Vốn nhà nước dành cho đầu tư chiếm tỷ trọng rất lớn trong GDP, là nguồn lực quan trọng cho phát triển kinh tế của đất nước. Tuy nguồn vốn dành cho đầu tư thường ít hơn nhiều so với nhu cầu nhưng tình trạng đáng báo động là nợ đọng xây dựng cơ bản (XDCB) từ vốn ngân sách nhà nước (NSNN) hiện nay đã trở nên phổ biến, giống như một căn bệnh khó chữa.
Nợ XDCB khiến các nhà thầu không có vốn để thực hiện tái sản xuất, dẫn đến tình trạng nhà thầu chiếm dụng vốn của doanh nghiệp (DN) cung cấp vật tư, chiếm dụng tiền lương của người lao động..., còn chiếm dụng vốn của các tổ chức tín dụng sẽ dẫn tới mất an toàn tài chính.
Giải ngân thấp
Ước tính đến hết tháng 6-2015, kết quả thanh toán vốn đầu tư XDCB từ nguồn nhà nước đạt thấp hơn cùng kỳ năm trước. Cụ thể: Vốn XDCB tập trung đã thanh toán đạt trên 81 nghìn tỷ đồng, đạt 45,9% kế hoạch đã giao (cùng kỳ năm 2014 đạt 49,6%); trong đó, nguồn vốn do các bộ, ngành T.Ư quản lý đạt gần 15 nghìn tỷ đồng, đạt 38,9% kế hoạch; nguồn vốn địa phương quản lý đạt gần 67 nghìn tỷ đồng, đạt 47% kế hoạch. Nguồn vốn trái phiếu Chính phủ (TPCP) đã thanh toán đạt gần 28 nghìn tỷ đồng, đạt 36% kế hoạch đã giao (cùng kỳ năm 2014 đạt 40,3%). Trong đó, nguồn vốn do các bộ, ngành T.Ư quản lý đạt gần 15 nghìn tỷ đồng, nguồn vốn địa phương quản lý đạt gần 13 nghìn tỷ đồng.
Có thể thấy kết quả giải ngân sáu tháng đầu năm 2015 vẫn còn thấp, khi tổng số vốn đầu tư XDCB tập trung giải ngân qua Kho bạc Nhà nước (KBNN) thấp hơn 3,7% so với cùng kỳ; nguồn vốn TPCP thấp hơn tới 4,3% so cùng kỳ. Có nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng giải ngân thấp, trong đó có nguyên nhân cơ chế chính sách liên quan đến lĩnh vực quản lý đầu tư và xây dựng thời gian qua có nhiều thay đổi và có hiệu lực thi hành từ năm 2014, 2015. Có thể kể tới Luật Đầu tư công, Luật Xây dựng, Luật Đấu thầu; các Nghị định của Chính phủ, và điều này dẫn đến những dự án, công trình triển khai trong năm 2015 đã phần nào bị ảnh hưởng đến việc triển khai thực hiện, giải ngân, do phải thực hiện điều chỉnh kế hoạch đấu thầu, điều chỉnh hợp đồng...
Riêng đối với các dự án ODA thì việc giải ngân nguồn vốn này phải trên cơ sở kế hoạch vốn năm được giao, nhưng nhiều dự án ODA được bố trí kế hoạch vốn năm 2015 thấp hơn so với tiến độ thực hiện dự án, thậm chí có một số dự án không được giao kế hoạch vốn ODA năm 2015 nên cũng đã phần nào ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân của các dự án ODA. Không những thế, việc triển khai thực hiện của các chủ đầu tư cũng còn một số vấn đề bất cập, như: công tác hoàn thiện thủ tục đầu tư của các dự án còn chậm so với quy định; công tác đấu thầu, thi công công trình, nghiệm thu khối lượng thanh toán chưa thực hiện ngay từ đầu năm nên việc giải ngân cho dự án còn chậm; chưa giải quyết dứt điểm vướng mắc trong công tác đền bù giải phóng mặt bằng nhằm bàn giao mặt bằng cho dự án triển khai đúng tiến độ.
Cần nhiều giải pháp đồng bộ
Để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư XDCB trong những tháng còn lại của năm 2015, mặt khác để thực hiện chính sách tài khóa theo chỉ đạo của Chính phủ, thực hiện các biện pháp thiết thực, hiệu quả nhằm tập trung tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh gắn với hỗ trợ phát triển thị trường, Bộ Tài chính đã cam kết bảo đảm nguồn vốn kịp thời thanh toán cho các công trình khi có đủ điều kiện. Đồng thời, Bộ Tài chính kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Xây dựng khẩn trương hoàn chỉnh các nghị định hướng dẫn Luật Đầu tư công, Luật Xây dựng để trình Thủ tướng Chính phủ ký ban hành để các bộ, ngành và địa phương có căn cứ thực hiện các nhiệm vụ trong những tháng cuối năm 2015; chỉ đạo các bộ, UBND các tỉnh tích cực, quyết liệt và chủ động trong triển khai kế hoạch đầu tư năm 2015; phối hợp chặt chẽ với cơ quan tài chính, KBNN các cấp trong xử lý, điều hòa, điều chỉnh, thanh toán vốn cho các dự án cụ thể.
Đối với cơ quan tài chính, để các bộ, ngành và địa phương thực hiện kịp thời, đầy đủ các quy định mới về quản lý vốn đầu tư nguồn NSNN và vốn TPCP theo Luật Đầu tư công và các nghị định hướng dẫn kèm theo, Bộ Tài chính sẽ sớm ban hành các Thông tư sửa đổi hướng dẫn liên quan đến quản lý và thanh toán vốn NSNN và TPCP (sửa đổi Thông tư 86, Thông tư 05, Thông tư 19). Tiếp tục báo cáo Thủ tướng Chính phủ để xem xét, giải quyết kịp thời các vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện quản lý vốn đầu tư XDCB trong những tháng cuối năm 2015. Đồng thời, Bộ Tài chính sẽ phối hợp chặt chẽ với cơ quan Kế hoạch và Đầu tư để xử lý các vướng mắc trong khâu phân bổ vốn, tạo điều kiện cho các dự án được triển khai sớm.
Riêng đối với hệ thống KBNN, Bộ Tài chính chỉ đạo KBNN hướng dẫn, tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ đầu tư trong việc hoàn tất các hồ sơ, thủ tục thanh toán vốn; phối hợp chặt chẽ với chủ đầu tư để xử lý các vướng mắc phát sinh trong quá trình thanh toán, kịp thời báo cáo ngay những vấn đề vượt thẩm quyền để Bộ Tài chính xem xét, giải quyết; tiếp tục cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tránh gây phiền hà cho chủ đầu tư. KBNN tiếp tục thực hiện việc thu hồi tạm ứng đối với các dự án có số dư tạm ứng vốn đầu tư lớn, một số dự án tạm ứng kéo dài từ nhiều năm, đặc biệt số dư tạm ứng đền bù giải phóng mặt bằng, chưa có biện pháp đôn đốc thu hồi quyết liệt (theo thống kê tính đến tháng 5-2015, số dự tạm ứng toàn hệ thống KBNN là hơn 52.252 tỷ đồng).
Bên cạnh đó, KBNN thực hiện thông báo công khai số liệu giải ngân định kỳ đối với nguồn vốn đầu tư XDCB từ các nguồn trên để giúp các bộ, ngành, địa phương tăng cường chỉ đạo thực hiện kế hoạch và giải ngân vốn đầu tư XDCB năm 2015.
Riêng việc tổ chức rà soát quy trình kiểm soát chi NSNN, đồng thời đề xuất phương án cải cách thủ tục hành chính cần được tiếp tục coi là một trong những biện pháp để hệ thống KBNN hoàn thiện quy trình luân chuyển chứng từ thanh toán vốn đầu tư XDCB, phấn đấu rút ngắn thời gian kiểm soát chi đầu tư trong nội bộ hệ thống KBNN trong thời gian tới. Đồng thời, KBNN cần triển khai thí điểm quy trình giao dịch điện tử thông qua dịch vụ công trên cổng thông tin KBNN.
Đối với các bộ, ngành và địa phương, việc thực hiện kịp thời, đầy đủ các quy định về quản lý vốn đầu tư nguồn NSNN và TPCP là rất cần thiết. Cùng với đó, cần khẩn trương rà soát, xử lý dứt điểm các bất cập trong việc phân bổ kế hoạch vốn đầu tư năm 2015; sớm hoàn thành công tác phân bổ kế hoạch vốn đợt 3 được Thủ tướng Chính phủ giao, kịp thời báo cáo các vấn đề vượt thẩm quyền; phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính xử lý các vướng mắc trong phân bổ và thực hiện kế hoạch vốn đầu tư; phối hợp với hệ thống KBNN tháo gỡ vướng mắc trong công tác kiểm soát, thanh toán vốn đầu tư.
Bên cạnh đó, cần rốt ráo chỉ đạo các chủ đầu tư phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương khẩn trương xử lý dứt điểm những dự án còn có vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng để sớm bàn giao mặt bằng cho nhà thầu thi công xây dựng; có biện pháp tháo gỡ khó khăn và chỉ đạo chủ đầu tư thúc đẩy nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, nghiệm thu khối lượng, hoàn thiện hồ sơ thanh toán gửi KBNN làm cơ sở kiểm soát, thanh toán; phối hợp với KBNN địa phương để đối chiếu, rà soát các khoản dư tạm ứng vốn đầu tư còn tồn đọng, có biện pháp thanh toán để thu hồi số vốn đã tạm ứng. Định kỳ, tổ chức giao ban giữa các chủ đầu tư với các ban quản lý về tình hình thực hiện và giải ngân các dự án để thúc đẩy việc giải ngân vốn nhanh, hết kế hoạch được giao...
Về công tác quyết toán, Bộ Tài chính đề nghị các bộ, ngành quan tâm chỉ đạo công tác quyết toán vốn đầu tư gồm quyết toán niên độ ngân sách hằng năm và quyết toán dự án hoàn thành.
Đối với các chủ đầu tư, cần khẩn trương hoàn thiện thủ tục đầu tư, đẩy nhanh đấu thầu, thi công công trình, nghiệm thu khối lượng thanh toán nhằm thực hiện ngay việc giải ngân cho các dự án; tập trung chỉ đạo trong công tác đền bù giải phóng mặt bằng; kiểm tra, chấn chỉnh công tác tạm ứng theo hợp đồng, bảo đảm theo đúng quy định, tránh trường hợp tạm ứng sai mục đích, tạm ứng để chạy vốn, tăng cường công tác kiểm tra các khoản đã tạm ứng. Tích cực xử lý các vướng mắc phát sinh nhằm hoàn thành tốt kế hoạch vốn đầu tư xây dựng cơ bản Nhà nước giao năm 2015. Đồng thời, cần rà soát, khẩn trương hoàn thiện hồ sơ, thủ tục đầu tư của các dự án, các hợp đồng (đối với những dự án, hợp đồng cần phải điều chỉnh, bổ sung) theo quy định. Không những thế, các chủ đầu tư cần tập trung chỉ đạo công tác đền bù giải phóng mặt bằng; phối hợp và tăng cường kiểm tra các nhà thầu, các đơn vị thực hiện nhiệm vụ đền bù giải phóng mặt bằng đối với các khoản đã tạm ứng, bảo đảm vốn tạm ứng được sử dụng đúng đối tượng, đúng quy định; khẩn trương nghiệm thu, hoàn thiện hồ sơ và làm thủ tục thanh toán đối với khối lượng công việc đền bù giải phóng mặt bằng đã hoàn thành để hoàn ứng, giảm số dư tạm ứng vốn đầu tư tại cơ quan KBNN. Ngoài ra, cần phối hợp với nhà thầu khẩn trương nghiệm thu khối lượng ngay sau khi hoàn thành để thanh toán, bảo đảm chính xác, kịp thời tạo điều kiện cho các nhà thầu xây dựng, tránh dồn vào cuối năm.