Vững vàng hội nhập

16:59, 13/05/2015

Những thách thức và cơ hội cho các doanh nghiệp (DN) Việt Nam khi nước ta trở thành thành viên của Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) sẽ thành lập cuối năm nay đang là vấn đề rất thời sự, được đề cập đến tại nhiều diễn đàn cũng như trên các phương tiện truyền thông. Nhiều chuyên gia kinh tế và nhà quản lý khẳng định, nếu các DN trong nước, đặc biệt là DN sản xuất không nắm bắt được thông tin, bị động và thiếu giải pháp, chiến lược hợp lý sẽ khó tồn tại và phát triển trong môi trường hội nhập sâu rộng.

Những tác động của hội nhập kinh tế, nhất là sự kiện thành lập AEC, đối với các DN sản xuất trong nước đã được nhiều chuyên gia phân tích, mổ xẻ. Theo đó, bên cạnh những cơ hội về lựa chọn đối tác đầu tư, huy động vốn, xuất khẩu sản phẩm vào thị trường các nước ASEAN… thì các nhà sản xuất sẽ phải đối mặt với rất nhiều thách thức. Đó là áp lực phải đầu tư đổi mới công nghệ, tối ưu hóa dây chuyền sản xuất để hạ giá thành cũng như nâng cao chất lượng sản phẩm; thay đổi cơ cấu mặt hàng cho phù hợp với nhu cầu thị trường… Nếu không, DN Việt sẽ mất thị phần, khó lòng cạnh tranh với các đối thủ cùng lĩnh vực, bởi khi ASEAN trở thành một thị trường chung, hàng rào thuế quan được rỡ bỏ thì hàng hóa, dịch vụ, nguồn lực của các nước trong khối sẽ được lưu chuyển tự do.

 

Vậy đối với khu vực DN thương mại thì đâu là cơ hội và thách thức? Là người thường xuyên theo dõi, nắm bắt các thông tin về tiến trình thành lập AEC, được tham gia rất nhiều diễn đàn, trên cương vị Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội DN tỉnh, Chủ tịch Hội DN T.P Thái Nguyên đồng thời là một doanh nhân đã hoạt động trong lĩnh vực thương mại hàng chục năm, ông Phạm Văn Quang có những phân tích sâu sắc về vấn đề này. Theo ông Quang thì DN thương mại sẽ đón nhận nhiều cơ hội hơn là thách thức khi AEC thành lập, bởi hàng hóa trên thị trường sẽ phong phú hơn, giá rẻ hơn, qua đó kích thích tiêu dùng, mua sắm của người dân. DN sẽ có thêm cơ hội lựa chọn mặt hàng và loại hình dịch vụ, hợp tác với các nhà bán lẻ lớn trong khu vực, được học hỏi cách thức tổ chức hệ thống, quảng bá và chăm sóc khách hàng chuyên nghiệp của họ.

 

So với DN sản xuất, ưu thế của DN thương mại trước hội nhập là họ có thể dễ dàng và linh hoạt trong việc điều chỉnh cơ cấu mặt hàng, kịp thời thích ứng với tình hình mới. Ông Phạm Văn Quang lấy ví dụ, ngay khi các nhà bán lẻ lớn trong nước như HC, Media Mart có có mặt tại Thái Nguyên, DN của tôi (Công ty TNHH Thương mại điện tử Quang Thái) đã điều chỉnh giảm khoảng 40% số mặt hàng để tập trung kinh doanh những hàng hóa mà đơn vị có thế mạnh và dành vốn đầu tư vào lĩnh vực khác. Đồng thời quan tâm nhiều hơn đến chất lượng dịch vụ chăm sóc khách hàng. Năm 2014 và ngày 28-4 vừa qua, Công ty đã khai trương 2 cửa hàng thời trang, lĩnh vực mới đối với chúng tôi. Dù nhiều người cho rằng thị trường thời trang tại T.P Thái Nguyên có vẻ như đã bão hòa, nhưng tôi nhận thấy đây vẫn là lĩnh vực đầy triển vọng, điều quan trọng là cần nghiên cứu kỹ thị trường, tâm lý khách hàng và có giải pháp kinh doanh hợp lý, quy mô phù hợp.

 

- Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) dự kiến sẽ được thành lập vào cuối năm nay, là một bước ngoặt đánh dấu sự hòa nhập toàn diện của các nền kinh tế Đông Nam Á trong đó có Việt Nam.

- AEC nhằm tạo ra một thị trường chung duy nhất và cơ sở sản xuất thống nhất, với sự lưu chuyển tự do của hàng hóa, dịch vụ, đầu tư, vốn và lao động có tay nghề trong ASEAN.

Về những thách thức khi thành lập AEC có thể ảnh hưởng đến các DN thương mại, ông Phạm Văn Quang cho rằng có nhưng không đáng ngại. Thông thường, khi một nhà bán lẻ lớn của nước ngoài đến một địa bàn nào đó, họ sẽ tìm cách hợp tác với các DN bản địa, hoặc nếu không thì dù họ có tiềm lực tài chính và chuyên nghiệp đến đâu cũng không thể “ôm” trọn thị trường. Họ cũng thường chỉ đặt trụ sở tại các đô thị lớn, khó có thể thâm nhập và thao túng thị trường nông thôn rộng lớn và đầy tiềm năng. Trong khi DN trong nước đã nắm bắt tâm lý tiêu dùng, thói quen mua sắm của người Việt, các cửa hàng và chợ truyền thống sẽ vẫn duy trì được ưu điểm riêng của nó và tiếp tục phát triển khi hàng hóa phong phú, giá rẻ hơn do tác động của hội nhập.

 

Điều đáng nói là hiện nay, nhiều chủ DN thương mại tỏ ra bi quan, tự ti, lo sợ sự cạnh tranh khốc liệt khi Việt Nam gia nhập AEC. Ông Phạm Văn Quang cho biết: Tiếp xúc với nhiều chủ DN, tôi nhận thấy nguyên nhân chính của thực trạng này là do họ thiếu thông tin về hội nhập. Muốn tồn tại và tiếp tục phát triển, DN phải luôn có tâm thế chủ động, vững vàng, tích cực nghiên cứu thị trường để từ đó kịp thời đề ra những giải pháp hợp lý, thích ứng với tình hình. Các cấp, ngành chức năng cũng cần tăng cường tuyên truyền, phổ biến thông tin, định hướng cho DN. “Hội nhập và cạnh tranh là tất yếu và điều đó sẽ tạo ra rất nhiều cơ hội làm ăn cho DN, điều quan trọng là DN phải nhìn nhận chính xác đâu là cơ hội, đâu là thách thức, điểm mạnh, điểm yếu của chính mình” – ông Phạm Văn Quang khẳng định.