Tăng mạnh ở các ngành hàng mũi nhọn

07:20, 27/05/2015

5 tháng đầu năm nay, ngành công nghiệp của tỉnh đã để lại những ấn tượng khá rõ nét khi chỉ số sản xuất tăng gấp gần 5 lần so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó, đáng chú ý là nhóm các sản phẩm công nghiệp mũi nhọn của tỉnh (là xi măng, sắt thép, may mặc, điện tử...) đều tăng từ 15% trở lên so với cùng kỳ cả về giá trị sản xuất và tiêu thụ.

 

Sản phẩm tăng mạnh nhất trong ngành công nghiệp vẫn là các sản phẩm điện tử, viễn thông (gồm điện thoại thông minh và máy tính bảng) với sản lượng gần 40 triệu chiếc, đạt trên 70% kế hoạch cả năm. Trong đó, lượng hàng đã tiêu thụ vượt so với sản xuất từ 2% đến 3%, giải quyết dứt điểm số tồn kho từ cuối năm trước. Theo các chuyên gia thì do mới xuất hiện trên địa bàn tỉnh từ tháng 3-2014 nên các sản phẩm này không có số liệu so sánh với cùng kỳ mà chỉ tính đến khả năng hoàn thành kế hoạch năm 2015. Sản phẩm điện tử, viễn thông chủ yếu được sản xuất bởi Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam tại Khu công nghiệp Yên Bình I. Tính riêng tháng 4 vừa qua, đơn vị này đã sản xuất và tiêu thụ trên 4,4 triệu chiếc điện thoại thông minh, hơn 1,7 triệu chiếc máy tính bảng các loại. Trong tháng 5, doanh nghiệp này cũng sản xuất và tiêu thụ được khối lượng sản phẩm tương tự tháng trước. Theo Phòng Kế hoạch của Công ty thì trong tổng sản lượng điện thoại thông minh sản xuất hàng tháng, luôn có khoảng 60% là điện thoại thông minh 4G, còn lại là 3G. Đối với máy tính bảng thì khoảng 40% là loại 3G, còn lại là 2G. Ngoài ra, hàng tháng, Công ty cũng sản xuất và tiêu thụ thêm khoảng từ 25 đến 30 nghìn chiếc bao da ốp lưng điện thoại di động. Tổng doanh thu hàng tháng luôn đạt từ 28 đến 35 tỷ đồng.

 

Ngành hàng tiếp theo có khối lượng sản xuất và tiêu thụ cao đó là volfram và sản phẩm của volfram do Công ty TNHH Khai thác Chế biến khoáng sản Núi Pháo đảm nhiệm với tổng số trên 3 nghìn tấn, tăng gần 90% so với cùng kỳ năm trước. Ngoai ra, Công ty này cũng khai thác, chế biến trên 10 nghìn tấn đồng, tăng hơn 40% so với cùng kỳ. Trong 5 tháng đầu năm, trung bình mỗi tháng đơn vị này tiêu thụ được trên 1.500 tấn đồng, khoảng 300 tấn volfram. Theo đánh giá của Công ty thì thị trường xuất khẩu và tiêu thụ trong nước những tháng đầu năm có nhiều khả quan hơn những tháng cuối năm 2014 nên lượng hàng tồn kho hiện tại không lớn, khoảng trên 600 tấn đồng và hơn 260 tấn volfram.

 

Điện tử, viễn thông và quặng đa kim là hai dạng sản phẩm tương đối mới nhưng có sức tăng khá mạnh bởi đây là các sản phẩm đặc thù, có giá trị cao, chủ yếu phục vụ thị trường xuất khẩu và đều được đầu tư quy mô lớn, hiện đại. Theo các chuyên gia kinh tế thì sự tăng trưởng của hai ngành hàng này không phải là lạ. Điều chúng ta quan tâm chính là sự tăng trở lại của các sản phẩm truyền thống ở địa phương như xi măng, sắt thép và may mặc. Những sản phẩm này lâu nay đều có chiều hướng giảm mạnh với lượng hàng tồn kho khổng lồ. Không ít doanh nghiệp sở hữu các sản phẩm này nhiều lúc phải điêu đứng vì thị trường khó khăn. Tuy vậy, những tháng đầu năm nay tình hình thay đổi rõ rệt khi sản lượng xi măng tăng tới 20%, sắt thép tăng 18,4%, may mặc tăng 19% so với cùng kỳ năm trước. Điều đáng quan tâm là tất các các sản phẩm này đều tiêu thụ khá hơn trước, lượng hàng tồn kho giảm tới 40%, 50% so với thời điểm đầu năm. Đánh giá của Cục Thống kê tỉnh cho thấy, do 3 sản phẩm chủ đạo trên tiêu thụ tốt nên hàng tháng, chỉ số tồn kho toàn ngành công nghiệp của tỉnh giảm khoảng 30% đến 35% so với tháng trước đó.

 

5 tháng qua, cả 3 công ty xi măng lớn của tỉnh là Quang Sơn, La Hiên, Quán Triều đều duy trì nhịp độ sản xuất ổn định, tháng sau tăng hơn tháng trước. Công ty CP Xi măng La Hiên, trung bình mỗi tháng sản xuất được gần 60 nghìn tấn xi măng các loại và khoảng 17 nghìn tấn clinker. Sản phẩm sản xuất ra đến đâu tiêu thụ hết ngay đến đó, không để tồn đọng trong kho. Với Công ty CP Xi măng Quán Tiều, mỗi tháng sản xuất 50 nghìn tấn xi măng, gần 30 nghìn tấn clinker. Sản phẩm xi măng đóng bao thường tiêu thụ hết, sản phẩm clinker tiêu thụ đạt trên 50%. Với Công ty TNHH một thành viên Xi măng Quang Sơn tuy vẫn còn hàng tồn kho nhưng số lượng không nhiều. Đại diện cho các đơn vị sản xuất xi măng trên địa bàn, ông Lê Văn Ký, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Xi măng Quang Sơn chia sẻ: Năm trước, gần như đơn vị sản xuất xi măng nào cũng để tồn kho số lượng lớn, nhưng sang năm nay không còn hàng tồn dù sản lượng sản xuất tăng hơn năm trước. Xi măng Quang Sơn có công suất lớn, lượng xi măng ra lò mỗi tháng đều cao gấp đôi so với 2 đơn vị còn lại nhưng lượng hàng tồn đọng cũng chỉ còn khoảng 30 nghìn tấn.

 

Tại Công ty CP Gang thép Thái Nguyên, đơn vị nắm giữ tới 80% đến 90% sản lượng thép xây dựng sản xuất trong tỉnh, dù gặp nhiều khó khăn song 5 tháng qua tình hình sản xuất và tiêu thụ vẫn khá ổn định. Trung bình mỗi tháng Công ty sản xuất và tiêu thụ được trên 70 nghìn tấn thép các loại. Bởi thế, lượng thép tồn kho từ cuối năm trước khoảng từ 50, 60 nghìn tấn nay chỉ còn khoảng 20 nghìn tấn. Còn đối với sản phẩm may mặc, ở đơn vị đứng đầu tỉnh là Công ty CP Đầu tư và Thương mại TNG những tháng qua cũng sản xuất được trên 1,2 triệu sản phẩm và tiêu thụ đạt khoảng 1,3 triệu sản phẩm mỗi tháng, giảm tỷ lệ tồn kho từ vài triệu sản phẩm từ đầu năm xuống còn hơn 1,1 triệu sản phẩm hiện nay...

 

Như vậy, qua tìm hiểu tại một số ngành hàng mũi nhọn của tỉnh có thể thấy bức tranh sản xuất và tiêu thụ sản phẩm công nghiệp của tỉnh những tháng đầu năm đang sáng dần. Theo nhận định của các chuyên gia thì từ nay đến cuối năm, tình hình sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm công nghiệp của tỉnh vẫn giữ được chiều hướng ổn định, nhiều khả năng sẽ tăng mạnh ở các sản phẩm như điện tử, may mặc và xi măng.