Cà-phê xứ lạnh, cây thoát nghèo vùng Đông Trường Sơn

11:42, 30/05/2015

Tu Mơ Rông là một trong những huyện vùng sâu của tỉnh Kon Tum, có khí hậu thời tiết lạnh giá, mưa nhiều và ẩm ướt, thích hợp với loại cây cà- phê xứ lạnh (cà-phê chè - tên khoa học là coffea arabica).

 Phát huy lợi thế ấy, trong những năm qua, Tu Mơ Rông đã phát triển mạnh loại cây này và xem đây là cây xóa nghèo của đồng bào dân tộc thiểu số.

Tháng 8-2013, UBND tỉnh Kon Tum đã ký Quyết định số 33/2013/QĐ-UBND ban hành "Đề án hỗ trợ phát triển cây cà-phê xứ lạnh tại các huyện Tu Mơ Rông, Đác Glây và Kon Plông". Dự án có quy mô phát triển 1.600 ha cà-phê xứ lạnh tại 4.570 hộ gia đình, với tổng kinh phí dự kiến là 519,8 tỷ đồng. Trong đó, hơn 44 tỷ đồng ngân sách tỉnh (hỗ trợ 100% cây giống để trồng mới và trồng dặm, kinh phí tập huấn, tuyên truyền, hợp đồng cán bộ kỹ thuật và chi phí quản lý Đề án); 73,2 tỷ đồng được trích từ ngân sách huyện và lồng ghép các chương trình dự án và hơn 402 tỷ đồng của người dân tham gia. Thời gian triển khai Dự án được kéo dài trong vòng bảy năm (2014- 2020). Đến nay, sau gần hai năm triển khai thực hiện, huyện Tu Mơ Rông đã trồng mới được 50 ha.

Cũng như các hộ dân khác ở xã Ngọc Yêu, A Thương là một trong ba hộ dân ở thôn Ngọc Đo đủ điều kiện tham gia Đề án trồng cà-phê xứ lạnh (tiêu chuẩn để thực hiện Đề án gồm: những hộ thuộc diện hộ nghèo; có đất sản xuất ổn định và có điều kiện lao động). Kể từ ngày tham gia đề án, A Thương đã được tập huấn kỹ thuật trồng và chăm sóc cà-phê; được cấp hơn 2.200 cây giống và các loại phân bón. Với số giống này, gia đình A Thương đã trồng được 0,5 ha cà-phê xứ lạnh.

Trò chuyện với chúng tôi, A Thương chia sẻ: Từ trước đến nay, gia đình mình rất muốn trồng loại cà-phê này, nhưng không có cây giống và chưa nắm chắc kỹ thuật trồng và chăm sóc. Nay được cấp cây giống, phân bón, được tập huấn kỹ thuật, mình và gia đình làm ngay. Trong năm 2015 này, mình sẽ tiếp tục trồng 0,5 ha nữa... Theo A Thương, thôn Ngọc Đo hiện đã có rất nhiều hộ đăng ký trồng mới cà-phê xứ lạnh trong năm 2015.

Cũng giống như thôn Ngọc Đo, Tam Rin là thôn của xã Ngọc Yêu hiện đã có sáu hộ gia đình đã trồng cà-phê xứ lạnh với tổng diện tích ba ha; trong năm 2015 sẽ có thêm 13 hộ nữa đăng ký trồng mới với diện tích 6,5 ha. Phần lớn các hộ gia đình đủ tiêu chuẩn thực hiện Đề án, ai cũng phấn khởi vui mừng. Chị Y Xê, Trưởng thôn Tam Rin cho biết: Tam Rin là thôn có 84 hộ, trong đó có 34 hộ nghèo; phần lớn những hộ dân này đều có đủ tiêu chuẩn để tham gia thực hiện Đề án trồng cà-phê xứ lạnh. Trong năm tới và những năm tiếp theo, thôn Tam Rin sẽ tiếp tục rà soát các hộ gia đình trong thôn đã đăng ký tham gia Đề án.

Trao đổi về việc thực hiện Đề án phát triển cây cà-phê xứ lạnh, Phó Chủ tịch UBND xã Ngọc Yêu Phạm Duy Linh cho biết: Ngay từ khi có chủ trương thực hiện Đề án trồng cà-phê xứ lạnh, xã đã thành lập Ban chỉ đạo, tổ chức bình xét tiêu chuẩn kỹ lưỡng từng hộ dân ở các thôn, làng. Trong năm 2014, Ngọc Yêu đã triển khai cho 29 hộ dân tham gia trồng mới 14,5 ha, phần lớn diện tích cây trồng có tỷ lệ sống khá cao so với kế hoạch (khoảng 90%) và phát triển tương đối tốt. Kế hoạch trong năm 2015 này, Ngọc Yêu tiếp tục đăng ký cho 51 hộ dân trồng mới khoảng 22 ha cà-phê xứ lạnh. Trong những năm tiếp theo, địa phương sẽ tiếp tục rà soát những hộ dân có đủ tiêu chuẩn lập danh sách đề nghị UBND huyện cho tham gia thực hiện Đề án.

Phó Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông Hà Hồng Duy cho biết: "Trong năm 2014 vừa qua, huyện đã triển khai thí điểm Đề án hỗ trợ phát triển cà-phê xứ lạnh cho 173 hộ, với diện tích 50 ha tại bốn xã: Ngọc Yêu, Đăk Sao, Đăk Na và Măng Ri. Trong đó, 100% số cây giống do Trung tâm Khuyến nông - khuyến ngư tỉnh Kon Tum cung cấp; huyện đã trích hơn 628 triệu đồng (119,5 triệu đồng lồng ghép nguồn vốn từ các chương trình 135, 30a, hỗ trợ thoát nghèo) để hỗ trợ phân bón cho các hộ tham gia Đề án. Theo kế hoạch, năm 2015 Tu Mơ Rông sẽ triển khai cho 394 hộ tại chín xã trên địa bàn, tiếp tục trồng mới 122,5 ha cà-phê xứ lạnh".

Được biết, cà-phê xứ lạnh là loại cây thích hợp với khí hậu và thời tiết ở Tu Mơ Rông, kỹ thuật trồng, chăm sóc và thu hoạch khá đơn giản, sản phẩm dễ tiêu thụ, phù hợp với điều kiện và tập quán sản xuất của người dân địa phương... Nếu được đầu tư thâm canh bảo đảm quy trình kỹ thuật, sử dụng một số giống mới đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận như TN1, TN2... có năng suất trung bình từ 3 đến 3,5 tấn nhân/ha, sẽ cho thu nhập trung bình khoảng 50 đến 52 triệu đồng/ha (sau khi đã trừ chi phí).

Với mức thu nhập như nêu trên, Đề án hỗ trợ phát triển cây cà-phê xứ lạnh của UBND tỉnh Kon Tum không chỉ góp phần giải quyết việc làm ổn định, tăng thu nhập cho bà con dân tộc thiểu số ở huyện Tu Mơ Rông, mà còn giúp bà con các địa phương khác vùng Đông Trường Sơn như Đác Glây, Kon Plông (Kon Tum) thoát khỏi đói nghèo. Cà-phê xứ lạnh hiện đang trở thành "Cây thoát nghèo" của bà con dân tộc thiểu số vùng Đông Trường Sơn ở Kon Tum.