Từ ngày 20-5, giá xăng đã tăng thêm 1.200 đồng/lít, lên mức 20.436 đồng/lít. Đây là lần thứ 3 giá xăng được Liên bộ Tài chính - Công Thương điều chỉnh tăng từ đầu năm đến nay.
Cùng với giá xăng, một số mặt hàng thực phẩm thiết yếu trên địa bàn T.P Thái Nguyên cũng bắt đầu tăng. Theo ghi nhận của chúng tôi tại các chợ lớn trên địa bàn T.P Thái Nguyên như: Túc Duyên, Thái, Đồng Quang, Đán, Dốc Hanh... thì hiện nay một số mặt hàng thịt tươi sống, rau quả phục vụ nhu cầu ăn uống hàng ngày của người dân đã tăng nhẹ, trong đó, phải kể đến là giá thịt lợn. Bà Nguyễn Thị Nguyệt, người bán thịt lợn lâu năm tại chợ Túc Duyên cho biết: Giá thịt lợn đã tăng từ 4 hôm nay, do giá mua vào tăng nên chúng tôi phải điều chỉnh giá bán ra tăng từ 3 đến 5 nghìn đồng/kg tùy loại. Cụ thể, giá của 1kg thịt vai, thịt ba chỉ có giá 75 nghìn đồng/kg (tăng 5 nghìn đồng so với tuần trước), thịt nạc thăn cũng nhích lên 90 nghìn đồng/kg. Còn chị Kiều Thị Ngoãn, người bán thịt gà tại chợ Thái cũng cho biết: Giá gà tây mấy hôm trước ở mức 50 nghìn đồng/kg, gà ta là 100 nghìn đồng/kg, thì nay đều đã tăng từ 5 đến 10 nghìn đồng/kg.
Trao đổi với một số chủ cửa hàng thịt tươi sống, đa số đều cho rằng do giá mua buôn tăng nên giá bán lẻ cũng phải tăng theo. Bên cạnh các mặt hàng thịt, giá một số loại rau củ cũng có mức tăng từ 2 đến 3 nghìn đồng/kg. Tuy nhiên, những người buôn rau cho rằng giá xăng không có ảnh hưởng nhiều đến giá rau mà chủ yếu do yếu tố thời tiết và mùa vụ. Các loại quả được vận chuyển từ các tỉnh miền Nam ra như: Măng cụt, sầu riêng, bơ sáp, xoài, nho... cũng tăng từ 5- 10%, cước vận tải tăng nên giá các loại hoa quả này cũng tăng theo.
Trước thực trạng một số mặt hàng thực phẩm, rau củ tăng giá đã có tác động không nhỏ đến việc chi tiêu của người tiêu dùng. Thay vì mua nhiều như mọi khi, người nội trợ sẽ cân nhắc hơn trong việc chọn thực phẩm cho bữa ăn của gia đình một cách hợp lý. Chị Hoàng Thúy Hằng ở phường Trưng Vương chia sẻ: Mấy hôm nay xăng tăng giá, đi chợ tôi thấy một số mặt hàng thực phẩm có tăng hơn. Thay vì mua mấy kg thịt một lúc để tủ lạnh như mọi khi, giờ tôi chỉ mua vài lạng. Các khoản chi tiêu trong gia đình tôi cũng cân đối hơn để bù vào tiền xăng xe đi lại.
Qua tìm hiểu, chúng tôi nhận thấy giá của các mặt hàng thực phẩm, nông sản tăng đã ảnh hưởng đến sức mua của người dân. Những quầy hàng mọi khi vốn rất đông người mua thì nay giảm hẳn. Ông Nguyễn Văn Phương, Phó Trưởng ban Quản lý chợ Thái thông tin: “Tháng 5-2015, số lượng người tiêu dùng đến mua hàng tại chợ Thái giảm khoảng 40-50% so với cùng kỳ năm ngoái. Giá xăng, điện, phí môi trường đều tăng khiến nhiều chủ quầy không còn thiết tha với việc kinh doanh. Trước kia, có khoảng 1.000 quầy hàng được thuê để buôn bán, nay giảm xuống chỉ còn trên 500 quầy. Mặc dù là vào ngày nghỉ nhưng lượng người đi chợ rất ít”.
Bên cạnh một số thực phẩm kể trên có mức giá tăng nhẹ thì tại các siêu thị, cửa hàng lương thực nhiều mặt hàng vẫn giữ mức giá ổn định từ trước khi tăng giá xăng. Chị Dương Thị Thoa, Quản lý siêu thị T-Mart cho biết: “Nhiều mặt hàng tiêu dùng thiết yếu như: dầu ăn, nước mằm, mỳ chính, gạo.... tại siêu thị chưa có biến động về giá. Một phần là do các đơn hàng được nhập từ trước khi giá xăng tăng, phần khác là do các nhà phân phối chưa báo tăng giá nên chúng tôi vẫn giữ nguyên mức giá cũ”. Vì vậy, các bà nội trợ có thể yên tâm hơn khi đến mua hàng tại các siêu thị để tránh sự “ăn theo” của giá xăng.
Có thể nói, giá xăng tăng đã tác động nhiều đến việc chi tiêu của người dân. Nhiều mặt hàng tăng giá buộc người dân phải tiết kiệm, chắt bóp hơn. Xăng tăng đồng nghĩa với việc đi lại, chi phí sinh hoạt hàng ngày cũng tăng, trong khi đồng lương thì “giậm chân tại chỗ” khiến nhiều người tỏ ra lo ngại....