Lấy lại đà tăng trưởng trong xuất khẩu

18:45, 13/04/2015

Như thông tin chúng tôi đã đưa, kim ngạch xuất khẩu (KNXK) của cả nước trong quý I năm nay đạt 35,67 tỷ USD, chỉ tăng 6,9% so với cùng kỳ năm trước.

Theo nhận định của nhiều chuyên gia kinh tế, đây là mức tăng trưởng thấp hơn hẳn so với cùng kỳ của những năm gần đây (cùng kỳ năm 2013 tăng 17,6% và cùng kỳ năm 2014 tăng 14,1%). Từ đó cần phân tích, xác định rõ nguyên nhân cũng như tìm cách khắc phục để đẩy mạnh hoạt động XK, lấy lại đà tăng trưởng cho lĩnh vực được xem là động lực của nền kinh tế.

 

Đánh giá của ngành chuyên môn cho thấy, trước hết, nguyên nhân gây ra tốc độ tăng trưởng XK thấp là do thời gian nghỉ Tết vừa qua kéo dài, dẫn đến nhiều doanh nghiệp (DN) tiết giảm công suất sản xuất và XK hàng hóa so với các thời điểm khác trong năm (đây là tồn tại cố hữu trong tập quán của các DN trong nước). Tiếp theo, KNXK của nhóm hàng nông, thủy sản giảm 13,2% so với cùng kỳ năm trước, mà nguyên nhân chủ yếu là do gạo và cà phê (là hai mặt hàng nông sản chủ lực) đều giảm cả về khối lượng và chịu rủi ro về việc giảm giá bán trên thị trường quốc tế.

 

Song, bức tranh XK của cả nước trong quý I vừa qua cũng không hẳn hoàn toàn tối màu khi vẫn xuất hiện một vài điểm sáng. Đó là việc cơ cấu hàng XK đang tiếp tục xu hướng chuyển dịch một cách hợp lý, theo đúng định hướng của Chính phủ nhằm từng bước thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước trên cơ sở tăng tỷ trọng hàng XK thuộc lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, kết hợp giảm dần tỷ trọng nhóm hàng nông, thủy sản và khoáng sản. Đây là định hướng quan trọng, mang tính thay đổi về chất trong bối cảnh nhiều loại hàng nông, thủy sản đang được khai thác đến ngưỡng, cũng như nền kinh tế đứng trước nhu cầu cần tiết kiệm các nguồn tài nguyên, khoáng sản để phục vụ mục tiêu sử dụng lâu dài. Trong thực tế, nhóm hàng XK thuộc ngành công nghiệp chế biến đã chiếm gần 79% tổng KNXK trong quý I năm nay và tăng 15,8% so với cùng kỳ năm trước. Đây là kết quả đáng ghi nhận của nền kinh tế, với sự xuất hiện của 10 sản phẩm hiện đã đạt KNXK trên 1 tỷ USD (như: Máy vi tính, điện thoại, máy móc - thiết bị, gỗ và sản phẩm gỗ…). Điều này cũng cho thấy nền kinh tế đang vận hành suôn sẻ, tập trung vào những sản phẩm có giá trị gia tăng và lợi nhuận cao, từ đó cải thiện sức cạnh tranh cũng như hội tụ điều kiện để nước ta hội nhập quốc tế thành công. Đến thời điểm hiện tại, hoạt động sản xuất và XK đã lấy lại đà tăng trưởng, theo xu hướng tăng dần qua các tháng. Nhiều DN đang nỗ lực triển khai kế hoạch XK nhờ có đơn hàng ổn định, trong đó không ít DN còn nhận được nhiều hợp đồng hơn so với cùng kỳ năm trước. Từ thực tế trên, giới chuyên gia nhận định kết quả XK của quý I là chấp nhận được và đang chuẩn bị tăng tốc trong thời gian từ nay đến cuối năm…

 

Về góc độ vĩ mô, Chính phủ đang theo dõi sát sao tình hình, chỉ đạo Bộ Công Thương cũng như các DN nhanh chóng mở rộng thị trường XK thông qua việc chủ động khai thác có hiệu quả những lợi thế trong các hiệp định thương mại, cam kết quốc tế, nhất là từ việc Việt Nam chuẩn bị là thành viên của Cộng đồng kinh tế ASEAN (dự kiến vào cuối năm nay). Các chuyên gia cũng kiến nghị cơ quan quản lý cần nghiên cứu đưa ra các hàng rào kỹ thuật phù hợp để bảo vệ sản xuất trong nước, hỗ trợ DN.

 

Về phía các DN, đại diện Bộ Công Thương cho rằng mỗi đơn vị cần xác định rõ XK luôn là mục tiêu lớn nhất và dài hạn, là yếu tố quyết định của sự tăng trưởng và thu nhập, từ đó triển khai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nhằm đẩy mạnh hoạt động XK (như áp dụng công nghệ sản xuất tiên tiến, nâng cao chất lượng quản trị và kinh doanh, cải thiện chất lượng đội ngũ lao động...). Cùng với đó, các DN cũng cần tự nâng cấp những kỹ năng "mềm" của mình như khả năng nghiên cứu thị trường, thị hiếu tiêu dùng của từng đối tượng khách hàng hoặc khu vực địa lý; các yếu tố tôn giáo, tập quán, thói quen, sức mua của người tiêu dùng; quy định pháp luật và tiêu chuẩn về hàng hóa ở các nước nhập khẩu…

 

Hy vọng, với sự vào cuộc khẩn trương và đồng bộ từ Chính phủ, các bộ, ngành chức năng đến cộng đồng DN, lĩnh vực XK của cả nước sẽ tiếp tục có bước chuyển tích cực, suôn sẻ hơn trong thời gian tới, giữ được vị trí, vai trò là động lực của nền kinh tế trong thời kỳ đẩy mạnh hội nhập quốc tế.