Để ngăn chặn nạn phá rừng phòng hộ

16:04, 01/06/2015

Như thông tin chúng tôi đã đưa, năm 2005, rừng phòng hộ hồ Núi Cốc đã một lần bị chặt phá. Và giờ đây sau 10 năm, những vạt rừng keo của các đảo vùng hồ du lịch Núi Cốc lại một lần nữa bị đốn hạ.

Chưa có thống kê cụ thể về mức độ thiệt hại của rừng phòng hộ hồ Núi Cốc, song nếu người dân chú tâm bảo vệ, lực lượng Kiểm lâm của Ban Quản lý rừng phòng hộ và bảo vệ môi trường hồ Núi Cốc trách nhiệm hơn nữa thì rừng khó bị lâm tặc tàn phá. Vậy làm thế nào để ngăn chặn được nạn phá rừng, trả lại màu xanh cho đất?

 

Rừng bị tàn phá

 

Một ngày giữa tháng 5 vừa qua, chúng tôi đã đi thị sát vùng hồ Núi Cốc, lên các đảo thuộc khu vực Hang Cà, nơi khu rừng phòng hộ hồ Núi Cốc bị lâm tặc tàn phá nặng nề nhất. Đi qua các đảo, có đảo chỉ còn lưa thưa cây, có đảo thì những vạt rừng cháy xém, nhiều cây bị cắt chỉ còn gốc trơ trọi, cành khô lá chưa rụng hết, nhìn mà không khỏi xót xa.

 

Ông Lê Thanh Tân, Phó Chủ tịch UBND xã Phúc Tân (Phổ Yên) xác nhận: Những lô rừng phòng hộ hồ Núi Cốc thuộc địa phận xóm 11 xã Phúc Tân giáp với xã Vạn Thọ (Đại Từ) đã bị tàn phá đến kiệt quệ. Sự việc này diễn ra trong khoảng 1 năm qua. Lâm tặc không vận chuyển gỗ khai thác trái phép từ rừng phòng hộ qua địa bàn xã mà chủ yếu sang xã Vạn Thọ...

 

Trao đổi với ông Ngô Xuân Hải, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm về vấn đề này, chúng tôi được biết: Khu vực rừng phòng hộ tương đối đặc thù, trải rộng trên địa bàn của 6 xã thuộc 3 huyện, thành: Phúc Tân (Phổ Yên); Phúc Xuân, Phúc Trìu (T.P Thái Nguyên); Vạn Thọ, Tân Thái, Lục Ba (Đại Từ) với diện tích gần 3.457ha. Việc quy hoạch xác lập rừng phòng hộ nhằm bảo vệ công trình đại thuỷ nông hồ Núi Cốc mới có sau khi người dân đã sinh kế, sinh sống và canh tác. Rừng phòng hộ được quản lý theo phương thức: đồng quản lý, Ban Quản lý rừng phòng hộ bảo vệ môi trường hồ Núi Cốc và các hộ dân với vai trò là đồng chủ rừng.

 

Tuy là rừng phòng hộ nhưng chủ yếu là trồng keo bởi đây là loại cây mọc nhanh, khép tán sớm. Nguyên nhân của nạn phá rừng là do vấn đề sinh kế. Rừng sản xuất và rừng trồng thời gian khai thác chủ động hơn, còn rừng phòng hộ của Nhà nước tương đối ngặt nghèo, người dân chỉ được khai thác khi cây bị chết, khai thác tỉa thưa tạo không gian dinh dưỡng cho rừng. Một nguyên nhân nữa là cây keo không phù hợp với yêu cầu phòng hộ bởi chu kỳ ngắn (7 năm), nếu kéo dài chu kỳ kinh doanh thì cây sẽ bị rỗng ruột và tự đổ gãy. Thêm vào đó, nhu cầu sử dụng gỗ keo lớn; các cơ sở chế biến gỗ mọc lên như nấm và thu mua theo cơ chế thông thoáng (mua cân) nên rất tiện lợi cho lâm tặc và một phần nào đó có cả chủ rừng. Phương thức, hành vi của lâm tặc diễn ra thường xuyên, nhỏ lẻ, không ồ ạt nên rất khó quản lý. Lâm tặc thường chặt cây vào ban ngày, sẩm tối, vận chuyển vào ban đêm và cặp vào hai bên mạn thuyền. Khi bị phát hiện chúng chặt đứt dây, gỗ chìm xuống dưới lòng hồ, lực lượng kiểm lâm cũng không thu giữ và xử lý được bởi lòng hồ rất sâu, không còn tang chứng, vật chứng... Cho dù lực lượng kiểm lâm cũng đã cố gắng nhưng do địa hình sông nước, thời gian, địa điểm vi phạm và phương thức, thủ đoạn của lâm tặc khiến cho công tác quản lý bảo vệ rừng phòng hộ gặp nhiều khó khăn.

 

Năm 2005, rừng phòng hộ hồ Núi Cốc cũng đã một lần bị chặt phá (200ha), và giờ đây sau 10 năm, những rừng keo của vùng hồ du lịch Núi Cốc lại một lần nữa bị đốn hạ. Mặc dù có các trạm kiểm lâm Phúc Xuân, Phúc Tân, Vạn Thọ (thuộc Ban Quản lý rừng phòng hộ và bảo vệ môi trường hồ Núi Cốc) và khi tình trạng khai thác trái phép diễn ra thường xuyên thì một chốt kiểm lâm ở Đảo Cò cũng được thiết lập song rừng phòng hộ hồ Núi Cốc vẫn bị chặt phá; khối lượng gỗ do lực lượng kiểm lâm thu giữ được cũng chỉ chiếm một phần rất nhỏ… Câu hỏi đặt ra là Ban Quản lý rừng phòng hộ và bảo vệ môi trường hồ Núi Cốc đã làm hết trách nhiệm?

 

Trả lại màu xanh cho rừng

 

Về giải pháp lâu dài để trả lại màu xanh cho rừng, theo ông Ngô Xuân Hải thì cần triển khai công tác bảo vệ và phát triển rừng mang tính bền vững, gắn với việc tạo sinh kế cho người dân. Chi cục Kiểm lâm đã xây dựng phương án quản lý, bảo vệ phát triển rừng bền vững rừng phòng hộ hồ Núi Cốc, có sự tham gia của người dân, đã tạo được sự đồng thuận chung trong khu vực này. Nội dung của phương án là: Rà soát lại toàn bộ phạm vi ranh giới, việc giao nhận khoán trước đây, trình UBND tỉnh thực hiện việc giao nhận khoán khép kín. Vấn đề cốt lõi là chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên diện tích rừng này. Năm 2015, thực hiện chuyển đổi các đối tượng rừng ở cấp tuổi 3, 4, 5 (sau đó mới đến các đối tượng còn lại) trên diện tích 90ha. Cho phép các chủ rừng thiết lập hồ sơ, khai thác, sau khai thác có cơ chế hưởng lợi nâng cao một bước chất lượng giao nhận khoán của các chủ rừng và nghĩa vụ đóng góp với các địa phương theo quy định. Sau khai thác trồng cây bản địa đa tác dụng có chu kỳ kinh doanh dài phù hợp với mục tiêu phòng hộ. Về nguồn vốn: tỉnh giao cho Sở Nông nghiệp và PTNT tham mưu cho HĐND tỉnh cơ chế chính sách hỗ trợ cho hộ dân tham gia. Phương án hiện đã được phê duyệt và thực hiện. Làm tốt điều này sẽ góp phần giảm tải việc khai thác rừng trái phép. Dưới tán rừng trồng xen cây dược liệu, vừa tạo cảnh quan tác dụng phòng hộ, vừa tạo sinh kế cho người dân, đồng thời thu hút các nguồn vốn khác hỗ trợ người dân như giảm phát khí thải nhà kính; mua bán tín chỉ cacbon, nguồn vốn uỷ thác Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng... đồng thời nâng cao ý thức của người dân trong việc quản lý, bảo vệ phát triển đối với rừng phòng hộ….