Xác định việc phát triển kinh tế là vấn đề trọng tâm, những năm qua, Hội Phụ nữ thị trấn Ba Hàng (Phổ Yên) đã chú trọng đẩy mạnh hỗ trợ hội viên về kiến thức, vốn, kinh nghiệm làm ăn nhằm giúp chị em thoát nghèo, vươn lên làm giàu…
Hội phụ nữ thị trấn Ba Hàng hiện có 1.360 hội viên, sinh hoạt ở 10 chi hội. Là trung tâm của huyện Phổ Yên, kinh tế ở đây bao gồm nhiều thành phần: Nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ. Nhất là trong vài năm trở lại đây, ngành công nghiệp ở huyện phát triển mạnh mẽ, một diện tích lớn đất nông nghiệp đã dành cho thực hiện các dự án, nên nhiều chị em đã chuyển đổi từ làm nông nghiệp sang dịch vụ. Tuy nhiên, do chưa có kinh nghiệm, chưa nhanh nhạy nắm bắt thị trường nên hiệu quả hoạt động kinh doanh chưa cao. Để hỗ trợ hội viên giảm nghèo, phát triển kinh tế một cách hiệu quả, ngay từ đầu năm, các chi hội đã tiến hành khảo sát hộ nghèo do phụ nữ làm chủ, tìm nguyên nhân để có giải pháp giúp đỡ. Kết quả khảo sát năm 2013, toàn thị trấn còn 68 hộ do phụ nữ làm chủ thuộc diện nghèo. Qua tìm hiểu nguyên nhân, Ban Thường vụ Hội LHPN thị trấn nhận thấy chủ yếu là do thiếu kiến thức, sức khỏe yếu và phổ biến là thiếu vốn đầu tư sản xuất. Từ đó, Hội đã chủ động phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội tập huấn 1 lớp quản lý đổi sổ sách và cách ghi chép sổ sách, đồng thời hướng dẫn nghiệp vụ tín dụng cho 8 tổ trưởng tổ vay vốn, tổ chức 2 lớp sử dụng vốn vay đúng mục đích cho 99 lượt hộ vay vốn. Tổng nguồn vốn năm 2014 là gần 3 tỷ đồng cho 99 hộ vay.
Chị Vũ Thị Ngọc Lan, Chủ tịch Hội LHPN thị trấn cho biết: Ngoài nguồn vốn tín chấp, LHPN thị trấn còn sử dụng nguồn quỹ hội cho hội viên vay đầu tư phát triển sản xuất. Với tổng số tiền trên 174 triệu đồng, trong năm qua đã cho 20 chị vay. Đặc biệt, nhằm phát huy tối đa nguồn nội lực, Hội đã vận động chị em giúp nhau bằng tiền thông qua việc thành lập các tổ tiết kiệm. Hiện nay 10/10 chi hội có tổ tiết kiệm với gần 1.300 hội viên tham gia, tổng số tiền huy động được là trên 300 triệu đồng, giúp cho 35 chị vay để phát triển kinh tế.
Từ nguồn vốn vay này, nhiều chị đã sử dụng có hiệu quả đưa kinh tế gia đình ngày càng đi lên. Gia đình chị Cù Thị Oanh, Chi hội Tiểu khu 4 là một ví dụ. Gia đình chị Oanh trước là hộ nghèo, mới ra ở riêng, đất đai không có, chồng chị sức khỏe lại yếu nên cuộc sống khó khăn đủ bề. Chị cho biết: Dù biết nghề may nhưng do không có tiền mua máy nên tôi không có điều kiện mở tiệm may, chỉ chăn con lợn, con gà để duy trì cuộc sống. Đến năm 2011, tôi được Chi hội phụ nữ cho vay 30 triệu đồng. Từ số tiền này, tôi đã mua máy khâu và một số đồ dùng mở tiệm may tại chợ Ba Hàng. Nhờ đó, đời sống mới khá dần lên, năm 2013 gia đình tôi đã thoát nghèo, hiện tôi đã trả hết số tiền vay đồng thời chăm lo tốt cho con cái và mua sắm tiện nghi sinh hoạt phục vụ cuộc sống.
Ngoài trường hợp chị Cù Thị Oanh, Tổ tiết kiệm Chi hội Tiểu khu 4, đã giúp đỡ nhiều chị trong Chi hội có vốn phát triển kinh tế. Từ nhiều năm nay, Tổ tiết kiệm đã duy trì hoạt động dưới hình thức nuôi lợn nhựa tiết kiệm. Toàn Chi hội hiện có 94 hội viên thì cả 94 chị tham gia tiết kiệm với số tiền 60.000 đồng/người/năm. Đến nay, số tiền tiết kiệm của Chi hội có trên 40 triệu đồng, hiện đang cho 5 chị vay với mức vay từ 5-15 triệu đồng.
Không chỉ cho chị em vay vốn sản xuất, mà đối với những trường hợp có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, Hội hỗ trợ không cần hoàn lại. Trong năm 2014, Hội đã hỗ trợ 2 trường hợp không hoàn lại giúp chị em vượt qua lúc khó khăn. Trong đó có trường hợp chị Nguyễn Thị Tài, sinh năm 1967 ở Chi hội Thành lập. Chị Tài có hoàn cảnh rất éo le, chồng mất sớm, một mình nuôi dạy 3 con, gia đình thuộc diện nghèo, bản thân lại bị ung thư, không có khả năng làm kinh tế nên không có tiền đi Bệnh viện điều trị. Để động viên và hỗ trợ chị Tài chữa bệnh, Hội đã đến thăm hỏi và trao số tiền 6,3 triệu đồng. Nhờ vậy, chị Tài đã được điều trị, sức khỏe đã ổn định.
Bên cạnh việc giải quyết được vấn đề về vốn sản xuất cho hội viên, nhằm hỗ trợ chị em về kiến thức, kinh nghiệm làm kinh tế, Hội LHPN thị trấn Ba Hàng còn tổ chức các lớp tập huấn khoa học kỹ thuật về chăn nuôi, trồng trọt và đặc biệt là tập huấn kiến thức cho các doanh nghiệp nữ tại địa phương. Ở địa phương hiện có trên 100 hội viên phụ nữ làm nghề kinh doanh. Nhằm giúp chị em kinh doanh đạt hiệu quả, Hội đã thành lập 4 câu lạc bộ nữ doanh nhân với trên 100 thành viên tham gia, các câu lạc bộ tổ chức sinh hoạt định kỳ 1 tháng/lần để trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm trong hoạt động kinh doanh. Cùng với đó, Hội cũng tạo điều kiện cho các thành viên tham gia các lớp tập huấn về hoạt động kinh doanh.
Để tạo động lực cho chị em cố gắng phát triển kinh tế gia đình, Hội còn phát động phong trào làm kinh tế giỏi trong các chi hội. Năm 2014 có 25 hộ đạt chuẩn gia đình làm kinh tế giỏi, với mức bình quân thu nhập từ 50-300 triệu đồng/hộ/năm sau khi đã trừ chi phí. Điển hình là hộ: Nguyễn Thị Thái ở Chi hội Yên Ninh, Đặng Thị Sự, Nguyễn Thị Hòa và chị Nguyễn Thị Xuân ở Chi hội Thành lập…
Có Hội LHPN làm điểm tựa, chị em có thêm động lực, niềm tin và điều kiện lao động sản xuất, phát triển kinh tế, nâng cao đời sống. Nhiều chị đã thoát nghèo bền vững vươn lên làm giàu. Hiện nay, toàn thị trấn còn 41 hộ do phụ nữ làm chủ thuộc diện nghèo, giảm 12 hộ so với năm ngoái. Hội phấn đấu, đến hết năm 2015, sẽ có khoảng 20 hộ thoát nghèo.