Vừa qua, huyện Đồng Hỷ đã đưa vào sử dụng 4 tuyến đường bê tông với tổng chiều dài 15km lên 4 xóm, bản đồng bào người Mông, nhằm giúp trên 1 nghìn hộ ở lưng chừng núi xuống chợ, đi học… dễ dàng, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Có được thành quả này, ngoài sự đầu tư của Nhà nước cùng công sức của bà con, còn có sự chung tay góp sức của nhiều cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh…
Thỏa niềm mong ước…
Trước đây, đoạn đường 5km dẫn lên đỉnh núi nơi người Mông bản Lân Quan, xã Tân Long (Đồng Hỷ) sinh sống là con dốc ngoằn ngoèo, dựng đứng hiểm trở, lổn nhổn sỏi đá mà ít ai dám lên, xuống khi trời mưa. Nhưng nay, lên bản Lân Quan chúng tôi được đi trên con đường bê tông phẳng phiu, uốn lượn quanh sườn núi. Hỏi về cảm nghĩ của bà con nơi đây khi có đường mới, ông Ngô Văn Kỳ, Trưởng bản Lân Quan cho biết: Chúng tôi rất vui, nhiều năm nay việc đi lại của dân bản quá khổ vì con dốc dài và cao. Ngày nắng còn đỡ, ngày mưa, đường dốc trơn thì phải đi bộ, có khi mất nửa ngày mới về đến nhà. Nhất là đoạn dốc dài 1km nằm giữa hẻm núi dễ bị sạt lở khi trời mưa luôn khiến chúng tôi lo lắng. Như năm 2013, trời mưa to, nước từ trên núi chảy xuống tạo thành dòng chảy mạnh cuốn theo đất đá dội xuống xuống phân trường Lân Quan (thuộc Trường Tiểu học Sa Lung) và phân trường mầm non Tân Long ở dưới chân núi. Thời gian đó, chúng tôi không dám cho con đi học cũng không dám xuống núi. Nhưng giờ đã khác xưa rồi, con dốc ấy đã được hạ bớt độ cao, đổ bê tông chắc chắn, đường về nhà, đi chợ đối với chúng tôi đã hết sức thuận lợi. Hiện tại, bản Lân Quan có 82 hộ người Mông với 334 nhân khẩu trong đó có 47 hộ nghèo (chiếm 57,3%), có được con đường này, chúng tôi sẽ có thêm điều kiện nỗ lực làm ăn để thoát nghèo.
Cũng chung niềm vui, người Mông ở các xóm, bản có đường bê tông mới: Mỏ Ba (xã Tân Long), Khe Cạn và Vân Lăng (xã Văn Lăng) tin tưởng vào một tương lai tươi sáng khi việc đi lại dễ dàng hơn nhiều so với trước. Ông Vương Văn Lầu, Trưởng bản Mỏ Ba cho biết: Không như lúc chưa làm đường, hễ trời mưa con cháu trong bản đều phải nghỉ học vì đường trơn trượt, lầy lội. Giờ xe máy đi được, chúng tôi cũng không phải chờ trời nắng, gù lưng vác từng bao sắn, bao ngô, hoặc con gà, con lợn xuống chợ bán như trước nữa. Anh Hoàng Văn Chàu, bản Khe Cạn thì bày tỏ cảm ơn sự quan tâm của Nhà nước đối với đồng bào Mông: Được Nhà nước cho tiền, dân chúng tôi góp công, làm ngày làm đêm cuối cùng đoạn đường đã xong. Tết vừa qua dân bản có đường đi chợ đỡ khổ rồi… Còn anh Hoàng Văn Tư, xóm Vân Lăng cho biết: Để làm được đoạn đường bê tông lên bản chúng tôi, đơn vị thi công phải nổ mìn, phá đá mới mở được đường rộng 3m. Đoạn đường rộng rãi, bê tông sạch sẽ bấy lâu nay chúng tôi mơ ước nay đã thành hiện thực.
Chung tay vì những con đường lên bản
Chia sẻ cùng chúng tôi về việc xây dựng 4 tuyến đường, đồng chí Nguyễn Văn Thủy, Chủ tịch UBND huyện cho biết: 4 xóm, bản Mông có đường mới đều nằm trên núi cao, nên người dân sản xuất nông nghiệp đã khó, trao đổi hàng hóa lại càng khó. Vì vậy, cái đói, cái nghèo vẫn bám riết người dân từ năm này sang năm khác. Hướng thoát nghèo của đồng bào được gửi gắm trong niềm mong mỏi về một tuyến đường thuận lợi. Đó cũng là điều mà cấp ủy, chính quyền chúng tôi trăn trở lâu nay. Đề án phát triển kinh tế - xã hội, ổn định đời sống cho các xóm, bản đặc biệt khó khăn có nhiều đồng bào dân tộc Mông sinh sống ở tỉnh Thái Nguyên được triển khai trong đó có việc xây dựng 4 tuyến đường lên bản Mông kể trên đã giải quyết những trăn trở bấy lâu nay của chúng tôi. Theo đó, bên cạnh sự đầu tư của Nhà nước, 10 đơn vị trên địa bàn tỉnh cùng chung tay đóng góp kinh phí và giám sát thi công để hoàn thành 15km đường kể trên. Cụ thể, UBND huyện Đồng Hỷ thực hiện 2 tuyến đường, tổng chiều dài 7,5km lên bản Mỏ Ba và Lân Quan (xã Tân Long); UBND huyện Phổ Yên thực hiện tuyến đường dài 1,5km lên bản Khe Cạn (Văn Lăng); Cục Thuế tỉnh, Liên đoàn Lao động tỉnh, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, Báo Thái Nguyên và các Sở: Tài chính, Công Thương, Xây dựng, Khoa học và Công nghệ, Thông tin và Truyền thông thực hiện tuyến đường dài 4km lên xóm Vân Lăng (xã Văn Lăng). Tổng kinh phí của 4 tuyến đường trên 11 tỷ đồng. Để đảm bảo tiến độ đề ra, các đơn vị đều tích cực phối hợp với UBND huyện hoàn thành phần việc của mình. Bên cạnh đó, UBND huyện cũng yêu cầu các đơn vị, nhà thầu phải thi công đảm bảo chất lượng công trình, tập trung máy móc con người để đẩy nhanh tiến độ; đối với những đoạn đường dốc cao, phải san gạt để hạ thấp xuống; với những chỗ nền đường yếu, phải gia cố, lu lèn chặt mới được đổ bê tông... Các tuyến đường đã xong, đảm bảo chất lượng, phục vụ bà con đi lại thuận tiện lâu dài cũng đồng thời thể hiện sự đoàn kết của các dân tộc và các cơ quan, đơn vị trong tỉnh.
Là một trong những đơn vị thi công, ông Trần Văn Thế, Giám đốc Công ty TNHH Tân Long cho biết: Xác định đây là những tuyến đường có ý nghĩa rất quan trọng đối với đồng bào vùng cao, nên ngoài đảm bảo chất lượng, thời gian thi công, đối với những đoạn dốc, chúng tôi còn thực hiện san gạt, giảm độ dốc xuống dưới 17% để đảm bảo độ bền của mặt đường và bà con dễ dàng đi lại.
Được biết, huyện Đồng Hỷ có 521 hộ dân tộc Mông với trên 2,7 nghìn nhân khẩu sống tập trung trên 9 xóm, bản thuộc 3 xã Tân Long, Văn Lăng, Quang Sơn. Trong 9 xóm, bản thì có 4 xóm, bản là Khe Cạn và Vân Lăng (xã Văn Lăng), Mỏ Ba và Lân Quan (xã Tân Long) có đường giao thông đi lại còn rất khó khăn, chưa được đầu tư xây dựng. Cùng với 15km đường bê tông vừa hoàn thành lên 4 xóm, bản kể trên, hy vọng bà con nơi đây sẽ có cuộc sống ấm no hơn trong thời gian gần.
Hộp dữ liệu: bản Lân Quan (Tân Long) có 82 hộ Mông với 334 nhân khẩu thì có 47 hộ nghèo (chiếm 57,3%); bản Mỏ Ba có 82 hộ Mông với 482 nhân khẩu thì có 59 hộ nghèo (chiếm 72%); xóm Vân Lăng (xã Văn Lăng) có 30 hộ Mông với 159 khẩu, 100% là hộ nghèo; bản Khe Cạn (xã Văn Lăng) có 30 hộ Mông với 150 nhân khẩu, 16 hộ nghèo (chiếm 53,3%).