mới dây chuyền công nghệ hiện đại để tăng năng suất, giảm bớt chi phí cũng như thời gian phục vụ sản xuất. Hiện nay, mỗi dây chuyền chế biến lâm sản thu lãi bình quân khoảng 500 triệu đồng/năm, tạo việc làm cho 7 đến 16 lao động với thu nhập từ 3 đến 3,5 triệu đồng/người/tháng.

 

Các đơn vị chuyên môn đánh giá, để có kết quả khả quan trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp, bên cạnh sự nỗ lực của các doanh nghiệp, còn do có sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của các cấp chính quyền, đặc biệt là Huyện uỷ, HĐND, UBND huyện Đại Từ. Huyện uỷ đã ra Nghị quyết chuyên đề, UBND huyện đã ban hành các quyết định về việc tạo điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh. Những năm qua, huyện quan tâm thực hiện tốt công tác giải phóng mặt bằng, thu hút đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng, cải cách thủ tục hành chính tạo thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển. Từ năm 2011 đến nay, huyện đã kêu gọi đầu tư thực hiện 14 đề án khuyến công với các hoạt động hỗ trợ dây truyền ứng dụng khoa học công nghệ, đào tạo tay nghề cho lao động; huy động lồng ghép các nguồn lực đầu tư kiên cố 118km đường trục xã, liên xã, 224km đường bê tông nông thôn, xây mới 3 trạm biến áp, 123,76km đường dây hạ thế 0,4KV và nhiều hạng mục khác với tổng kinh phí gần 2.395 tỷ đồng.

 

Năm 2015 là một năm hứa hẹn nhiều thuận lợi đối với việc phát triển CN-TTCN huyện Đại Từ. Nhà máy May TNG Đại Từ đi vào hoạt động ổn định và Nhà máy Nhiệt điện An Khánh bắt đầu sản xuất, phát điện thương mại sẽ đóng góp khá lớn vào giá trị sản xuất CN-TTCN trên địa bàn huyện. Để nâng cao giá trị sản xuất CN-TTCN trên địa bàn, huyện Đại Từ đang tiếp tục khuyến khích, tạo môi trường thuận lợi cho mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển, cải tiến công nghệ nâng cao giá trị hàng hóa phục vụ cho sản xuất, tiêu dùng và xuất khẩu; tập trung rà soát các cơ sở tiểu thủ công nghiệp hiện có; tăng cường đầu tư hỗ trợ về vốn, ứng dụng khoa học công nghệ để nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường; trên cơ sở khai thác tiềm năng của huyện, tập trung phát triển công nghiệp chế biến nông lâm sản, khoáng sản, công nghiệp điện, sản xuất vật liệu xây dựng (gạch không nung, sản xuất vật liệu siêu nhẹ), phát triển ngành nghề, làng nghề gắn với phat triển thương mại và dịch vụ du lịch Trong cuộc họp gần đây, đồng chí Nguyễn Hải Đường, Chủ tịch UBND huyện Đại Từ đã nhấn mạnh: Thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục thực hiện tốt các cơ chế, chính sách về đất đai, giải phóng mặt bằng, nguồn nhân lực để thu hút đầu tư, phát huy hiệu quả các cụm công nghiệp; đồng thời, tăng cường đầu tư vốn, khoa học công nghệ, nâng cao chất lượng lao động, mặt bằng sản xuất để phát triển mạnh các ngành kỹ thuật theo hướng đổi mới công nghệ, mở rộng quy mô sản xuất, đa dạng và nâng cao chất lượng sản phẩm.