Phát triển kinh tế rừng ở Phú Bình

05:49, 23/04/2015

Những năm gần đây, cùng với việc khuyến khích người dân phát triển trang trại và gia trại, huyện Phú Bình còn chú trọng tuyên truyền, vận động bà con tích cực tham gia trồng rừng, phát triển kinh tế.

Nhờ đó, đời sống của người dân từng bước được cải thiện, nhiều hộ đã thoát nghèo và vươn lên làm giàu. Ông Dương Đình Chính, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện cho biết: Đến nay, toàn huyện có khoảng 6.200ha rừng sản xuất, tập trung chủ yếu ở các xã như: Tân Thành, Tân Hòa, Tân Kim, Bảo Lý... với loại cây trồng chủ yếu là keo và bạch đàn cao sản. Để thực hiện tốt các chỉ tiêu về trồng rừng, hằng năm, UBND huyện đã chỉ đạo các ngành chức năng phối hợp với các địa phương làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân thưc hiện đầy đủ các mục tiêu đã đề ra. Đồng thời, huyện cũng trồng mới từ 250-300ha rừng/năm và giao chỉ tiêu cụ thể cho các địa phương thực hiện. Thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật trồng và chăm sóc rừng cho người dân; vận động bà con làm tốt công tác chuẩn bị như: cây giống, phân bón, mặt bằng... trước khi bước vào vụ trồng rừng mới. Nhờ đó, kế hoạch trồng rừng hằng năm đều hoàn thành vượt mức, tỷ lệ cây sống cao. Cụ thể, năm 2014, toàn huyện trồng được 430ha rừng sản xuất (tăng 21,5ha so với năm 2103). Trung bình mỗi ha keo lai, bạch đàn nếu được chăm sóc tốt sẽ cho năng suất khoảng 100 tấn gỗ nguyên liệu. Với giá bán bình quân như hiện nay, từ 1,1-1,2 triệu đồng/m3 gỗ, mỗi ha rừng sẽ cho thu nhập khoảng 100 triệu đồng, sau khi trừ chi phí thu lãi 50-60 triệu đồng.

 

Với 1.900ha rừng sản xuất, Tân Thành là một trong những xã có diện tích rừng lớn nhất huyện. Theo ông Đinh Văn Phượng, Chủ tịch UBND xã thì hiện nay, nguồn thu nhập chính của người dân trong xã là từ trồng rừng. Toàn xã có 1.420 hộ dân thì hơn 80% số hộ tham gia trồng rừng với diện tích trồng mới khoảng 170ha rừng/năm, trong đó 90% diện tích là trồng keo, còn lại là bạch đàn cao sản. Trong 5 năm trở lại đây, toàn xã trồng mới được trên 855ha rừng sản xuất, năm đầu tiên cùng với việc trồng cây rừng, người dân thường trồng xen canh sắn cao sản nhằm tận dụng đất trống, tăng thêm thu nhập. Nguồn thu nhập gỗ rừng sản xuất đã giúp đời sống của bà con trong xã ngày càng được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo của xã từ 40% (năm 2007) giảm xuống còn 19,5% (năm 2014). Diện tích rừng cũng đã đáp ứng được 50% nhu cầu về nguyên liệu cho 10 xưởng gỗ bóc, ván dăm trên địa bàn xã.

 

Gia đình chị Đào Thị Hằng, xóm Thượng Mới, xã Bảo Lý là một trong những hộ dân sớm nhận thức được hiệu quả kinh tế từ việc trồng rừng cho biết: “Trước đây, toàn bộ 1,5ha vườn đồi của gia đình chủ yếu là trồng sắn nên hiệu quả kinh tế không cao. Năm 2008, tôi đã chuyển đổi toàn bộ sang trồng keo và hằng năm đều mở rộng diện tích lên khoảng 1ha. Đến nay, gia đình đã có 5ha keo lai cho khai thác gỗ, với giá bán bình quân khoảng 1 triệu đồng/m3, mỗi ha rừng thu nhập khoảng 80 triệu đồng. Năm nay, tôi đăng kí trồng mới khoảng 1ha keo Úc theo dự án 147. Tham gia dự án này, gia đình được hỗ trợ toàn bộ cây giống và phân bón, hiện nay công tác xử lý thực bì, cuốc hố đã hoàn thành, chỉ còn chờ cấy cây giống và phân bón là tiến hành trồng”.

 

Hiện nay, huyện Phú Bình có khoảng 60% diện tích rừng đang trong độ tuổi khai thác. Ngoài thu nhập chính từ việc bán nguyên liệu gỗ, rừng trồng còn mang lại thu nhập cho hàng trăm lao động thời vụ tại địa phương từ việc trồng, chăm sóc và khai thác gỗ cho các chủ rừng. Vào mùa khai thác gỗ, trung bình một lao động có thể thu nhập từ 100-150 nghìn đồng/ngày. Để tiếp tục phát huy lợi thế trong phát triển kinh tế rừng, huyện Phú Bình đang tích cực chỉ đạo các ngành, đoàn thể tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, tập huấn kỹ thuật để các hộ dân tự giác thực hiện chăm sóc, bảo vệ diện tích rừng hiện có. Khuyến khích người dân tận dụng triệt để diện tích đất vườn đồi để trồng rừng có hiệu quả, góp phần vào việc tăng độ che phủ rừng, tạo môi trường cảnh quan, phát triển kinh tế - xã hội địa phương ngày càng bền vững.