Nỗ lực để người dân đồng thuận

18:44, 13/04/2015

Nói đến giải phóng mặt bằng (GPMB) là nói đến công việc khó khăn, nảy sinh nhiều vướng mắc. Thời gian qua, T.P Thái Nguyên đã có nhiều giải pháp, thực hiện hiệu quả công tác này.

Chúng tôi đến Nhà máy điện tử GLONICS đóng trên địa bàn phường Phú Xá, T.P Thái Nguyên. Cách đây hơn 2 năm, khu vực này còn là đất ở, đất ruộng trồng hoa màu của bà con tổ 7, tổ 8 phường Phú Xá, trong đó có một vườn ươm thuộc Công ty cổ phần Môi trường và công trình đô thị thành phố, nhưng giờ đây đã mọc lên một nhà máy lắp ráp điện tử khang trang, bề thế. Nhớ lại công tác GPMB cho khu dự án, bà Ngô Thị Tâm, Trưởng phòng Phát triển quỹ đất thuộc Trung tâm Phát triển quỹ đất T.P Thái Nguyên cho biết: Đây là dự án nước ngoài đầu tiên đầu tư tại địa bàn thành phố, nên lãnh đạo thành phố chỉ đạo khâu GPMB rất quyết liệt nhằm không để mất cơ hội thu hút nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư nước ngoài như dự án trên. Được cơ quan giao nhiệm vụ trực tiếp GPMB, chúng tôi rất lo lắng vì khối lượng công việc lớn, thời gian giao mặt bằng theo cam kết lại quá ngắn, ngoài việc phải giải tỏa gần 8.000m2 đất nông nghiệp, đất ở của 46 hộ dân, di chuyển 36 ngôi mộ, chúng tôi lại phải lo GPMB ở khu đất khác để Công ty Cổ phần môi trường và Công trình đô thị bố trí vườn ươm. Để thực hiện tốt nhiệm vụ GPMB mỗi cán bộ trong phòng đều hết sức nỗ lực, cố gắng cộng thêm sự vào cuộc của các cấp chính quyền thành phố, phường Phú Xá, trong vòng 2 tháng (từ ngày 22-10-2012 đến 5-1-2013) chúng tôi đã giải phóng xong gần 80.000m2 đất để giao mặt bằng sạch cho nhà đầu tư, dự án này cũng được cấp trên đánh giá cao về tiến độ GPMB.

 

Ông Nguyễn Tiến Trữ, Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất Thành phố thông tin: Ở hầu hết các dự án, khi thực hiện nhiệm vụ GPMB đều có những khó khăn, vướng mắc riêng. Việc thực hiện GPMB để triển khai Dự án nâng cấp cải tạo đường Việt Bắc là một ví dụ. Đoạn đường dài 3,3km, đi qua 2 phường Quang Trung, Đồng Quang với 380 hộ gia đình bị ảnh hưởng. Khó khăn gặp phải trong khâu GPMB tại khu đất này là mức độ tài sản trên đất khác nhau nên mức độ đền bù khác nhau, mặt khác Luật Đất đai thay đổi nên đã nảy sinh nhiều thắc mắc trong dân. Lúc đầu có 20 hộ dân không chịu nhận tiền đền bù, giao đất. Nhằm tháo gỡ vướng mắc, ngoài việc cử cán bộ có kinh nghiệm xuống tuyên truyền, phổ biến chế độ, chính sách, lập hồ sơ, kiểm đếm bồi thường kịp thời, chúng tôi thường xuyên phối hợp với chính quyền địa phương tăng cường công tác đối thoại, đến nay 100% hộ dân trong diện có đất phải giải tỏa đã nhận tiền đền bù và giao đất cho nhà đầu tư  thực hiện dự án.

 

Cùng với sự nỗ lực của các cơ quan chuyên môn, thời gian qua, T.P Thái Nguyên đã triển khai nhiều giải pháp trong công tác GPMB. Cụ thể như Thành ủy đã có Quyết định 732 về việc thành lập Ban Chỉ đạo công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư các dự án trên địa bàn thành phố. Quyết định cũng nêu: Địa phương nào có diện tích đất bị thu hồi thì chính quyền nơi đó phải thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện công tác GPMB. Để tìm hiểu vấn đề này, chúng tôi đến phường Túc Duyên, địa phương có diện tích đất bị thu hồi khá lớn (đến thời điểm này đã có 27,98ha đất bị thu hồi để thực hiện các dự án). Ông Nguyễn Văn Thanh, Bí thư Đảng ủy phường chia sẻ về kinh nghiệm trong công tác GPMB: Ngoài việc huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc làm công tác dân vận, việc triển khai các bước thu hồi đất cũng phải công khai, minh bạch, đồng thời những người tham gia vận động phải gương mẫu, đặt mình vào vị trí của người dân, lắng nghe và thấu hiểu tâm tư, nguyện vọng của họ, đồng thời kiên trì vận động thì thực hiện mới hiệu quả. Đối với địa phương chúng tôi, Ông  Phạm Đức Long, Bí thư Chi bộ tổ 2, Khu dân cư Oánh là người điển hình trong thực hiện công tác dân vận. Khi thực hiện GPMB để triển khai Dự án xây dựng Khu dân cư sinh thái kiểu mẫu, gia đình ông có 1.000m2 trong diện giải tỏa, ngoài việc nhận tiền đền bù trước, ông thường xuyên vận động, thuyết phục các hộ dân chấp hành chủ trương thực hiện dự án, kết quả là 120 hộ dân đều nhận tiền đền bù và không có thắc mắc.

 

Một biện pháp nữa được T.P Thái Nguyên đưa ra áp dụng là thường xuyên tăng cường công tác đối thoại với nhân dân. Về điều này, ông Trữ cho biết thêm: Số lần đối thoại với người dân từ đầu năm đến nay chúng tôi không nhớ nổi, nếu có vướng mắc bất kể ngày nghỉ chúng tôi đều xuống cơ sở để đối thoại trực tiếp với dân, từ đó kịp thời tháo gỡ khó khăn triệt để hơn. Đối với những trường hợp chưa thông, chúng tôi tiếp tục tham mưu để lãnh đạo thành phố bố trí thời gian gặp gỡ, đối thoại. Ngoài tuyên truyền, thành phố có chủ trương ưu tiên các hộ dân bị thu hồi đất bố trí tái định cư. Hiện nay, thành phố có 9 khu tái định cư đều đã và đang hoàn thiện cơ sở hạ tầng đồng bộ. Bằng việc áp dụng các biện pháp tích cực trong khâu GPMB, trong năm 2014, thành phố đã thu hồi 216.423m2 đất, số hộ bị ảnh hưởng là 13.334 hộ, để thực hiện 63 dự án. Đây là con số đáng ghi nhận trong việc tạo ra quỹ đất sạch để thực hiện các dự án phát triển đô thị.