Để hàng Việt trụ vững tại thị trường nông thôn

08:58, 03/05/2015

Đưa hàng Việt về nông thôn là giải pháp tích cực thực hiện Cuộc vận động " Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", tạo cầu nối để doanh nghiệp tiếp cận với người tiêu dùng vùng nông thôn, miền núi. Tuy nhiên, cơ hội để hàng Việt Nam đứng vững tại nông thôn cần có nhiều giải pháp hiệu quả hơn.

Thay đổi thói quen tiêu dùng

 

Trong điều kiện nền kinh tế khó khăn như hiện nay, phát triển thị trường nông thôn đang là lối ra cho sản phẩm của nhiều doanh nghiệp (DN).

 

Trên thực tế, hàng hóa đến tay người tiêu dùng chủ yếu vẫn qua hệ thống chợ và các cửa hàng bán lẻ. Lượng hàng phân phối thông qua các kênh như siêu thị, cửa hàng chủ yếu được thực hiện tại các thành phố lớn, còn lại là do nhà sản xuất trực tiếp bán thẳng ra thị trường. Tuy nhiên, hệ thống bán lẻ của các DN tại khu vực nông thôn chưa được chú trọng đầu tư, có những nơi còn bị bỏ quên. Vì vậy, chương trình "Đưa hàng Việt về nông thôn" ra đời đã tạo điều kiện cho các DN khi tham gia bán hàng tiếp cận được thị trường mới, mặt khác tiến hành nghiên cứu, định vị lại thị trường.

 

Chị Trần Thị Mai ở xã Thọ Hải, huyện Thọ Xuân (Thanh Hóa) cho biết: Trước đây, gia đình tôi thường mua các đồ gia dụng như nồi cơm điện, bát đĩa, hay quần áo của Trung Quốc vì giá rẻ hơn hàng Việt Nam nhưng sử dụng một thời gian thấy nhanh hỏng, chất lượng kém. Nay qua các phiên chợ hàng Việt Nam, thấy mẫu mã các sản phẩm hàng hóa khá đẹp, giá thành rẻ hơn, nhất là chất lượng được nâng lên nhiều cho nên tôi chuyển sang dùng các sản phẩm sản xuất tại Việt Nam. Cùng chung tâm lý tin tưởng vào hàng Việt, chị Lê Thị Oanh ở Quảng Thọ (huyện Quảng Xương) chia sẻ: Do thu nhập của người dân nông thôn thấp, không có điều kiện để mua các loại hàng hóa chất lượng cao của nước ngoài, cho nên tôi chọn các sản phẩm là hàng Việt Nam chất lượng cao, mẫu mã cũng đẹp, giá rẻ, phù hợp với túi tiền của người nông dân.

 

Khảo sát thực tế tại một số vùng nông thôn thuộc tỉnh Thanh Hóa có thể thấy, chương trình "Đưa hàng Việt về nông thôn" đã phát huy hiệu quả, nhận được sự hưởng ứng của các cấp, các ngành và toàn xã hội. Người tiêu dùng đã thay đổi dần thói quen mua sắm, hàng hóa thương hiệu Việt được nhiều người tiêu dùng ưu tiên lựa chọn. Cùng với các hội chợ hàng Việt Nam, các DN thương mại trong tỉnh luôn chú trọng việc tổ chức đưa hàng Việt tới các xã miền núi, nơi điều kiện kinh tế còn khó khăn. Qua đó, bảo đảm phục vụ cung ứng hàng hóa thiết yếu cho đồng bào các dân tộc ở 11 huyện miền núi Thanh Hóa, giúp bà con vùng miền núi tiếp cận và sử dụng hàng Việt có chất lượng. Ngoài ra, tập trung phát triển hệ thống siêu thị, cửa hàng tự chọn, các sản phẩm có thương hiệu, chất lượng cao, với giá bán rẻ hơn giá thị trường từ 5 đến 10%, thậm chí có mặt hàng rẻ hơn đến 20% nhằm thu hút được người dân tin tưởng lựa chọn.

 

Phát huy lợi thế

 

Với những ưu thế vượt trội, hàng Việt đã và đang chiếm được thị phần ở nông thôn, miền núi Thanh Hóa. Tuy nhiên, khi đưa hàng về nông thôn, nhiều doanh nghiệp cũng gặp phải những khó khăn như Nhà nước vẫn chưa có cơ chế hỗ trợ khi đưa hàng về khu vực này, nhiều DN chưa nhận được sự hỗ trợ tích cực từ chính quyền địa phương trong việc lựa chọn, xây dựng điểm bán hàng. Phó Giám đốc Sở Công thương Thanh Hóa Lữ Minh Thư cho biết: Để tạo điều kiện cho người dân nông thôn được tiếp cận và sử dụng hàng Việt Nam nhiều hơn, cần tổ chức triển khai có hiệu quả chương trình kết nối nhà sản xuất, kinh doanh hàng Việt với nhà phân phối, tạo điều kiện về mặt bằng và thủ tục hành chính để các nhà phân phối mở rộng kinh doanh ở khu vực nông thôn, khẳng định thương hiệu và không ngừng nâng cao chất lượng, hạ giá thành sản phẩm,...

 

Không chỉ riêng ở các vùng nông thôn, tại các huyện miền núi Thanh Hóa, chương trình "Đưa hàng Việt về nông thôn" cũng đang được triển khai khá hiệu quả. Các DN trong tỉnh đã đầu tư xây dựng nhiều hệ thống siêu thị, cửa hàng bán lẻ, giúp người dân miền núi tiếp cận các sản phẩm tiêu dùng trong nước có hiệu quả hơn. Tuy nhiên, thời gian qua, dù nhiều DN đã tham gia chương trình nhưng quy mô còn nhỏ lẻ, thiếu sự liên kết, không nhiều DN tính đến phương án dài hơi như lên kế hoạch quảng bá sản phẩm phù hợp hay xây dựng hệ thống phân phối ở vùng nông thôn, miền núi do còn gặp nhiều khó khăn trong việc phát triển mạng lưới phân phối. Phó Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Thương mại miền núi Thanh Hóa Đinh Xuân Sơn cho rằng: Địa bàn miền núi Thanh Hóa rất rộng, dân cư thưa thớt, đi lại khó khăn cho nên việc phân phối và bán hàng gặp không ít trở ngại. Vì vậy, cần phải có cơ chế chính sách hỗ trợ cho DN trực tiếp đưa hàng Việt lên miền núi. Hơn nữa, do trình độ dân trí và thu nhập của bà con các dân tộc ở miền núi còn thấp, các cấp chính quyền cần tăng cường công tác tuyên truyền để bà con hiểu rõ những lợi ích từ việc sử dụng hàng Việt. Lực lượng quản lý thị trường cũng cần tăng cường kiểm tra, kiểm soát nhằm ngăn chặn hàng nhái, hàng giả, kém chất lượng trôi nổi trên thị trường thì hàng Việt mới có cơ hội tồn tại.

 

Để nâng cao hiệu quả của chương trình "Đưa hàng Việt về nông thôn" và cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam có sức lan tỏa sâu rộng trong xã hội, nhất là khu vực nông thôn, miền núi, trước hết, các DN sản xuất cần phải cải tiến mẫu mã, hạ giá thành sản phẩm; thiết lập kênh phân phối, bán lẻ để cung ứng tới tận tay người dân, tăng cường công tác tuyên truyền, quảng bá thương hiệu, từng bước xây dựng lòng tin và chiếm lĩnh thị trường một cách bền vững; khai thác nguồn hàng thông qua các kênh phân phối và các đại lý lớn, có uy tín, liên kết sản xuất, cạnh tranh lành mạnh thì người tiêu dùng mới không quay lưng lại với sản phẩm. Đây là bài toán cần có những giải pháp mang tính đồng bộ từ các cơ quan quản lý Nhà nước, chính quyền địa phương và DN để hàng Việt đứng vững trên thị trường, sức mua của thị trường được nâng lên trong thời gian tới.