Bảo đảm chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm

15:35, 29/06/2015

Theo Đề án quy hoạch phát triển chăn nuôi của tỉnh đến năm 2020, toàn tỉnh phấn đấu đầu tư xây dựng 22 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung...

Phóng viên Báo Thái Nguyên đã có cuộc trao đổi với đồng chí Đặng Viết Thuần, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh khi Công ty CP Thực phẩm Cầu Mây đưa cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung đi vào hoạt động cuối tháng 6-2015.

 

P.V: Đồng chí đánh giá như thế nào khi Công ty CP Thực phẩm Cầu Mây đưa cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung vào hoạt động?

 

Đồng chí Đặng Viết Thuần: Thái Nguyên có 2 cơ sở giết mổ gia cầm tập trung được quy hoạch xây dựng thì đây là cơ sở đầu tiên đi vào hoạt động. Cơ sở này được trang bị khá hoàn thiện với dây chuyền giết mổ treo có công suất 260 con lợn/ngày. Đây là một điểm nhấn trong việc thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp. Chính quyền địa phương và người dân cũng đã quan tâm tạo điều kiện cho cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm đi vào hoạt động. Trên địa bàn tỉnh hiện có hằng trăm nghìn người hằng ngày ăn ở các bếp ăn tập thể, vì thế đây là một cơ hội để chúng ta đưa được thực phẩm sạch vào các bếp ăn tập thể.

 

P.V: Đồng chí đánh giá như thế nào về cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh?

 

Đồng chí Đặng Viết Thuần: Tôi cho rằng, đây là cái đích mà chúng ta phải tiến tới trong quá trình thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp. Đây là cơ sở chế biến thực phẩm sạch sẽ hơn hẳn các lò giết mổ khác và tại các gia đình. Những chỗ như thế này mới có thể thực hiện tốt vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm. Gia súc, gia cầm đưa vào cơ sở giết mổ và sản phẩm bán ra thị trường được kiểm soát chặt chẽ. Đây cũng chính mục tiêu để từ đây thực hiện chuỗi liên kết với các hợp tác xã, với các hộ chăn nuôi lớn để bảo đảm sản phẩm của ngành chăn nuôi cung cấp cho các bếp ăn tập thể, cung cấp cho người tiêu dùng.

 

P.V: Để phát huy vai trò của các doanh nghiệp trong đầu tư xây dựng các cơ sở giết mổ tập trung, tỉnh đã thực hiện những cơ chế nào thưa đồng chí?

 

Đồng chí Đặng Viết Thuần: Nhà nước và tỉnh cũng đã có cơ chế. Chúng tôi đã giúp cho các huyện khó khăn về công tác giải phóng mặt bằng, còn đối với thành phố và thị xã, thì tới đây phải tự giải phóng mặt bằng, mời nhà đầu tư vào. Thực hiện Nghị định số 210 ngày 19-12-2013 của Chính phủ về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, tỉnh cũng sẽ hỗ trợ doanh nghiệp một giá trị nhất định. Với cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm Cầu Mây, tỉnh đã hỗ trợ làm đường điện, đường và sân bê tông. Huyện Phú Bình cũng đã thực hiện công tác giải phóng mặt bằng 3ha ở xã Bảo Lý để giao cho nhà đầu tư làm cơ sở nuôi nhốt gia súc, gia cầm nhằm bảo đảm cho cơ sở giết mổ tập trung có quy mô hiện đại. Còn về phía doanh nghiệp, đây là sự nỗ lực ban đầu, một cơ sở chế biến muốn tồn tại như các cơ sở khác thì cần phải tự mình nắm vững phương pháp quản lý, có mối quan hệ tốt, có tiềm lực tài chính. Với sự quan tâm của các cấp chính quyền địa phương, hy vọng cơ sở này sẽ phát triển bền vững.