3 năm nay, nương chè của gia đình ông Diệp Văn Quý, ở xóm Na Ca, xã Minh Lập (Đồng Hỷ) lại bị sâu bệnh hoành hành, chè xác xơ xoăn lá, đỏ cây đỏ lá không thể mọc được.
Em Diệp Hiền, con trai ông Quý cho biết: Nhà em có khoảng 5 sào chè. Những năm trước bằng tầm này thì chè hái không xuể. Năm nay thì khác, từ khi đốn cho đến giờ, chè bị sâu hại không thể lên nổi. Mặc dù bố mẹ cũng dành thời gian bón phân, phun thuốc phòng trừ rầy xanh, tưới chè khi nắng hạn mà chè vẫn bị như vậy. Không biết chè bị cháy diện rộng thế này là do thuốc bảo vệ thực vật hay phân bón không tốt nữa. Cả khu vực này chè nhà ai cũng bị.
Nương chè của gia đình bà Ngô Thị Thìn ở gần đó cũng trong tình trạng như vậy. Gia đình bà Thìn có khoảng 3 sào chè, nếu chè tốt thì có thể thu được 80kg chè khô/lứa, giờ chè bị sâu bệnh đã gây sụt giảm sản lượng, cũng chỉ bán được 30-40 nghìn đồng/kg. Bà Thìn thở dài: Chè xấu quá, mặc dù tôi đã mua thuốc hết hơn 100 nghìn đồng phun phòng trừ sâu bệnh cho chè nhưng cũng chẳng ăn thua. Không rõ bị sâu hay do thời tiết mà chè cứ lên được một chút thì bị đỏ lá, thân cây rụt lại không lên được.
Gia đình anh Lý Văn Yên là hộ trồng nhiều chè nhất của xóm Na Ca. Với 8 sào chè, bình quân mỗi lứa gia đình anh thu 2 tạ chè khô. Khi chè bị sâu bệnh, anh Yên cũng đôn đáo mua một số loại thuốc để phun phòng trừ. Gần như cả xóm chè bị hư hại do sâu bệnh nhưng riêng có nương chè của gia đình anh Yên dường như ít bị gây hại hơn. Hỏi về nguyên nhân chè bị đỏ lá, đỏ thân, anh Yên bảo: Chỉ có bọ cánh tơ gây hại thôi chị à. Nói rồi anh Yên ra vườn hái mấy ngọn chè, chỉ cho tôi xem những lá chè bị xém viền do bọ cánh tơ hút nhựa. Khi rũ nhẹ cành chè xuống bàn, những con bọ nhỏ xíu màu trắng đó di chuyển rất nhanh. Gia đình tôi cũng phun thuốc liên tục để phòng trừ rồi, mấy hôm nay lại mưa to nên bọ cánh tơ cũng ít đi rồi. Loại này rất khó trị bởi chúng thường bám ở mặt sau của lá chè non.. Khi phun thuốc thì chỉ phun được trên mặt lá nên không thể trị dứt điểm được. Vì thế, gia đình tôi cũng phải phun liên tục, vài ngày lại phun một lần nên chè mới được thế này.
Cả xóm Na Ca có 117 hộ dân, bình quân mỗi hộ có từ 2-3 sào chè. Và gần như diện tích chè của xóm bị sâu bọ gây hại mà nhiều diện tích chè của cả xã Minh Lập cũng chung tình trạng tương tự.
Các biện pháp kỹ thuật: Thực hiện các biện pháp chăm sóc tổng hợp (như: Bón phân cân đối, tưới nước, tủ gốc giữ ẩm, hái chè hợp lý). Thường xuyên kiểm tra diễn biến bọ cánh tơ trên các nương chè, đặc biệt chú ý giai đoạn nảy chích đến trước hái 7 ngày, nếu thấy tỷ lệ búp bị hại từ 5% trở lên thì sử dụng thuốc phun trừ. Thuốc dùng là một trong các loại sau: Confidor 100SL; Dylan 10 WG, Sutin 5 EC; Actamec 20, 40 EC; Movento 150OD. Lưu ý, nồng độ, liều lượng theo hướng dẫn ghi trên nhãn; thực hiện đúng quy định về thời gian cách ly. |
Theo khuyến cáo của Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh, hiện nay, bọ cánh tơ xuất hiện và gây hại phổ biến trên các nương chè của các địa phương: T.P Thái Nguyên, T.X Sông Công, Đồng Hỷ, Đại Từ, Phú Lương, tỷ lệ hại trung bình 2,5-5%, nơi cao 10-20%, cục bộ 40-50% búp bị hại, diện tích nhiễm lên tới 1.570ha. Thời tiết hiện nay đang mưa nhiều là điều kiện thuận lợi để các loại dịch hại, đặc biệt là bọ cánh tơ sẽ còn phát triển nhanh trên cây chè. Bọ cánh tơ phát sinh gây hại với mật độ cao, có khả năng gây hại nặng trên diện rộng nếu không được phòng trừ kịp thời, cả chè kinh doanh và chè mới trồng.
Hiện nay, chè đang trong giai đoạn chính vụ, nếu nông dân không chú ý phun thuốc phòng trừ thì ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng sản phẩm chè, năng suất có thể giảm tới 40%. Vì thế, Trạm Bảo vệ thực vật các huyện, thành phố, thị xã cần tăng cường kiểm tra, theo dõi diễn biến tình hình bọ cánh tơ hại chè, chủ động tham mưu cho UBND huyện chỉ đạo các đơn vị liên quan trên địa bàn tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn nông dân chủ động thực hiện các biện pháp phòng trừ kịp thời, hiệu quả.