Việc mở cửa hội nhập kinh tế quốc tế không chỉ mang đến những cơ hội lớn mà còn đem lại những thách thức không nhỏ đối với nhiều ngành hàng của nước ta, trong đó, ngành mía đường không là ngoại lệ. Với những khó khăn đang tồn tại trong ngành, đòi hỏi ngành mía đường cần cấp thiết triển khai nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh.
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, hiện nay, theo cam kết mở cửa thị trường mặt hàng đường nói chung, ngành mía đường trong nước vẫn đang được Nhà nước bảo hộ ở mức độ cao. Công cụ bảo hộ chủ yếu thực hiện bằng các hàng rào thuế quan và cơ chế quản lý nhập khẩu. Cụ thể, trong cam kết WTO, nhằm bảo hộ ngành sản xuất trong nước, trước khi chuyển sang giai đoạn tự do hóa thương mại hoàn toàn, Việt Nam đã đạt được cam kết áp dụng cơ chế quản lý nhập khẩu theo hạn ngạch thuế quan (HNTQ) đối với một số nông sản, trong đó có đường. Điều này thực chất mới chỉ nới lỏng một phần mức độ bảo hộ thông qua cam kết cho nhập khẩu một lượng hạn ngạch rất hạn chế và mức tăng trưởng tối thiểu hàng năm là 5%/năm. Theo lộ trình, năm 2015, lượng HNTQ đường nhập khẩu chỉ khoảng 81.000 tấn (chiếm 6% tổng nhu cầu tiêu thụ đường trong nước).
Đối với các Hiệp định song phương và đa phương Việt Nam đã ký kết trước đây, đường đều nằm trong Danh mục loại trừ, không phải cam kết xóa bỏ thuế quan. Riêng với một số Hiệp định ASEAN - Úc - Niudilan, ASEAN - Nhật Bản, Việt Nam đều bảo lưu việc áp dụng cơ chế HNTQ nhưng lượng HNTQ được tính vào trong lượng HNTQ chung của WTO.
Riêng với Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA), các nước thành viên đang dần phải tiến đến việc thực hiện nghĩa vụ Cộng đồng kinh tế ASEAN. Trong đó, đến năm 2018, các nước thành viên phải cam kết mở cửa thị trường hoàn toàn với hầu hết các mặt hàng, trong đó có mặt hàng đường. Việt Nam cũng phải thực hiện cam kết xóa bỏ HNTQ mặt hàng đường trong ASEAN với thời gian chậm nhất là năm 2018. Khi thực hiện cam kết này, việc nhập khẩu đường của Việt Nam từ các nước thành viên ASEAN sẽ không bị hạn chế về số lượng với thuế suất nhập khẩu là thuế suất cam kết theo ATIGA (5%).
Với các Hiệp định chất lượng và yêu cầu mức độ mở cửa thị trường cao hơn, hiện nay, Việt Nam đều bảo lưu cam kết áp dụng HNTQ để bảo hộ sản xuất trong nước. Vì vậy có thể khẳng định thời điểm hiện tại ngành mía đường trong nước vẫn đang được Nhà nước bảo hộ ở mức độ cao so với mặt bằng chung các ngành sản xuất khác.
Về tình hình cam kết mở cửa thị trường của các nước đối tác cho đường xuất khẩu của Việt Nam, hiện nay, đường xuất khẩu của nước ta chủ yếu sang Trung Quốc và chưa vươn ra được các thị trường khác trên thế giới do khó cạnh tranh với các nước xuất khẩu đường lớn khác về giá và chất lượng.
Ngoài các nước tham gia Hiệp định đã ký kết trước đây với Việt Nam (ASEAN, Úc, Niudilan, Chi lê, Hàn Quốc,...) đã cam kết mở cửa với mức độ khả quan đối với mặt hàng đường, các đối tác của Hiệp định hiện nay Việt Nam đang đàm phán như Hiệp định đối tác thương mại xuyên Thái Bình Duơng (TPP), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA), Liên minh hải quan Nga – Belarus - Kazakhstan (VCU) cũng đều cam kết mở cửa thị trường ở mức độ nhất định. Các hình thức mở cửa chủ yếu là xóa bỏ thuế quan hoàn toàn trừ các nước lớn như EU, Hoa Kỳ, Nhật Bản do đường là mặt hàng nông sản nhạy cảm nên họ xem xét áp dụng HNTQ không chỉ với Việt Nam mà với tất cả các nước khác trên thế giới. Mặc dù chỉ mở cửa bằng cách áp dụng HNTQ ở mức độ khiêm tốn nhưng đây là động lực để các doanh nghiệp phát triển và thúc đẩy xuất khẩu đường chất lượng cao vào các thị trường khó tính như EU và các nước TPP.
Với việc tham gia hội nhập kinh tế quốc tế, ngành đường Việt Nam sẽ có nhiều thuận lợi. Trong đó, việc thực hiện các Hiệp định thương mại song phương và đa phương Việt Nam tham gia ký kết sẽ mở ra cơ hội xuất khẩu nhất định, góp phần đa dạng hóa thị trường đối với mặt hàng đường, tránh phụ thuộc vào một thị trường nhất định như Trung Quốc, đặc biệt trong bối cảnh mấy năm qua sản lượng đường lớn, đường tồn kho luôn ở mức cao, việc tiêu thụ đường gặp rất nhiều khó khăn.
Bối cảnh mở cửa tự do, đặc biệt với việc thực hiện cam kết mở cửa trong ASEAN, việc tham gia hội nhập kinh tế quốc tế đòi hỏi ngành mía đường trong nước phải nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh với các nước trong khu vực và thế giới. Đây là động lực để ngành đường trong nước nâng cao chất lượng, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, nâng cao năng suất chất lượng, tăng cường đầu tư hệ thống tiêu chuẩn kỹ thuật, an toàn thực phẩm.
Hiện nay, sản phẩm đường xuất khẩu của nước ta chủ yếu là đường thô hoặc đường trắng, tinh luyện. Với việc xóa bỏ thuế quan một số ngành sản xuất chế biến từ các sản phẩm từ đường đang được bảo hộ cao của các nước đối tác sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư và phát triển vào các ngành công nghiệp chế biến có giá trị gia tăng cao hơn như sản phẩm đường hóa học, sản phẩm từ đường như bánh kẹo, mật,...
Tuy nhiên, bên cạnh những cơ hội đem lại, quá trình hội nhập kinh tế đem lại thách thức không nhỏ, làm gia tăng sức ép cạnh tranh giữa hàng hóa nhập khẩu và sản xuất trong nước; đặc biệt thời gian tới Việt Nam phải thực hiện cam kết mở cửa với nhiều Hiệp định thương mại đã ký và sắp ký tới đây.
Đặc biệt, thách thức lớn nhất đối với ngành đường là từ năm 2018 khi Việt Nam phải xóa bỏ hoàn toàn HNTQ đường từ ASEAN, đường nhập khẩu Thái Lan sẽ cạnh tranh và có ảnh hưởng nhất định đến đường sản xuất trong nước (hiện nay, các doanh nghiệp nhập khẩu đường của Việt Nam gần như phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn cung đường Thái Lan). Có khẳng định đây là sân chơi đòi hỏi ngành đường phải có sự chuẩn bị bài bản và sự quyết tâm lớn để nâng cao chất lượng, giảm giá thành sản phẩm để cạnh tranh và vững vàng hơn trong hội nhập.
Bên cạnh đó, năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp sản xuất đường chưa cao dẫn đến hiệu quả còn thấp và phát triển chưa bền vững. Một số bất cập của ngành mía đường tập trung chủ yếu ở các đặc điểm năng suất thấp, giá thành cao, hệ thống phân phối yếu, liên kết giữa các doanh nghiệp với nông dân chưa chặt chẽ,...Với những bất cập đó, nguy cơ đối mặt với thách thức lớn của ngành mía đường đang dần hiện hữu, nhất là khi thị trường đường khu vực sẽ mở cửa hoàn toàn trong ASEAN sau 3 năm tới.
Do vậy, theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), trước những cơ hội và thách thức của quá trình hội nhập quốc tế, đã đến lúc ngành mía đường cần quyết tâm tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn, đổi mới toàn diện về quy mô, giống cây trồng, phương thức, công nghệ sản xuất,...Đồng thời, để nâng cao sức cạnh tranh, cần tạo sự liên kết chặt chẽ giữa nhà máy đường với người nông dân trồng mía, hệ thống phân phối trung gian giữa nhà máy đường và các nhà máy tiêu thụ đường phục vụ sản xuất chế biến thực phẩm. Ngoài ra, để tận dụng cơ hội mở cửa thị trường từ việc các Hiệp định thương mại đã ký và sắp ký, ngành mía đường cần chủ động tìm kiếm, mở rộng thị trường xuất khẩu nhằm đảm bảo phát triển ổn định, bền vững./.