Nguồn vốn chính sách trên quê hương cách mạng

09:37, 17/04/2015

Trong những năm qua, từ nguồn vốn vay của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), hàng nghìn hộ dân trên địa bàn huyện Định Hóa đã có thêm điều kiện để phát triển kinh tế.

Nói như đồng chí Hoàng Văn Sơn, Phó Chủ tịch UBND huyện, nguồn vốn của NHCSXH lâu nay đã trở thành một trong những nguồn lực quan trọng, không thể thiếu trong việc xóa đói giảm nghèo, cũng như trong quá trình xây dựng nông thôn mới của địa phương.

 

Một ngày cuối tháng 3, chúng tôi có dịp đến với huyện vùng cao Định Hóa. Theo như lịch đã hẹn với lãnh đạo Phòng Giao dịch NHCSXH huyện, chúng tôi sẽ có mặt ở xã Bộc Nhiêu, rồi đến Sơn Phú để tìm hiểu về việc sử dụng nguồn vốn vay của một số hộ dân. 8 giờ kém 5 phút, khi chúng tôi vừa cởi được chiếc áo mưa thì cũng là lúc anh Ma Đình Lương, Giám đốc Phòng Giao dịch NHCSXH huyện có mặt. Hình ảnh đồng chí giám đốc một mình trên chiếc xe Dream bị nước mưa tạt ướt hết mặt khiến chúng tôi không khỏi cảm động. Trước đó, tôi vẫn nghĩ người đưa chúng tôi đến các hộ dân sẽ là một đồng chí cán bộ nào đó hoặc nếu có anh Lương thì sẽ đi bằng ô tô. Không để thắc mắc trong lòng, tôi không ngại ngần lên tiếng hỏi:

 

- Sao anh lại đi xe máy và chỉ có một mình?

 

- Cả 2 xe hôm nay đều đi giải ngân ở xã. Một số anh em không đi xã thì đang phải chuẩn bị sổ sách để mai thực hiện giao dịch ở xã theo lịch. Là lãnh đạo thỉnh thoảng cũng phải “vi hành” thì mới biết anh em mình làm ăn thế nào và hiệu quả đồng vốn mình đang quản lý ra sao chứ!

 

Nói rồi, anh giục chúng tôi tranh thủ thời gian để đến được nhiều hộ dân. Ở mỗi gia đình mà chúng tôi dừng chân, anh đều cẩn thận hỏi han những vấn đề có liên quan đến thủ tục, quy trình vay vốn cũng như hiệu quả của việc sử dụng, có gặp phải khó khăn gì không… Anh bảo, ở huyện vùng cao Định Hóa, chiếm tới hơn 60% là người dân tộc thiểu số, trình độ không đồng đều và còn nhiều hạn chế, để người dân sử dụng đồng vốn vay hiệu quả thì việc định hướng, hướng dẫn cùng với đó là kiểm tra, giám sát của các cán bộ ngân hàng là điều không thể lơ là, chủ quan. Cũng chính vì thế, chúng tôi luôn chú trọng phối hợp với cấp ủy, chính quyền và các hội, đoàn thể nhận ủy thác của NHCSXH làm tốt công tác tuyên truyền, vận động để người dân sử dụng nguồn vốn đúng mục đích. Cùng với đó là tăng cường phối hợp với cơ quan chức năng của huyện tổ chức các lớp tập huấn KHKT về chăn nuôi, trồng trọt để giúp người dân biết cách ứng dụng vào thực tế của gia đình, giúp việc sử dụng đồng vốn vay hiệu quả hơn.

 

Hàng năm, NHCSXH huyện đều nghiêm túc thực hiện việc đối chiếu, kiểm tra với các cấp hội, đoàn thể danh sách các hộ vay, khoản vay nhằm kịp thời phát hiện sai sót trong quá trình thực hiện của các tổ tiết kiệm và vay vốn (TT&VV), cũng là để hạn chế tối đa tình trạng xâm tiêu có thể xảy ra. Ngoài ra, chúng tôi cũng đặc biệt quan tâm đến việc nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ TT&VV - cánh tay nối dài của NHCSXH. Chỉ tính riêng trong năm 2014, trong tổng số 476 tổ TT&VV, NHCSXH huyện đã chủ động đề xuất và phối hợp với chính quyền, hội đoàn thể ở cơ sở kiện toàn lại 16 tổ nhằm đưa hoạt động của các tổ mang lại hiệu quả cao hơn. Qua đánh giá cuối năm, 100% các tổ đều đạt từ khá trở lên, trong đó có 193 tổ xếp loại tốt. Trên các mặt công tác khác cũng được Phòng Giao dịch NHCSXH huyện quan tâm thực hiện theo đúng tinh thần chỉ đạo của cấp trên.

 

Với những đặc thù của một huyện vùng cao, để giữ được tỷ lệ nợ xấu ở mức 0,06% như hiện nay là điều không đơn giản, cần sự nỗ lực rất lớn của mỗi cán bộ NHCSXH huyện. Và trong câu chuyện xử lý nợ quá hạn của NHCSXH cũng có nhiều điều thú vị, không giống như ở các ngân hàng thương mại. Chị Mai Thị Cẩm Hoa, Phó Giám đốc Phòng Giao dịch NHCSXH huyện đưa ra một số dẫn chứng cụ thể với chúng tôi: Đó là trường hợp hộ ông Ma Đình Cường, ở xóm Nạ Chía, xã Thanh Định vay vốn học sinh sinh viên 4,9 triệu đồng. Khi chưa đến thời hạn trả nợ, ông Cường đã đi khỏi địa phương để đến nơi khác làm ăn. Số tiền này bắt đầu chuyển nợ quá hạn từ tháng 1-2014. Sau một thời gian tìm hiểu, thông qua anh em họ hàng, cán bộ Ngân hàng Chính sách đã xin được số máy của ông Cường để yêu cầu trả nợ. Ông Cường lúc đó chỉ ậm ừ cho qua và hứa khi nào có sẽ trả. Nhận thấy việc thuyết phục ông Cường khó đi đến kết quả, trong khi biết con trai ông Cường đang là cán bộ nhà nước, sẽ có khả năng thuyết phục hoặc trả nợ thay cho bố nên cán bộ NHCSXH lại tìm đến các mối quan hệ quen biết để xin số điện thoại của người con. Sau khi phân tích, động viên và đưa ra cả những tình huống có thể xảy đối với ông Cường nếu số nợ trên không được trả, thì con trai ông Cường đã nhận lời trả nợ. Và quả nhiên, chỉ sau một thời gian ngắn, số nợ trên đã được ông Cường chuyển trả.

 

Tương tự như trường hợp của ông Cường, ông H, ở thôn 6, xã Phú Tiến vì không có khả năng trả nợ ngân hàng và một số người quen nên đã bỏ đến một nơi khác nhằm trốn tránh việc trả nợ. Số tiền mà ông H vay của NHCSXH là 35 triệu đồng theo chương trình sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn. Từ tháng 7-2013, tên ông H bắt đầu nằm trong danh sách nợ quá hạn. Phải tốn không ít công sức, cán bộ NHCSXH mới có được số điện thoại của ông nhưng ông H không hề có thái độ không hợp tác nên sau đó đã thay số điện thoại. Gọi ông không được, NHCSXH huyện lại hỏi xin số điện thoại của vợ và các con ông để phân tích, nhờ tác động. Cuối cùng, sau nhiều lần thuyết phục, ông và gia đình cũng đã hoàn thành việc trả nợ với ngân hàng vào tháng 12-2014…

 

Tuy nhiên, theo đồng chí Ma Đình Lương có một thực tế hiện nay là nợ quá hạn có dấu hiệu tăng, mà một trong những nguyên nhân chủ yếu là do ý thức của một số người dân chưa cao, có biểu hiện chây ỳ, nhất là ở chương trình vay vốn học sinh sinh viên. Một số hộ lấy lý do con họ ra trường vì chưa xin được việt nên không có tiền để trả. Một khó khăn khác mà NHCSXH huyện cũng đang gặp phải đó là vẫn còn một tỷ lệ không nhỏ hộ cận nghèo, hộ sinh sống ở vùng khó khăn chưa được tiếp cận với nguồn vốn mặc dù nhu cầu của họ chính đáng. Sở dĩ có tình trạng này là do nguồn vốn mà NHCSXH huyện được cấp có hạn… Thực tế này rất cần sự quan tâm vào cuộc có hiệu quả hơn nữa của cấp ủy, chính quyền các cấp trong việc lãnh đạo tổ chức lồng ghép các chương trình, dự án sản xuất kinh doanh, chuyển đổi cơ cấu, lựa chọn cây trồng vật nuôi, ngành nghề, các chương trình chuyển giao KHKT, khuyến nông, khuyến ngư gắn với việc sử dụng vốn tín dụng nhằm hỗ trợ người vay phát huy hiệu quả tối đa đồng vốn vay. Cùng với đó là tiếp tục quan tâm chuyển nguồn vốn từ ngân sách để NHCSXH thực hiện việc cho vay đối với các hộ thuộc đối tượng.

 

Tính đến giữa tháng 4, tổng dư nợ cho vay của Phòng Giao dịch NHCSXH huyện là 305 tỷ đồng, với 13,5 nghìn hộ đang vay, ở 11 chương trình. Trong đó, chương trình cho vay hộ nghèo chiếm tới 40% tổng nguồn vốn. Tiếp đến là cho vay hộ sản xuất kinh doanh vùng khó khăn; học sinh sinh viên; cận nghèo; nhà ở; nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn… Chỉ tính riêng năm 2014, nguồn vốn chính sách đã giúp cho gần 13 nghìn hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng chính sách có vốn để sản xuất, kinh doanh, qua đó góp phần giúp giải quyết việc làm cho 1,8 nghìn lao động; xây được 881 công trình nước sạch và vệ sinh; 2.000 học sinh, sinh viên có điều kiện trang trải chi phí học tập và gần 1,2 nghìn hộ khác có điều kiện vươn lên thoát nghèo. Đồng chí Hoàng Văn Sơn, Phó Chủ tịch UBND, kiêm Trưởng ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH huyện Định Hóa đã đánh giá cao hiệu quả trong hoạt động mà Phòng Giao dịch NHCSXH huyện mang lại trong việc giúp người dân xóa đói giảm nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống, đảm bảo an sinh xã hội. Nếu như đầu nhiệm kỳ (năm 2010), số hộ nghèo của huyện chiếm tới 33,98% thì hết năm 2014, tỷ lệ này giảm còn 18,94%. Kết quả trên có được có sự đóng góp rất tích cực, hiệu quả từ nguồn vốn chính sách. Trong quá trình xây dựng nông thôn mới hiện nay, NHCSXH cũng là một trong những yếu tố không thể thiếu góp phần thực hiện thành công nhiều tiêu chí.