Hướng tới tăng giá trị gia tăng ngành Trồng trọt

16:26, 13/06/2015

Len lỏi theo những con đường bê tông ở thị trấn Hùng Sơn (Đại Từ), đâu đâu chúng tôi cũng bắt gặp khung cảnh nhộn nhịp thu hoạch lúa vụ xuân.

Sau bao ngày vất vả, những người nông dân một nắng hai sương nơi vùng quê này rất vui khi vụ xuân, năng suất lúa đạt từ  2 đến 2,2 tạ/sào. Bà Nguyễn Thị Tiến, một người dân ở Đội 14, thị trấn Hùng Sơn cho hay: Gia đình tôi có 5 sào ruộng, một năm cấy 2 vụ lúa, trồng một vụ rau màu, thu nhập khoảng 25 triệu đồng đủ trang trải cuộc sống của 3 nhân khẩu trong gia đình.

Khác với gia đình bà Tiến, chị Nguyễn Thị Quế ở tổ dân phố số 22, phường Túc Duyên (T.P Thái Nguyên) lại tập trung thâm canh rau xanh. Với 3 sào rau chuyên canh, mùa nào thức nấy, mỗi năm chị thu nhập khoảng 50 triệu đồng. Thu nhập từ rau giúp gia đình chị có nguồn thu nhập ổn định.

Gia đình bà Tiến, chị Quế chỉ là hai trong hằng trăm nghìn hộ nông dân của tỉnh đang sống phụ thuộc chủ yếu vào sản xuất trồng trọt. Ông Hoàng Văn Dũng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT cho biết: Trồng trọt đang đóng một vai trò quan trọng trong sản xuất, đời sống và trở thành nguồn thu nhập chính của nông dân trong tỉnh. Trong đó, các loại cây trồng chính của tỉnh là cây lương thực có hạt (lúa, ngô); cây lấy củ có chất bột (khoai, sắn); rau , đậu, hoa cây cảnh; cây chè; cây ăn quả... Riêng năm 2014, toàn tỉnh gieo cấy được 72,5 nghìn ha lúa, sản lượng đạt xấp xỉ 370 nghìn tấn; 19,5 nghìn ha ngô, sản lượng đạt khoảng 80 nghìn tấn. Ngoài ra, hết năm 2014, toàn tỉnh trồng mới, trồng lại được gần 1.800ha chè, nâng diện tích chè toàn tỉnh lên 20,7 nghìn ha (trong đó, diện tích chè giống mới chiếm 56,8%), sản lượng đạt 193 nghìn tấn. Diện tích cây rau, đậu các loại là 12,7 nghìn ha; sản lượng nấm các loại đạt 5.250 tấn. Ngoài ra, trên 17 nghìn ha cây ăn quả các loại của tỉnh cũng cho sản lượng 90 nghìn tấn quả mỗi năm...

Sản xuất trồng trọt đang đóng vai trò quan trọng trong đời sống của nông dân Thái Nguyên. Tuy nhiên trên thực tế, lĩnh vực này vẫn đang vấp phải nhiều khó khăn khi hiệu quả thu được từ sản xuất trồng trọt chưa tương xứng với tiềm năng của địa phương. Từ nhiều năm nay, năng suất cây trồng chưa có bước tăng đột phá, tăng sản lượng chủ yếu do tăng diện tích gieo trồng; giá trị sản phẩm thu hoạch trên 1ha đất trồng trọt thấp (năm 2014 mới đạt 80 triệu đồng/ha). Lúa là một trong những cây trồng mũi nhọn của tỉnh, nhưng tỷ lệ giống xác nhận, giống lúa chất lượng cao còn thấp (mới chiếm gần 30%); năng suất lúa chưa tương xứng với tiềm năng (bình quân mới đạt trên 50 tạ/ha, trong khi nhiều tỉnh trong khu vực đã đạt tới 55 tạ/ha). Đặc biệt, tỉnh ta chưa quy hoạch được đất trồng lúa, vùng sản xuất lúa tập trung. Tương tự, với cây rau, màu, năng suất, chất lượng sản phẩm chưa cao; thiếu những loại rau màu thế mạnh; diện tích trồng cây vụ đồng hằng năm mới dừng ở con số gần 14 nghìn ha. Về phía nông dân, phần lớn mới tập trung sản xuất rau truyền thống, giá trị kinh tế thấp chứ chưa đẩy mạnh sản xuất theo quy trình VietGAP.

Riêng với cây chè, mặc dù tỉnh được đánh giá có thế mạnh sản xuất chè xanh chất lượng cao khi diện tích, năng suất, sản lượng chè đều khá cao, song trên thực tế, chất lượng, sức cạnh tranh sản phẩm chè của Thái Nguyên còn thấp. Người làm chè vẫn chủ yếu sản xuất, sơ chế theo phương pháp thủ công truyền thống quy mô hộ chứ chưa hình thành vùng sản xuất nguyên liệu tập trung liên kết với cơ sở chế biến, tiêu thụ sản phẩm; tỷ lệ chế biến công nghiệp và xuất khẩu thấp, đa phần là nguyên liệu thô, chất lượng, giá trị kinh tế chưa cao. Một thực tế nữa là tỉnh chưa thu hút được các doanh nghiệp trong, ngoài nước đầu tư vào sản xuất, chế biến chè công nghệ cao cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Việc chế biến, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm chè còn rất khó khăn...

Ở nhiều địa phương trong tỉnh, cây ăn quả, hoa, cây cảnh đã trở thành nguồn thu nhập chính của nhiều hộ nông dân. Tuy vậy, các loại cây này chủ yếu sản xuất phân tán với các giống cây ăn quả truyền thống; các loại hoa, cây cảnh giá trị kinh tế thấp... Các loại quả chủ yếu sử dụng tươi, chưa phát triển công nghiệp chế biến...

Nâng cao hiệu quả trong sản xuất trồng trọt là nhiệm vụ trọng tâm khi tỉnh ta đang tiến hành các bước để tái cơ cấu ngành Nông nghiệp. Theo ông Nguyễn Quốc Minh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, với mục tiêu từ nay đến năm 2020, mỗi năm tốc độ tăng giá trị sản xuất ngành Trồng trọt đạt 1%, tỉnh sẽ tập trung thực hiện nhiều giải pháp như quy hoạch vùng sản xuất sản phẩm hàng hóa tập trung với các đối tượng cây trồng có chất lượng, trong đó sẽ quy hoạch đến đơn vị cấp xã, vùng sản xuất; mỗi huyện lựa chọn từ 3-5 sản phẩm, mỗi xã lựa chọn từ 1-2 sản phẩm hàng hóa thế mạnh; phát triển cơ sở hạ tầng sản xuất, chế biến sản phẩm; đẩy mạnh sản xuất hàng hóa trên cơ sở ứng dụng khoa học và công nghệ, đặc biệt là khoa học công nghệ cao. Cùng với đó là phát triển chế biến công nghiệp, công nghệ cao, thương hiệu, xúc tiến thương mại tiêu thụ sản phẩm; xây dựng mô hình sản xuất chuỗi đối với một số sản phẩm chủ lực.

Theo đó sẽ sản xuất lúa chất lượng cao chủ yếu đáp ứng nhu cầu nhân dân trong tỉnh, phục vụ công nghiệp, đô thị, du lịch; phát triển cây ngô để sản xuất thức ăn chăn nuôi, được bố trí gieo trồng cả 3 vụ trong năm; quy hoạch vùng sản xuất rau hàng hóa tập trung theo hướng nâng cao chất lượng, an toàn thực phẩm; thực hiện quy hoạch vùng sản xuất chè búp tươi nguyên liệu, đầu tư phát triển theo hướng tăng giá trị gia tăng; quy hoạch, chuyển đổi mục đích sử dụng đất đối với những vùng có điều kiện phát triển cây ăn quả...

Tùng Lâm