Tuy không phải là xã điểm về xây dựng nông thôn mới của Phú Bình nhưng xã Xuân Phương vẫn được đánh giá là điểm sáng trong phong trào xây dựng nông thôn mới của huyện.
Đến nay, xã đã hoàn thành được 15/19 tiêu chí và đang phấn đấu hoàn thành 4 tiêu chí còn lại là giao thông, cơ sở vật chất văn hóa, thủy lợi, môi trường để có thể đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2016.
Xuân Phương hiện có trên 2.000 hộ dân, sinh sống tại 14 xóm. Xác định chương trình xây dựng nông thôn mới là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của địa phương nên ngay từ khi triển khai chương trình, công tác tuyên truyền cho nhân dân đã được cấp ủy đảng, chính quyền xã Xuân Phương chú trọng thực hiện bằng nhiều hình thức như: Lồng ghép phong trào xây dựng nông thôn mới với các phong trào thi đua trên địa bàn; hàng năm mỗi xóm tổ chức ít nhất một buổi tuyên truyền để người dân hiểu được mục đích, nội dung, phương pháp, cách làm, cơ chế chính sách của Đảng và Nhà nước về xây dựng nông thôn mới… Nhờ vậy, những năm qua, xã Xuân Phương luôn nhận được sự đồng tình hưởng ứng của bà con nhân dân, nổi bật là phong trào hiến đất để xây dựng đường làng ngõ xóm, kênh mương nội đồng và các công trình phúc lợi. Đơn cử như ở xóm Núi, cách đây 4 năm, toàn xóm có khoảng 1.500m đường trục xóm thì hầu như chỉ là đường đất nhỏ hẹp nhưng nhờ sự hỗ trợ của nhà nước và sự đóng góp của bà con nhân dân, đến nay xóm đã được mở rộng và bê tông hóa được trên 900m đường trục xóm, tạo điều kiện thuận lợi trong việc đi lại, vận chuyển hàng hóa của người dân. Ông Dương Nghĩa Toàn, Trưởng xóm Nội cho biết: Toàn xóm có 130 hộ dân thì có 75 hộ đã tham gia hiến đất làm đường, trong đó có gần 500m2 đất thổ cư, hơn 400m2 đất vườn và trên 2000m2 đất ruộng. Hộ nào hiến ít thì vài chục mét vuông, hộ nhiều lên đến hàng trăm mét vuông, điển hình như gia đình ông Dương Nghĩa Lừng đã hiến hơn 300m2 đất để mở rộng tuyến đường trục xóm trong năm 2014.
Không chỉ huy động nội lực trong nhân dân, những năm qua xã Xuân Phương còn tranh thủ các nguồn đầu tư của Nhà nước, các tổ chức doanh nghiệp để xây dựng cơ sở hạ tầng với tổng số tiền là hơn 50 tỷ đồng. Có thể kể đến những công trình trọng điểm như: Xây dựng trụ sở làm việc của UBND xã; xây dựng trường Tiểu học và trường mầm non Xuân Phương; Trạm y tế xã… đây là những công trình đã góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn và thúc đẩy sự phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương.
Bên cạnh việc đầu tư cho cơ sở hạ tầng, việc xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống của nhân dân cũng được xã Xuân Phương đặc biệt quan tâm. Cụ thể, xã đã lựa chọn xây dựng nhiều mô hình phát triển kinh tế trên các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ thương mại phù hợp với tình hình thực tế ở từng xóm; phối hợp với Phòng Nông nghiệp, Trạm khuyến nông huyện Phú Bình để có giải pháp hỗ trợ, nhân rộng một số gia trại trên địa bàn xã, đồng thời tiếp tục quan tâm khuyến khích các mô hình hiện có phát triển nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất… Đặc biệt, do có làng nghề Mộc mỹ nghệ Phương Độ nên xã Xuân Phương đã xác định việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp là mũi nhọn. Hiện xã đang kêu gọi đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng cụm công nghiệp làng nghề Mộc mỹ nghệ gắn với bảo vệ môi trường, tăng cường công tác định hướng đào tạo nghề cho lao động địa phương, khuyến khích và hỗ trợ các cơ sở sản xuất kinh doanh chuyển giao, ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất. Với những cách làm thiết thực trên, tỷ lệ hộ nghèo của xã Xuân Phương đã giảm đáng kể, đời sống nhân dân được nâng lên. Nếu như năm 2010, toàn xã có tỉ lệ hộ nghèo là trên 20%, thu nhập bình quân chỉ đạt khoảng 8 triệu đồng/người/năm thì nay tỉ lệ hộ nghèo của xã giảm xuống còn hơn 6%, thu nhập bình quân đạt gần 24 triệu đồng/người/năm.
Ông Dương Nghĩa Định, Chủ tịch UBND xã Xuân Phương cho biết: Hiện nay, xã còn phải vượt qua 4 “chướng ngại vật” là các tiêu chí về giao thông, cơ sở vật chất văn hóa, thủy lợi và môi trường là “chạm đích” nông thôn mới. Tuy nhiên, để hoàn thành được các tiêu chí này thì bên cạnh những nỗ lực của cấp ủy, chính quyền và bà con nhân dân trong xã còn rất cần sự quan tâm của các cấp ngành liên quan bởi đây là những tiêu chí cần nguồn kinh phí đầu tư lớn. Về phía địa phương, xã sẽ tiếp tục huy động mọi nguồn lực để thực hiện những tiêu chí còn thiếu, cố gắng trong năm 2016 sẽ về đích theo đúng dự kiến.