Huyện Đại Từ đã quy hoạch 4 cụm công nghiệp (CCN) với tổng diện tích trên 180ha, tuy nhiên đến nay mới chỉ có 3 nhà máy đầu tư xây dựng trên diện tích 53ha tại 2 CCN (chiếm chưa đầy 30% tổng diện tích đất đã quy hoạch).
Các nhà chuyên môn và nhà đầu tư cho rằng, việc xây dựng các CCN ở Đại Từ vẫn gặp một số khó khăn, vướng mắc. Theo quy hoạch, huyện Đại Từ có 4 CCN là: Phú Lạc 1, Phú Lạc 2, An Khánh 1 và An Khánh 2. Trong đó, tại CCN An Khánh 1, các nhà đầu tư đã xây dựng 2 nhà máy: Xi măng Quán Triều và Nhiệt điện An Khánh; tại CCN Phú Lạc 2, Nhà máy may TNG mới đi vào hoạt động; còn CCN Phú Lạc 1 và An Khánh 2 chưa có hoạt động đầu tư nào kể từ thời điểm được phê duyệt đến nay.
An Khánh 1 là CCN hình thành sớm nhất trên địa bàn huyện Đại Từ với Nhà máy Xi măng Quán Triều đi vào hoạt động ổn định từ quý III/2011. Năm 2014, giá trị sản xuất công nghiệp của Nhà máy Xi măng Quán Triều ước đạt 308 tỷ đồng, đóng góp hơn 13 tỷ đồng vào ngân sách Nhà nước, giải quyết việc làm cho 395 lao động với thu nhập bình quân 5 triệu đồng/người/tháng. Còn Nhà máy Nhiệt điện An Khánh khởi công vào đầu năm 2010 trên diện tích 25,39ha với tổng vốn đầu tư 3.900 tỷ đồng. Năm 2014, Nhà máy cơ bản hoàn thành xây dựng hạ tầng và đến đầu năm 2015 đã đi vào hoạt động.
Mặc dù đã có hai nhà máy đi vào hoạt động khá lâu nhưng cơ sở hạ tầng thiết yếu của CCN An Khánh 1 hầu như chưa có. Thậm chí, CCN này không có cả đường vào riêng, toàn bộ hoạt động vận tải của các nhà máy thông qua đường giao thông liên xã. Do xe tải trọng lớn thường xuyên đi lại nên hiện nay, tuyến đường liên xã này đã hư hỏng nặng ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của CCN và người dân sinh sống tại đây. Ngoài ra, CCN An Khánh 1 cũng thiếu hạ tầng điện nước và quá gần nhà dân nên thời gian qua, nhân dân khu vực này nhiều lần kiến nghị về tình trạng ô nhiễm bụi, tiếng ồn và nguồn nước. Ông Lưu Văn Toán, Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Đại Từ cho biết: Thời gian gần đây, sau khi có thêm Nhà máy Nhiệt điện An Khánh hoạt động, nhiều người dân tiếp tục kiến nghị tiếng ồn tại CCN An Khánh 1 quá lớn ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của nhân dân.
Đối với CCN Phú Lạc 2, Nhà máy may TNG khởi công vào cuối năm 2013 trên diện tích 6,9ha và đã đi vào hoạt động trong quý I-2015. Nhà máy có tổng vốn đầu tư 200 tỷ đồng, dự kiến quy mô 35 dây chuyền may, tạo việc làm cho khoảng 2.000 công nhân, tuy nhiên do vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng nên Nhà máy còn một số hạng mục là nhà kho nguyên vật liệu, nhà cắt, nhà văn phòng chưa thể xây dựng hoàn thiện. Đại diện chủ đầu tư hạ tầng CCN Phú Lạc 2, ông Nguyễn Văn Thời, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG chia sẻ: Mặc dù được chính quyền các cấp tạo nhiều điều kiện hỗ trợ nhưng việc xây dựng CCN Phú Lạc 2 vẫn gặp nhiều khó khăn, nhất là về công tác giải phóng mặt bằng. Công ty đề nghị các cấp chính quyền sớm giải quyết để có điều kiện xây dựng hoàn thiện nhà máy.
Về 2 CCN chưa có hoạt động đầu tư nào kể từ thời điểm được phê duyệt là An Khánh 2 và Phú Lạc 1 thì CCN Phú Lạc 1 đang tồn tại nhiều vướng mắc. CCN này có diện tích 52ha, được phê duyệt năm 2008 và chủ đầu tư hạ tầng đã giải phóng mặt bằng 15,6ha đất. Do khó khăn về kinh tế, đơn vị này đã xin thôi là chủ đầu tư xây dựng kinh doanh hạ tầng vào cuối năm 2012 và Sở Công Thương đã ra thông báo thu hồi giấy chứng nhận đầu tư CCN Phú Lạc 1. Tuy nhiên, đến nay, đơn vị chủ đầu tư cũ vẫn quản lý 15,6ha, không có hoạt động xây dựng hay có động thái trả lại đất, khiến chính quyền địa phương gặp khó khăn trong quản lý. Hiện nay, 2 doanh nghiệp đã đăng ký đầu tư vào CCN Phú Lạc 1 với số vốn đăng ký 371 tỷ đồng trên diện tích 17ha, tuy nhiên do chưa có chủ đầu tư xây dựng hạ tầng nên chưa thể đầu tư xây dựng nhà máy.
Tại cuộc họp bàn gần đây, các nhà chuyên môn và nhà đầu tư đã đưa ra nhiều ý kiến tâm huyết lý giải về thực trạng khó khăn khi đầu tư các CCN. Một số nhà đầu tư phân tích: Xây dựng hạ tầng CCN nhỏ chắc chắn lỗ vì chi phí đầu tư có giá cao hơn nhiều so với giá cho thuê đất của tỉnh. Bởi lẽ, CCN nhỏ vẫn phải thực hiện qua các bước thủ tục hành chính, phê duyệt, bồi thường giải phóng mặt bằng, xây dựng cơ sở hạ tầng như: đường giao thông, hệ thống điện, thoát nước mặt, xử lý nước thải. Trong khi đó, khả năng cho thuê được đất tại CCN thấp, cơ chế chính sách, thủ tục pháp lý hỗ trợ CCN chưa nhiều. Ngoài ra, việc quy hoạch, xây dựng CCN đôi khi dựa trên mong muốn xây dựng nhà máy của một số chủ đầu tư nên quá trình quy hoạch, xây dựng hạ tầng CCN gặp nhiều khó khăn, bất cập.
Trên thực tế, tình hình phát triển CCN trên địa bàn huyện Đại Từ cũng là thực trạng chung của tỉnh. Để khắc phục tình trạng này, một số nhà chuyên môn cho rằng, Nhà nước cần đóng vai trò “bà đỡ”, đứng ra đầu tư hạ tầng CCN, sau đó cho các doanh nghiệp thuê hoặc có quy định, cơ chế hỗ trợ các chủ đầu tư hạ tầng CCN cụ thể, chi tiết. Ngoài ra, chính quyền các cấp cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao năng lực giải phóng mặt bằng; khuyến khích mọi thành phần kinh tế đầu tư phát triển sản xuất công nghiệp; đặc biệt là đầu tư phát triển công nghiệp nông thôn, tiểu thủ công nghiệp và làng nghề…