Chè Thái Nguyên được tiêu thụ cả thị trường trong nước và nước ngoài, trong đó thị trường nội địa chiếm 70-80% với sản phẩm là chè xanh đặc sản; chỉ có 20-30% sản lượng chè chế biến được xuất khẩu (sản lượng chè búp tươi của toàn tỉnh đạt 192.951 tấn/năm).
Hiện nay, thị trường nhập khẩu chè Thái Nguyên chủ yếu là các nước Trung Đông, một số nước châu Á và nước Đông Âu trong đó Pakistan chiếm thị phần tới 50% sản lượng chè xuất khẩu của Thái Nguyên, còn lại chủ yếu ở Trung Quốc và Đài Loan. Mặc dù giá chè xuất khẩu của Thái Nguyên cao hơn mức bình quân cả nước: giá xuất chè đen từ 2.200-2.500 USD/tấn, chè xanh từ 2.800-3.500 USD/tấn nhưng lượng chè xuất khẩu không nhiều và đang có xu hướng giảm dần mặc dù ngày càng có nhiều đơn vị tham gia xuất khẩu. Từ năm 2013 đến nay, sản lượng chè xuất khẩu của tỉnh đã giảm vài nghìn tấn (từ 8.174 tấn, tổng kim ngạch xuất khẩu đạt gần 13 triệu USD; năm 2014, chỉ còn 5.386 tấn, tổng kim ngạch đạt 10,2 triệu USD).
Một trong những nguyên nhân khách quan dẫn đến sự sụt giảm lượng chè xuất khẩu là bởi nền kinh tế toàn cầu tiếp tục suy giảm. Nhưng nguyên nhân chủ quan cơ bản của Chè Thái Nguyên là đa số các doanh nghiệp chế biến chè của tỉnh chưa có vùng nguyên liệu; việc thu mua chè giữa các doanh nghiệp và người dân trồng chè chưa có hợp đồng chặt chẽ. Tại các vùng nguyên liệu, nông dân chưa có sự liên kết chặt chẽ với các doanh nghiệp trong việc trồng, thu hái và chế biến chè. Ngay cả vùng chè đặc sản là Tân Cương, Tức Tranh, La Bằng… nông dân sản xuất còn manh mún, sản phẩm chè làm ra không theo quy chuẩn, phẩm cấp nào nên tiêu thụ nội tiêu và xuất khẩu đều không chủ động được thị trường, giá bán chưa cao, chưa mang lại hiệu quả kinh tế tương xứng với vị thế của chè Thái Nguyên. Một điểm yếu nữa trong xuất khẩu chè của tỉnh là sự hợp tác giữa các doanh nghiệp; giữa doanh nghiệp với cơ quan nhà nước và Hội chè của tỉnh chưa thực sự gắn bó, nên chưa có sự hỗ trợ lẫn nhau về thông tin thị trường, vốn kinh doanh.
Nói về nguyên nhân, tại Hội thảo Đăng ký, quảng bá và khai thác giá trị nhãn hiệu tập thể Chè Thái Nguyên tại các nước Mỹ, Trung Quốc và Đài Loan, ông Nguyễn Ngô Quyết, Phó Giám đốc Sở Công Thương cho hay: Hằng năm, Ngành Công Thương tổ chức định kỳ từ 2-3 hội chợ triển lãm nhằm hỗ trợ doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đẩy mạnh giao thương, tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư liên kết hợp tác, trong đó đặc biệt quan tâm đến công tác hỗ trợ các đơn vị, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh chè quảng bá thương hiệu, mở rộng thị trường. Thông qua các chương trình, một số đơn vị sản xuất, kinh doanh chè Thái Nguyên đã tìm được khách hàng, ký kết được hợp đồng xuất khẩu khá lớn. Tuy nhiên, vấn đề về ổn định và bảo đảm chất lượng được coi là rào cản lớn nhất đối với sản phẩm chè Việt Nam và Thái Nguyên khi tham gia xuất khẩu. Hiện đa số các doanh nghiệp xuất khẩu trên địa bàn tỉnh chủ yếu là xuất chè thô, mặc dù sản lượng khá lớn nhưng giá trị đạt thấp (giá bán chỉ bằng 60-70% giá bình quân trên thế giới) đối với một số thị trường khó tính như EU, Mỹ, hầu hết các doanh nghiệp không xâm nhập được hoặc xuất khẩu được không đáng kể.
Để ngành Chè dần từng bước phát triển bền vững, vươn ra thị trường nước ngoài… đòi hỏi cần có sự chung tay, thống nhất giữa cơ quan quản lý, các nhà khoa học, người dân trồng chè và các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh. Trong đó cần quan tâm đến một số giải pháp về xúc tiến thương mại: cung cấp thông tin thị trường, nhu cầu thị hiếu khách hàng thông qua các hoạt động quảng bá, giới thiệu sản phẩm, thiết lập kênh phân phối hiệu quả, hỗ trợ doanh nghiệp tìm đầu ra cho sản phẩm. Đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ các doanh nghiệp xây dựng, phát triển thương hiệu, đăng ký chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm kết hợp với tuyên truyền, vận động người trồng chè, các doanh nghiệp nâng cao chất lượng và giá trị của sản phẩm chè.