Tái thiết ngành Chăn nuôi theo hướng bền vững

16:54, 08/04/2015

Những năm qua, sản xuất chăn nuôi đã đóng góp rất lớn cho ngành Nông nghiệp của tỉnh. Tuy nhiên, trên thực tế, giá trị thu được từ ngành này vẫn chưa tương xứng với tiềm năng của tỉnh.

Do đó, để thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, cùng với việc tái thiết các lĩnh vực sản xuất như trồng trọt, lâm nghiệp, thủy sản, hiện nay, tỉnh đang nỗ lực tái thiết ngành chăn nuôi.

 

Theo nhận định của ông Nguyễn Quốc Minh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, sản xuất chăn nuôi của tỉnh đang phát triển theo hướng tích cực. Năm 2014, giá trị sản xuất của ngành chăn nuôi tăng 6,5% so với năm 2013 và chiếm 40% trong cơ cấu giá trị nội ngành Nông nghiệp. Chăn nuôi nhỏ lẻ đã dần chuyển đổi sang chăn nuôi tập trung, sản xuất hàng hóa có hiệu quả kinh tế cao. Đến nay, tỉnh ta có khoảng 550 trang trại chăn nuôi tập trung, sản lượng thịt hơi đạt xấp xỉ 96 nghìn tấn/năm. Đặc biệt, nhiều giống vật nuôi mới có năng suất, chất lượng cao như các giống bò Red Sind, Brahman, Doughmaster, BBB; các giống lợn Landrace, Yorkshire, Duroc, Pietrain... đã được đưa vào sản xuất tại tỉnh ta.

 

Mặc dù phát triển khá mạnh nhưng chăn nuôi gia súc, gia cầm ở Thái Nguyên chủ yếu là quy mô nông hộ, nhỏ lẻ, phân tán, theo phương thức chăn nuôi truyền thống lạc hậu, tự cung, tự cấp. Hiện, chăn nuôi theo quy mô nông hộ chiếm tỷ lệ trên 80% và chăn nuôi trang tại tập trung theo hướng công nghiệp mới đạt gần 20% trong cơ cấu chăn nuôi của tỉnh. Thực trạng này đang được phản ánh rất rõ ở cơ sở, đơn cử như với xã Nga My (Phú Bình). Ông Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch UBND xã Nga My cho biết: Với tổng đàn lợn duy trì thường xuyên khoảng 20 nghìn con, đàn gia cầm 60 nghìn con, đàn trâu 500 con, đàn bò 1.500 con, mỗi năm sản lượng thịt hơi xuất chuồng  của địa phương khá cao, xấp xỉ  2.000 tấn. Tuy nhiên, chăn nuôi ở đây chủ yếu theo quy mô nông hộ, chứ chưa có những trang trại chăn nuôi quy mô lớn. Việc ứng dụng khoa học công nghệ mới vào sản xuất chăn nuôi còn nhiều hạn chế dẫn đến năng suất và hiệu quả không cao.

 

Tỉnh ta đề ra nhiệm vụ, đến năm 2020 sẽ tăng tỉ lệ đàn nái ngoại lên 30%, nái lai lên 50%; tăng tỷ lệ truyền giống bằng công nghệ thụ tinh nhân tạo lên 65-70% với bò, 80-90% với lợn, 3% với trâu; cơ cấu đàn bò lai Zube chiếm 60%; tăng tỷ lệ xuất bán có hợp đồng tiêu thụ lên 50-70% sản lượng thịt hơi thuộc trại chăn nuôi tập trung...

Thái Nguyên có lợi thế phát triển đàn gia súc ăn cỏ, nhưng những năm gần đây, đàn trâu của tỉnh có xu hướng giảm, đàn bò chậm phát triển. Năm 2014, toàn tỉnh có trên 100 nghìn con trâu, bò với tầm vóc, chất lượng thấp. Sản lượng thịt trâu chiếm 3,6%, đàn bò 2,3% trong tổng sản lượng thịt hơi các loại xuất chuồng (trong khi đó, thịt lợn hơi chiếm 70,9%, thịt gia cầm chiếm 23,2%). Thêm nữa, chất lượng giống vật nuôi chưa cao, tỷ lệ đàn lợn nái ngoại hiện chỉ chiếm 15%, nái lai 10%; bò lai Zebu mới chiếm 34%; tỷ lệ truyền giống bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo đạt thấp, chưa tạo được bước đột phá cho công tác giống. Tỉnh cũng chưa có sản phẩm qua giết mổ tập trung; việc sơ chế, chế biến sản phẩm còn thấp nên sức cạnh tranh trên thị trường và giá trị gia tăng sản phẩm chưa cao; các cơ sở sản xuất chủ yếu chưa có hợp đồng tiêu thụ sản phẩm; sản phẩm xuất khẩu chưa nhiều. Trên địa bàn tỉnh cũng chưa có nhiều trang trại và sản phẩm chăn nuôi an toàn sinh học, chăn nuôi theo quy trình VietGAP. Điều đáng nói nữa là, tỉnh chưa thiết lập được mô hình liên kết sản xuất chuỗi; thu hút doanh nghiệp đầu tư, sản xuất con giống, thức ăn chăn nuôi, giết mổ, chế biến, tiêu thụ sản phẩm; tình hình dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp, ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi còn phổ biến.

 

Những hạn chế nêu trên chính là “rào cản”, ảnh hưởng đến phát triển chăn nuôi của tỉnh. Ông Hoàng Văn Dũng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT cho rằng: Để tái thiết ngành chăn nuôi, việc cần làm đầu tiên là quan tâm phát triển đàn giống vật nuôi chất lượng cao, đáp ứng đầy đủ về chủng loại, số lượng, chất lượng theo nhu cầu thị trường. Thực tế đã chứng minh, giống là yếu tố quan trọng để nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả cho người chăn nuôi. Tiếp đó là phát triển sản xuất loại sản phẩm hàng hóa lợi thế, có chất lượng, sức cạnh tranh cao tại vùng, xã chăn nuôi trọng điểm đã được quy hoạch. Đơn cử như sẽ đẩy mạnh chăn nuôi đại gia súc ở vùng núi (Phú Lương, Định Hóa, Võ Nhai, Đại Từ); nuôi gà ở Phú Bình, Phổ Yên... Cùng với đó là nâng cao hiệu quả chăn nuôi quy mô nông hộ. Tuy nhiên, việc đánh giá thực trạng, đóng góp của chăn nuôi quy mô hộ đối với ngành Nông nghiệp, những thuận lợi, khó khăn, bất cập là rất quan trọng để qua đó đề xuất giải pháp nâng cao hiệu quả chăn nuôi nông hộ phù hợp với điều kiện cụ thể và định hướng tái cơ cấu ngành chăn nuôi của tỉnh; triển khai thực hiện hiệu quả chính sách hỗ trợ nâng cao hiệu quả chăn nuôi nông hộ. Ông Nguyễn Hoàng Quế, một người dân ở xóm Thành Lập, xã Lục Ba (Đại Từ) nói: Tôi rất mong Nhà nước có chính sách hỗ trợ hiệu quả để người chăn nuôi theo quy mô hộ gia đình có điều kiện phát triển chăn nuôi bền vững.

 

Một yếu tố vô cùng quan trọng trong việc tái thiết ngành chăn nuôi của tỉnh là hình thành, phát triển hình thức tổ chức liên kết chuỗi theo phương thức khép kín ba khâu: Hợp tác xã (HTX)/doanh nghiệp cung ứng vật tư đầu vào – HTX /doanh nghiệp sản xuất chăn nuôi – HTX/doanh nghiệp thu mua, giết mổ, chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Hoặc theo phương thức bán khép kín: HTX/doanh nghiệp sản xuất chăn nuôi – HTX/doanh nghiệp thu mua, giết mổ, chế biến, tiêu thụ sản phẩm...

 

Thực hiện đồng bộ các giải pháp trên sẽ là điều kiện để Thái Nguyên thực hiện có hiệu quả việc tái thiết lại ngành chăn nuôi theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.