Phòng trừ sâu bệnh hại lúa vụ xuân

14:58, 05/04/2015

Sau buổi thăm đồng, chị Lưu Thị Nguyệt, xóm Phúc Thành (xã Hóa Trung, Đồng Hỷ) phát hiện trên trà lúa của gia đình chớm xuất hiện sâu đục thân, sâu cuốn lá nhỏ và bệnh đạo ôn. Để phòng trừ sâu bệnh hại lúa, chị đã tới đại lý thuốc bảo vệ thực vật mua thuốc về thuê người phun cho lúa và hoa màu.

Chị Nguyệt cho biết: Năm ngoái, trên diện tích lúa xuân của gia đình cũng xuất hiện nhiều loại sâu bệnh. Do bị nhiễm nặng nên khi phun chẳng thấy sâu bệnh giảm, năm nay cũng vậy, sâu bệnh xuất hiện nhiều. Rút kinh nghiệm của vụ xuân trước nên tôi phun thuốc phòng trừ sớm. Bình quân mỗi sào phun một bình, công phun mỗi bình là 14.000 đồng. Tính cả tiền thuốc thì chi phí cho đợt phun thuốc phòng trừ sâu rầy lần này khoảng 300 nghìn đồng, chưa tính công phun cho hoa màu và chè. Phun phòng trừ sớm không để sâu bệnh gây hại thì năng suất được  khoảng 2 tạ/sào. Năm ngoái, nhiều nhà không chú ý, để khi sâu bệnh rộ lên mới phun thì năng suất chỉ được 1,2 đến 1,3 tạ/sào…

 

Vụ xuân năm ngoái, trên địa bàn toàn tỉnh, rầy nâu, rầy lưng trắng phát sinh gây hại 2 đợt cao điểm, một là gây hại trên lúa xuân giai đoạn làm đòng - chín sữa; mật độ trung bình 200-300 con/m2; nơi cao từ 1.000-3.000 con/m2; cục bộ từ 4.000-8.000 con/m2; cao điểm 2 gây hại trên diện tích lúa xuân muộn giai đoạn chắc xanh - đỏ đuôi (từ ngày 28/5 đến 4/6), mật độ trung bình 300-700 con/m2; nơi cao từ 1.000-3.000 con/m2; cục bộ từ 4.000-8.000 con/m2. Tổng diện tích bị nhiễm là 3.625 ha, trong đó diện tích nhiễm nặng là 490ha; diện tích phòng trừ là 3.705ha. Sâu cuốn lá nhỏ cũng xuất hiện và gây hại mạnh vào cuối tháng 4 và đầu tháng 5, diện tích bị nhiễm là 220 ha; bệnh khô vằn cao điểm gây hại vào giữa tháng 4 và đầu tháng 5, tổng diện tích nhiễm là 7.492ha, trong đó diện tích nhiễm nặng là 1.345,5 ha. Bệnh đạo ôn lá cũng gây hại mạnh trong vụ xuân, diện tích bị nhiễm là 498,5 ha, trong đó diện tích nhiễm nặng là 79ha.

 

Trong quá trình chỉ đạo, một số địa phương cũng đã có những sáng tạo tích cực như huyện Phổ Yên in 70 tờ A3 hướng dẫn biện pháp phòng trừ sâu cuốn lá, sâu đục thân và rầy nâu hại lúa; in đĩa kỹ thuật phòng trừ rầy nâu hại lúa; phối hợp với Chi nhánh Vật tư Nông nghiệp, Công ty CP Bảo vệ thực vật Thái Nguyên, Công ty CP Nicotex Hà Nội tổ chức điểm phòng trừ sâu cuốn lá tại các xã Tiên Phong, Trung Thành , Minh Đức. Huyện Đại Từ đã kiểm tra và dùng biển giấy màu để đánh dấu những điểm có mật độ sâu bệnh cao cần phòng trừ để nông dân biết và thực hiện. Mặc dù thời tiết không thuận lợi, một số đối tượng phát sinh dịch hại phát triển với mật độ cao như rầy nâu và sâu cuốn lá, song, do có sự chỉ đạo sát sao của tỉnh,  Sở NN và PTNT cùng các địa phương nên các đợt sâu bệnh hại đều được dự tính, dự báo và phòng trừ chính xác, kịp thời nên đã hạn chế được thiệt hại, bảo đảm năng suất và sản lượng lúa.

 

Hiện trên diện tích lúa xuân, bệnh đạo ôn tiếp tục gây hại với diện tích 104 ha ở các địa phương: T.X Sông Công, Phổ Yên, Đại Từ, Phú Bình, T.P Thái Nguyên, tỷ lệ bệnh trung bình từ 0,4 đến 2,5%, nơi cao 4-10%, cục bộ 15-30% trên giống Nếp, BC15, cấp 1,3,5, tăng so với cùng kỳ là 71 ha. Bệnh khô vằn gây hại trên diện tích lúa đang trong giai đoạn đẻ nhánh rộ: 143ha, tỷ lệ hại trung bình 0,3-3%, nơi cao 6,6-10%, cấp 1. Rầy các loại: Mật độ trung bình 2-40 con/m2, nơi cao 50-144 con/m2, lứa tuổi 2,3 và trưởng thành; sâu cuốn lá nhỏ: sâu non mật độ trung bình 0,1- 2 con/m2, nơi cao 4-5 con/m2, tuổi 4,5. Trưởng thành ra rải rác mật độ trung bình 0,01-0,1 con/m2 nơi cao 0,2-0,5 con/m2.

 

Trước diễn biến của sâu bệnh hại, Trạm Bảo vệ thực vật các địa phương cần theo dõi sát diễn biến dịch hại trên cây trồng, đặc biệt trên diện tích lúa xuân; tăng cường điều tra mở rộng, chủ động theo dõi và tham mưu kịp thời các biện pháp chỉ đạo đối với bệnh đạo ôn, sâu cuốn lá và sâu đục thân để hạn chế mức thấp nhất thiệt hại do sâu bệnh gây ra.