Trăn trở từ một làng nghề

17:35, 12/04/2015

Xóm Gò Chè, xã Cao Ngạn (T.P Thái Nguyên) từ lâu đã nổi tiếng với nghề làm bún. Những sợi bún dẻo, thơm, trắng tinh đã có mặt ở khắp nơi trên địa bàn T.P Thái Nguyên và các địa phương lân cận, làm nên thương hiệu bún Gò Chè. Nghề làm bún bao đời nay đã mang lại cuộc sống ổn định cho hàng trăm hộ gia đình nơi đây. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, làng nghề bún Gò Chè đang đứng trước nguy cơ dần bị mai một.

Chúng tôi đến gia đình anh Nguyễn Văn Lực, một trong những hộ có truyền thống làm bún từ nhiều đời nay khi vợ chồng anh đang tất bật vo gạo, xay bột… chuẩn bị các công đoạn cho việc sản xuất bún. Anh Lực cho biết: Gia đình tôi có tới 3 thế hệ làm bún, từ đời ông bà, cha mẹ và giờ đến vợ chồng tôi. Không chỉ làm bún, vài năm trở lại đây người dân trong xóm còn làm thêm bánh cuốn, bánh chưng, bánh giò… Nhưng hễ nhắc đến Gò Chè là người ta sẽ nghĩ ngay đến sản phẩm bún vì không ở đâu làm được sợi bún trắng, trong mà lại dẻo dai và ngon như ở đây.

 

Mỗi ngày, vợ chồng anh Lực làm khoảng 1,5 tạ bún để giao bán cho các cửa hàng trên địa bàn T.P Thái Nguyên. Theo anh Lực, làm bún theo phương thức truyền thống khá cầu kỳ, qua nhiều công đoạn và mất thời gian nên người làm nghề phải thật sự tâm huyết, với nghề, cẩn thận từ khâu chọn gạo, xát trắng, ngâm gạo, xay bột nước, ủ chua, ép thành quả bột, và nhào bột cho nhuyễn tơi và cuối cùng là công đoạn ép tạo sợi. Để sợi bún trắng, mềm ngon thì khâu chọn gạo quyết định 90% chất lượng bún. Gạo được chọn làm bún thường là các giống: Bao thai, Q4, Q5... vì hạt gạo trắng, khô và không dính. Trung bình cứ 1kg gạo thì làm được 1,2-1,3kg bún. Sau khi ép thành sợi, bún được đặt gọn gàng trên những kệ, người làm bún dùng tay khéo léo đảo lá bún để sợi bún không bị dính vào nhau, tơi và nhanh khô hơn.

 

Nghề làm bún thủ công vừa vất vả, năng suất lại không cao nên vài năm gần đây, một số gia đình trong xóm đã đầu tư máy sản xuất bún liên hoàn để giảm sức lao động và nâng cao chất lượng sản phẩm. Theo đó, mọi công đoạn từ: Xay, nhào, ép bột đến ép sợi bún đều được thực hiện bằng máy nên đỡ tốn công mà năng suất và chất lượng bún lại cao hơn. Gia đình ông Nguyễn Văn Trương là một trong những hộ đầu tiên ở xóm đầu tư máy làm bún. Ông cho biết: Tôi mua chiếc máy sản xuất bún liên hoàn từ năm 2012 với giá 60 triệu đồng. Công suất tối đa của máy là 1,5 tấn/ngày nhưng căn cứ vào lượng hàng tiêu thụ nên gia đình tôi chỉ sản xuất 4 tạ/ngày. Ngoài làm bún thì gia đình tôi còn làm khoảng 4 tạ bánh cuốn/ngày để bán cho thị trường T.P Thái Nguyên và các địa phương lân cận. Với quy mô sản xuất như vậy, mỗi năm gia đình tôi thu lãi khoảng 200 triệu đồng. Ngoài gia đình ông Trương, có 8 gia đình khác trong xóm đã đầu tư mua máy sản xuất bún liên hoàn để giải phóng sức lao động và nâng cao hiệu quả sản xuất. Nếu như trước đây, làm bún phải thức khuya, dậy sớm, vất vả một buổi với 2-3 lao động chỉ làm được 30kg đến 50kg bún thì nay sử dụng máy, 2 người có thể làm 4-5 tạ bún trong một buổi. Thị trường tiêu thụ bún không còn bó hẹp ở các chợ, nhà hàng quanh khu vực thành phố mà đã theo các chuyến xe đến các vùng lân cận như: Đại Từ, Phú Lương, Võ Nhai...

 

Được biết, trong khoảng những năm 1990 đến năm 2010, có đến 90% gia đình ở xóm Gò Chè gắn bó với nghề truyền thống này. Thời kỳ hưng thịnh nhất (từ khoảng năm 2005 đến năm 2010), xóm Gò Chè có trên 70 hộ gia đình làm bún, tạo việc làm ổn định cho gần 200 lao động với thu nhập bình quân từ 150-200 nghìn đồng/người/ngày. Thời kỳ đó, nghề làm bún đã trở thành nghề đem lại thu nhập chính cho người dân nơi đây. Nhờ đó mà nhiều hộ gia đình đã có cuộc sống ổn định, kinh tế khá giả. So với những xóm khác của xã Cao Ngạn thì Gò Chè luôn đứng đầu về thu nhập bình quân đầu người và có tỷ lệ hộ nghèo thấp nhất xã.

 

Để tạo điều kiện cho nghề làm bún truyền thống ở Gò Chè phát triển, năm 2010, UBND tỉnh đã công nhận Gò Chè là làng nghề truyền thống cấp tỉnh. Tuy nhiên kể từ đó đến nay, nghề làm bún ở đây chẳng những không phát triển được mà có nguy cơ dần bị mai một. Khoảng 3 năm trở lại đây, số hộ làm bún ở Gò Chè giảm đi rõ rệt. Nếu như năm 2011, xóm có gần 70 hộ làm bún thì đến nay chỉ còn 20 hộ duy trì nghề. Ông Đỗ Đình Điện, Trưởng xóm Gò Chè cho biết: Do yêu cầu ngày càng cao của thị trường, sản phẩm bún làm thủ công không cạnh tranh được với bún làm bằng máy. Bởi lẽ, sản xuất bún bằng máy chi phí thấp, giá thành rẻ mà chất lượng bún lại ngon hơn, hình thức bắt mắt hơn. Chi phí đầu tư máy móc sản xuất bún khá lớn (khoảng 50-60 triệu đồng) nên chỉ có một số ít hộ gia đình đủ điều kiện để đầu tư duy trì nghề truyền thống. Còn lại, phần lớn các hộ không có điều kiện phải bỏ nghề chuyển sang làm việc khác.

 

Từ bỏ nghề truyền thống đã gắn bó từ nhiều đời nay là điều mà không người dân nào mong muốn. Theo các hộ làm bún ở đây, từ khi được công nhận làng nghề đến nay, ngoài được hỗ trợ 40 triệu đồng để xây dựng cổng làng nghề, người dân trong xóm chưa nhận được chính sách hỗ trợ gì khác. Mong muốn lớn nhất của các hộ làm bún ở Gò Chè lúc này là được Nhà nước quan tâm, tao điều kiện cho vay vốn ưu đãi để khôi phục và giữ nghề truyền thống này trước nguy cơ bị mai một.