Doanh nghiệp trước áp lực tăng giá nhiên liệu

15:32, 03/06/2015

Điện, than, xăng dầu và các loại chất đốt khác đều đang tăng giá, gây ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp.

Điều đó cũng dễ hiểu bởi đây chính là nguồn nhiên liệu đầu vào tối cần thiết phục vụ sản xuất của mỗi đơn vị. Lúc này, các doanh nghiệp đang phải căng mình để tiết kiệm chi phí, hạ giá thành sản phẩm, giải quyết hàng tồn đọng...

 

Giá nhiên liệu đầu vào tăng

 

Thời gian gần đây, giá nhiên liệu đầu vào phục vụ sản xuất công nghiệp lại tiếp tục tăng sau một thời gian có chiều hướng ổn định. Bắt đầu từ tháng 3 năm nay, ngành Điện chính thức điều chỉnh tăng mức giá bán điện trung bình là 7,5%. Có thể thấy, từ năm 2013 đến nay, trung bình mỗi năm ngành Điện đều có điều chỉnh giá bán điện tăng ít nhất một lần. Lần điều chỉnh này tuy tác động không lớn đến sinh hoạt của nhân dân, nhưng lại ảnh hưởng đáng kể tới sản xuất công nghiệp - khu vực có phụ tải lớn. Đối với những doanh nghiệp có cấp điện áp từ 22 đến dưới 110kv (phụ tải lớn), mức quy định tăng cụ thể so với trước là: Tăng 202 đồng/kWh khi sản xuất trong giờ cao điểm, tăng 87 đồng/kWh ở giờ thấp điểm và tăng 122 đồng/kWh ở giờ bình thường. Các chuyên gia kinh tế cho rằng trong thời điểm hiện nay, việc điều chỉnh giá điện tăng là khá nhạy cảm bởi đây là lúc các hoạt động sản xuất, kinh doanh của nhiều doanh nghiệp đang gặp khó khăn. Tuy nhiên, theo lộ trình đề ra của ngành Điện thì giá điện phải tăng từ 15% đến 20% mới đủ bù đắp chi phí.

 

Đối với than, xăng dầu và một số loại chất đốt khác, giá bán hiện thời cũng đang khá cao. Riêng xăng dầu, từ đầu năm đến nay đã có ít nhất 3 lần thay đổi giá theo hướng tăng lên. Gần đây nhất (ngày 20-5), giá xăng đã tăng thêm 1.200 đồng/lít, tức là ở mức 20.436 đồng/lít. Còn than cốc dùng cho luyện kim, dù giá trên thị trường thế giớ đã giảm, song trong nước vẫn tăng ở mức từ 5% đến 6% so với năm trước. Theo nhận định chuyên môn, đáng lẽ khi thị trường chưa hết khó khăn, hàng hóa vẫn tồn đọng thì giá nhiên liệu phải giảm xuống, nhưng thực tế lúc này đang có chiều hướng ngược lại. Đối với tỉnh ta, một địa phương có ngành công nghiệp luyện kim, cơ khí chế tạo và sản xuất vật liệu xây dựng phát triển, lượng tiêu thụ nhiên liệu đầu vào lớn, thì việc tăng giá có những ảnh hưởng ghê gớm đến sản xuất.

 

Doanh nghiệp gặp khó

 

Trên địa bàn tỉnh hiện có nhiều nhà máy, xí nghiệp có mức tiêu thụ điện năng mỗi tháng lên tới 20 - 30 triệu kWh và hàng chục nghìn tấn than các loại với giá trị trung bình từ 20 đến 30 tỷ đồng. Đấy là chưa kể một số đơn vị có lượng tiêu thụ điện năng “khủng” do hoạt động trong lĩnh vực luyện kim, điện tử, may mặc và sản xuất vật liệu xây dựng. Với Nhà máy Xi măng Quang Sơn, khi tăng 7,5% giá điện thì có nghĩa mỗi tháng đơn vị này phải trả thêm trên 800 triệu đồng. Với các chi nhánh sản xuất của Công ty CP Gang thép Thái Nguyên số tiền điện tăng thêm mỗi tháng cũng ở mức từ 1,6 tỷ đồng đến 2 tỷ đồng. Còn với Công ty CP Đầu tư và Thương mại TNG thì mức tiền điện cũng tăng thêm khoảng từ 350 đến 500 triệu đồng. Thời gian qua, ở những lúc khó khăn, nhiều  đơn vị phải miễn cưỡng nợ lại một phần tiền điện. Phía Công ty CP Xi măng Quang Sơn đã có lúc phải kiến nghị với Công ty Điện lực Thái Nguyên cho nộp rải số tiền điện ra làm 3 lần trong tháng. Theo lãnh đạo Công ty CP Gang thép Thái Nguyên, với giá điện tăng như hiện nay mỗi tấn sản phẩm của đơn vị sẽ tăng khoảng 100 nghìn đồng. Với mức giá bán trên 11.400 nghìn đồng/tấn thép mà đơn vị hiện đang bán thì gần như không có lãi.

 

Đối với các doanh nghiệp sản xuất nhỏ, tuy mức độ ảnh hưởng không quá lớn, nhưng cũng đủ gây khó cho đơn vị. Nhà máy luyện gang Trung Việt (tại xã Hóa Trung, huyện Đồng Hỷ) chủ yếu sử dụng điện làm nhiên liệu nên trung bình mỗi tháng đơn vị phải thanh toán khoảng 3 tỷ đồng tiền điện. Hiện nay, khi giá điện tăng, số tiền điện phải trả mỗi tháng đã tăng thêm gần 200 triệu đồng. Theo tính toán của Nhà máy thì với giá điện trước đây sản xuất còn có lãi, nhưng áp giá điện hiện tại thì chỉ hòa vốn, nếu không tiết kiệm còn bị lỗ. Không tiêu hao nhiều điện năng, nhưng Nhà máy luyện gang Nam Son (xã Nam Hòa, huyện Đồng Hỷ) lại ngốn tới cả trăm tấn than các loại mỗi ngày. Hiện nay giá than trong nước vẫn cao hơn so với thị trường thế giới, trong khi mỗi ngày Nhà máy ngốn tới 700, 800 triệu đồng tiền than. Lãnh đạo Nhà máy cho rằng, với mức giá nhiên liệu còn cao sẽ đội giá thành sản phẩm lên vượt ngưỡng thị trường có thể chấp nhận.

 

Nhiều biện pháp thích ứng

 

Trước những khó khăn trên, hầu hết các nhà máy, xí nghiệp đều chọn cho mình giải pháp là điều chỉnh kế hoạch sản xuất, bố trí ca kíp hợp lý hoặc sử dụng máy phát điện dự phòng để bảo đảm một phần nhu cầu điện của đơn vị. Mặt khác, tăng cường biện pháp tiết kiệm trong sản xuất, hạ giá thành sản phẩm hoặc tăng dần giá bán để thích ứng với thị trường. Quan điểm của các Nhà máy xi măng trên địa bàn là ngoài các biện pháp kỹ thuật thì tăng giá bán sản phẩm là điều chắc chắn để đảm bảo kế hoạch tài chính của từng đơn vị. Còn đối với một số đơn vị luyện kim thì phản ứng đầu tiên của doanh nghiệp chính là đẩy mạnh tiết kiệm trong sản xuất. Theo đó, ngay từ khâu nguyên liệu đầu vào đã phải được tuyển chọn kỹ lưỡng, đảm bảo chất lượng tốt nhất bởi thực tế cho thấy nguồn nguyên liệu có chuẩn, lượng điện năng tiêu hao sẽ ít đi.

 

Các thiết bị không quá cần thiết trong dây chuyền sản xuất cần được tiết giảm tối đa, hạn chế chạy lò vào giờ cao điểm để tránh phải trả giá điện cao... Một số đơn vị còn áp dụng biện pháp giảm tiêu hao điện năng bằng cách hạn chế giờ máy ngừng, bởi mỗi lần khởi động lại lò cao, lượng điện năng sẽ tiêu thụ tốn gấp nhiều lần so với đang hoạt động. Cùng với đó là phương án giảm tối đa thời gian chạy không tải của máy móc, thiết bị. Còn đối với các đơn vị có mặt bằng sản xuất lớn, biện pháp là hạn chế tối đa dùng điện chiếu sáng bằng cách thay bóng đèn sợi đốt bằng bóng đèn compact. Một số đơn vị còn giao khoán định mức về tiêu hao nguyên, nhiên liệu cho các đơn vị thành viên, các phân xưởng để tăng tính tự giác, trách nhiệm. Đối với những doanh nghiệp vẫn đang vận hành các dây chuyền, thiết bị lạc hậu, tiêu tốn nhiều nhiên liệu cũng tính toán, lên kế hoạch nghiên cứu đầu tư thay thế...